Tại hội nghị tổng kết Chiến dịch Thanh niên tình nguyện (TNTN) Hè năm 2024 chiều 24/9, anh Nguyễn Hải Đăng - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai cho biết, vừa qua, mưa lũ, sạt lở trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã khiến hệ thống đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã tê liệt. Vì vậy, công tác cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ người dân gần như phải sử dụng nguồn lực tại chỗ.
Hội nghị tổng kết Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè năm 2024. Ảnh: Xuân Tùng |
“Đoàn viên, thanh niên địa bàn đã thể hiện rõ tinh thần xung kích, đoàn kết, đồng lòng; tích cực tham gia huy động nguồn lực ứng cứu tại chỗ. Có những gia đình của đoàn viên, thanh niên chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng vẫn tham gia cùng lực lượng băng rừng, vượt núi, các chuyến xe cứu trợ xuyên đêm hỗ trợ bà con”, anh Đăng nói.
Theo anh Đăng, vai trò của tổ chức Đoàn trong việc kết nối các đơn vị tình nguyện với các cơ quan chức năng là rất quan trọng, để hỗ trợ các địa phương trong việc điều phối, phân bổ nguồn lực hỗ trợ đảm bảo thiết thực và hiệu quả cao nhất.
“Nhiều đơn vị, tổ chức đều mong muốn đến trực tiếp tại hiện trường, các địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng Tỉnh Đoàn đều khuyến nghị và cảnh báo trước về tình hình sạt lở trên các tuyến đường. Vì vậy, việc điều phối lực lượng tại chỗ rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho các đơn vị tình nguyện, vừa đảm bảo nguồn lực được phân bổ tới tận tay các địa phương chịu thiệt hại nặng nề”, anh Đăng nói.
Anh Nguyễn Hải Đăng - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng |
Nhiều chiến sĩ Hoa phượng đỏ được kết nạp Đảng
Chị Trần Thu Hà - Phó Bí thư Thành Đoàn Hồ Chí Minh cho biết, chiến dịch Hoa phượng đỏ của Thành Đoàn thực sự đã tạo nên một mùa hè của hành trình trưởng thành, tiếp nối và gắn kết các em học sinh với chiến dịch qua nhiều mùa.
Theo chị Hà, Chiến dịch được diễn ra trong 2 tháng với lượng lượng tham gia đông đảo nhất, vượt qua dự tính ban đầu. Thành Đoàn ghi nhận có hơn 240 nghìn chiến sĩ đăng ký tham gia, 2.286 đội hình.
Chiến dịch được thiết kế thành 2 chặng, trong đó chặng 1 là trải nghiệm và trưởng thành; chặng 2 là chiến sĩ tình nguyện vì cộng đồng. Ngoài ra, Chiến dịch cũng tổ chức các đội hình chuyên công dân số, truyền thông số 4.0… để phát huy tích cực thế mạnh của chính các em học sinh.
Đặc biệt, từ Chiến dịch, hơn 3 nghìn chiến sĩ tình nguyện Hoa phượng đỏ đã được kết nạp Đoàn, 201 chiến sĩ được kết nạp Đảng.
Chia sẻ về thành công của Chiến dịch, chị Hà nhấn mạnh việc cần nắm bắt nhu cầu thực tế của từng địa phương đang thiếu hụt hoạt động sinh hoạt hè; các sân chơi trải nghiệm cho học sinh còn thiếu… Từ đó, việc thiết kế hoạt động phù hợp, bám sát với nhu cầu của từng đối tượng sẽ đạt được hiệu ứng lan toả cao hơn và kích thích tính chủ động của học sinh tham gia chiến dịch.
Là một trong những học sinh được kết nạp Đảng từ chiến dịch Hoa phượng đỏ, bạn Nguyễn Hoàng Thiện - Nguyên Bí thư Đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh, TP HCM) chia sẻ: “Từ chiến dịch, bản thân em đã có cơ hội được trải nghiệm, rèn luyện, học tập nâng cao phẩm chất đạo đức, phát triển bản thân để xứng đáng được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Những kết quả đạt được từ chiến dịch Hoa phượng đỏ cũng là tiền đề, động lực để em thôi thúc bản thân hoạt động tích cực hơn nữa trong các hoạt động của Đoàn, Hội khi trở thành sinh viên đại học”.
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến, tham luận. Ảnh: Xuân Tùng |
Sử dụng phần mềm quản lý, kết nối nguồn lực tình nguyện
Theo anh Nguyễn Tiến Hưng - Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội, trong Chiến dịch Mùa hè xanh năm nay, thực hiện chủ trương “3 liên kết”, Thành Đoàn Hà Nội đã tập trung vào hoạt động điều phối và quản lý.
Với nguồn lực và đội hình sinh viên tình nguyện lớn từ các trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn, Thành Đoàn đã hỗ trợ nguồn lực cụ thể đối với hơn 300 đội hình tham gia tình nguyện tại 31 tỉnh thành và 30 quận huyện thuộc TP Hà Nội.
Đối với các đội hình, Thành Đoàn đã hỗ trợ tiền mặt, xe di chuyển, hàng hoá, quà tặng cho địa phương… “Vì thế, các đơn vị trước đây đi ngắn ngày, nay đi xa hơn, dài hơn, từ ít đội hình đã nhân rộng lên nhiều đội hình hơn. Điều đó đã cho thấy công tác hỗ trợ trực tiếp các đội hình tình nguyện tạo hiệu ứng mạnh, lan toả tới nhiều đoàn viên, thanh niên hơn”, anh Hưng nói.
Ngoài ra, trong Chiến dịch TNTN hè năm nay, Thành Đoàn Hà Nội đã sử dụng phần mềm quản lý, với hơn 16.000 tình nguyện viên. Theo đó, tình nguyện viên và các đội hình tham gia sẽ đăng ký trước nội dung phần việc, công trình và cập nhật tiến độ công trình phần việc, tình hình của tình nguyện viên. Qua đó, phần mềm đã tạo hiệu quả tốt, tạo sự tương tác hai chiều trong quá trình thực hiện chiến dịch.
Anh Nguyễn Tiến Hưng - Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng |
Trong Chiến dịch hè năm 2024, có trên 893.500 tin, bài (tăng gấp đôi so với năm 2023), với tổng lượt tiếp cận đạt gần 24,5 lượt.
Tại hội nghị, nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết, các hoạt động của các cấp bộ Đoàn trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè năm nay đã tạo cảm hứng, chất liệu sinh động cho công tác tuyên truyền.
Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong phát biểu tại hội nghị. |
Theo đó, Báo Tiền Phong đã tập trung huy động nhân lực tại các phòng ban để triển khai đồng bộ, nhanh và sâu, với gần 1.000 tin bài về hoạt động tình nguyện. Trong đó, tiêu biểu có loạt bài 19 kỳ trên Nhật báo Tiền Phong tuyên truyền về việc thực hiện công trình đường dây 500kV mạch 3; loạt 9 bài “Ba cùng đổi thay vùng đất khó”; loạt bài “Góp tri thức thay đổi miền quê”...
Về kinh nghiệm, Báo Tiền Phong đã tổ chức lên kế hoạch thực hiện tuyên truyền từ sớm với sự tham gia, phối hợp thực hiện của nhiều phòng ban và ở phóng viên thường trú các vùng miền. Trong chỉ đạo, Báo đã bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Đoàn.
“Bên cạnh đó, toà soạn thực hiện công tác khen thưởng kịp thời, thưởng nóng để ghi nhận đóng góp của phóng viên trong việc thực hiện các đề tài về Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè”, nhà báo Phùng Công Sưởng nói.
Theo TP