Phát động Cuộc thi Thắp sáng Ý tưởng Doanh nghiệp Xã hội Hà Nội 2009

(CTG) Ngày 18/11/2009, hơn 200 gương mặt sinh viên xuất sắc đến từ 14 trường đại học đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam sẽ hội tụ tại Đại học Hà Nội trong lễ phát động cuộc thi “Thắp sáng Ý tưởng Doanh nghiệp Xã hội cho sinh viên Hà Nội”. Cuộc thi được tổ chức dựa trên ý tưởng của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Trung Tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ vì Cộng đồng, Hội đồng Anh.


Ảnh minh họa

Mục đích của cuộc thi là nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về doanh nghiệp xã hội (DNXH) và đóng góp của DNXH vào việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường của Việt Nam. Kết quả  của dự án là những sáng kiến về doanh nghiệp xã hội xuất sắc của sinh viện được phổ biến, góp ý kiến, thẩm định và trao giải để ghi nhận và hỗ trợ triển khai thực hiện. Dự án này sẽ được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Trung tâm hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng, Hội đồng Anh, Trung tâm nghiên cứu phát triển doanh nhân (RCED) và các đối tác khác chủ trì triển khai nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về doanh nghiệp xã hội và đóng góp của DNXH vào việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký hội DNT Việt Nam thì cuộc thi Thắp sáng Ý tưởng Doanh nghiệp Xã hội cho sinh viên Hà Nội hứa hẹn sẽ góp phần vào sự thay đổi của môi trường xã hội Việt Nam. Đây là sân chơi đầu tiên giúp giới trẻ chung tay phát triển cộng đồng bằng những ý tưởng xây dựng doanh nghiệp xã hội, cuộc thi kêu gọi những người trẻ tuổi tâm huyết đưa ra những ý tưởng và đề xuất dự án nhằm cải thiện cộng đồng trong phạm vi từng địa phương và trên cả nước.

Cuộc thi bao gồm hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Phát động chương trình, nhận hồ sơ dự thi (19/11/2009 – 19/12/2009)

Giai đoạn 2: Đánh giá, xét chọn dự án, gồm hai vòng Sơ loại và Chung tuyển (20/12/2009 – 25/01/2010)

Kết thúc hai giai đoạn, các trường đại học tham gia sẽ được thông báo cụ thể về kết quả cũng như thông tin của các dự án đạt giải, từ đó nâng cao hiểu biết về doanh nghiệp xã hội trong cộng đồng các trường đại học, tạo nền tảng cho sự hình thành và phát triển nhiều hơn nữa các mô hình doanh nghiệp xã hội, đóng góp tích cực cho quá trình cải thiện môi trường xã hội và phát triển cộng đồng ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, tham gia vào cuộc thi thí sịnh sẽ có cơ hội học hỏi kiến thức và kinh nghiệp từ các chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực doanh nhân xã hội như: bà Catriona Rust, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của tổ chức Danh nghiệp Xã hội London (SEL); tiến sỹ Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, nhà trí thức với nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế cũng như phát triển cộng đồng; bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến vì Cộng đồng (CSIP); ông Jimmy Phạm, người sáng lập công ty quốc tế KOTO; ông Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập tổ chức cung cấp tủ sách cho các dòng họ ở khu vực nông thôn; chị Phan Ý Ly, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong phát triển cộng đồng; bà Đinh Thị Ánh Tuyết – Giám đốc điều hành của Bình Minh CDC. 

“Doanh nhân xã hội” là khái niệm khá phổ biến trên thế giới nhưng còn mới mẻ ở Việt Nam. Đó là người sử dụng những phẩm chất, kỹ năng như các doanh nhân để trực tiếp xây dựng các tổ chức/doanh nghiệp xã hội nhằm giải quyết một vấn đề xã hội hay môi trường cụ thể. Khác với doanh nhân kinh tế, DNXH đánh giá thành công của mình không phải qua lợi nhuận mà bằng những tiến bộ xã hội mà họ đóng góp cho cộng đồng.

DNXH có thể là doanh nhân, nhân viên xã hội, nhà hoạt động từ thiện...điều đó tùy thuộc mô hình hoạt động của họ. Tuy nhiên, DNXH khác với những người hoạt động xã hội-từ thiện kiểu truyền thống ở chỗ họ sở hữu những phẩm chất, kỹ năng như của một doanh nhân thực thụ. Họ nhạy bén trong việc phát hiện, sử dụng các nguồn lực tiềm năng; đam mê, khát vọng tạo ra sự thay đổi; trực tiếp tạo lập, điều hành các tổ chức, doanh nghiệp xã hội; dám chấp nhận thách thức.


Phương Hợp