Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt các thầy cô giáo trong chương trình. Ảnh: Xuân Tùng |
Ngày 15/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp gỡ đoàn đại biểu chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Cùng dự có anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam.
Anh Nguyễn Kim Quy báo cáo về chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022. Ảnh: Xuân Tùng |
Báo cáo tại chương trình, anh Nguyễn Kim Quy - Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam cho biết, sau hai tháng phát động chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022 đã nhận được 123 hồ sơ gương thầy cô giáo từ 56 tỉnh, thành phố và các tổ chức giới thiệu. Hội đồng xét chọn đã họp và lựa chọn được 68 gương giáo viên tiêu biểu xuất sắc để tuyên dương.
Đây là những thầy giáo, cô giáo có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế và đạt kết quả cao; đang công tác tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đã từng tham gia giảng dạy có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thời gian công tác được xã hội ghi nhận.
Các thầy cô giáo được tuyên dương trong chương trình tại buổi gặp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Xuân Tùng |
Trong số 68 gương được tuyên dương, giáo viên lớn tuổi nhất là cô giáo Nguyễn Thị Lê Dung (SN 1969), công tác tại Trường Tiểu học Vĩnh Hảo, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, đã nghỉ hưu vào tháng 8/2022; thời gian công tác 36 năm. Giáo viên trẻ tuổi nhất là cô giáo Võ Thị Kim Trang (SN 1997), công tác tại Trường Mầm non Sơn Định, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên; thời gian công tác 4 năm. Có 10 giáo viên là người dân tộc thiểu số, bao gồm 8 dân tộc Khmer, Mông, Mường, Nùng, Pako, Raglay, Tày, Thái. Có 2 giáo viên đã đào tạo học sinh tham gia các cuộc thi quy mô quốc tế. |
Dõi theo hành trình trưởng thành của học sinh
Tại chương trình, cô giáo Nguyễn Thị Lê Dung (Trường Tiểu học Vĩnh Hảo, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) cho biết, tình yêu nghề giáo được gieo từ các thầy cô đã dạy cô Dung. Trách nhiệm của người giáo viên không dừng lại khi các học sinh ra trường, chuyển cấp mà theo suốt hành trình học tập, trưởng thành để có thêm những bài học, kinh nghiệm trong công tác.
“Tài sản lớn nhất của tôi là sự trưởng thành của các thế hệ học sinh. Trong đó, tôi nhớ nhất là trường hợp của một nữ sinh trầm cảm do bị xâm hại. Em chọn cách giấu kín nên gia đình không hề hay biết. Tôi đã tự mày mò các phương pháp tiếp cận, đồng hành để lấy lại niềm tin vào cuộc sống cho em. Hiện, em đã trở thành một sinh viên xuất sắc, tấm gương về học tập, rèn luyện và hoạt động vì cộng đồng trong nhà trường." - Cô giáo Nguyễn Thị Lê Dung nói.
Thầy giáo Sùng A Trừ (Trường PTDTBT TH và THCS Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) chia sẻ việc dạy và học ở Chế Tạo nói riêng và huyện Mù Cang Chải nói chung còn nhiều khó khăn. Có những học sinh hoàn cảnh, cách xa điểm trường 6 - 7 giờ đồng hồ đi bộ đường núi, đường rừng nhưng các thầy cô vẫn đến nhà từng em để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em đi học.
Là người con của vùng cao, thầy Trừ càng hiểu hoàn cảnh của các em và nỗ lực hơn trong hành trình gieo chữ. Thầy đã có nhiều sáng kiến giúp học sinh được đến trường, học giỏi như sáng kiến ghép đôi học sinh lớn với đàn em để cùng nhau học tập, rèn luyện.
Thầy giáo Sùng A Trừ (dân tộc Mông) chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng |
Thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội) gắn bó với việc bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Tin học của trường. Thầy Tùng cho biết học sinh đội tuyển, các trường chuyên có tư duy, khả năng nghiên cứu tốt đòi hỏi giáo viên thường xuyên trau dồi kiến thức. "Học sinh càng giỏi thì giáo viên càng phải trau dồi kiến thức để "chiến đấu", truyền kiến thức các em", thầy Tùng nói.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng |
Bên cạnh đó, nhiều thầy cô giáo đã chia sẻ, đề xuất ý kiến liên quan đến công tác giáo dục, hỗ trợ học sinh; xây dựng ngôi trường hạnh phúc, giảm áp lực học tập cho học sinh...
Tăng tính bền vững, sự hứng khởi cho học sinh và giáo viên
Phát biểu tại buổi gặp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Đảng, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt, coi công tác giáo dục và đào tạo là một trong những quốc sách hàng đầu, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng thuộc diện chính sách.
Phó Thủ tướng biểu dương những cống hiến, đóng góp quý báu của 68 gương được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022. Các thầy cô công tác ở những nơi có điều kiện sinh hoạt, dạy và học khác nhau, nhưng đều có điểm chung luôn tận tụy, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng |
“Nếu các thầy cô không có quyết tâm lớn như vậy, làm sao học sinh ở vùng sâu, vùng xa vươn lên thoát nghèo, thay đổi số phận của chính mình”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Phó Thủ tướng nêu rõ, sự quan tâm đặc biệt, kỳ vọng lớn về giáo dục của dư luận là động lực để khơi dậy sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trong cổ vũ, động viên, tri ân đội ngũ giáo viên trên khắp mọi miền Tổ quốc. Công tác giáo dục và đào tạo cần quan tâm hơn đến việc tăng cường hàm lượng tri thức, khoa học, tính bền vững, sự hứng khởi cho cả học sinh và giáo viên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng các gương được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm với nghề, ngày càng hoàn thiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trồng người”.
Anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phát biểu đáp từ, lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng quà các thầy cô giáo. Ảnh: Xuân Tùng |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh lưu niệm cùng với đoàn đại biểu chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022. Ảnh: Xuân Tùng |
Theo TPO