Phòng, chống "diễn biến hòa bình": Nổi tiếng kiểu... tai tiếng!

(CTG) Đến chơi nhà bạn đồng ngũ, thấy cháu Hoài là con gái của bạn đang khóc thút thít ở hiên, ông Hiền lại gần sốt sắng hỏi:

- Con gái “rượu” của bố Đãng có chuyện gì buồn à? Chắc lại giận bố hả? Thôi, thông cảm cho bố cháu! Ngày xưa, ông ấy được đơn vị bác đặt cho biệt danh là Đãng “lửa” đấy. Hơi chút là khùng lên, tính nóng như lửa. Mà đầu đuôi câu chuyện thế nào, kể bác nghe, bác hứa sẽ nói chuyện để bố cháu hiểu.

Được bạn của bố động viên, Hoài lau nước mắt, thuật lại nguồn cơn câu chuyện. Chuyện là, Hoài chơi thân với một bạn trai cùng lớp, cậu này đang là “hot Facebooker” (người nổi tiếng trên mạng xã hội “phây búc”). Lúc cả nhà đang ăn cơm, thấy Hoài vào mạng xem video clip của cậu bạn vừa đăng rồi cười thích thú, ông Đãng nổi giận, yêu cầu con gái không được làm bạn với cậu kia nữa vì trong video clip đó, cậu ta mặc bộ đồ “nhái” quân phục, không cài khuy, không mang dây lưng, đứng nhảy múa uốn éo.

Phòng, chống "diễn biến hòa bình": Nổi tiếng kiểu... tai tiếng!
 Ảnh minh họa: Vietnamnet

- Chuyện như vậy à cháu?

- Dạ, vâng ạ! Bạn này vẫn thỉnh thoảng đến nhà cháu chơi, bố cháu không ý kiến gì. Vậy mà, chỉ vì mỗi bộ quân phục "nhái" cậu ấy mặc kiểu trẻ trung để cho vui, bố cháu lại nặng lời, gọi bạn ấy là “quân phản động”, rồi mắng cháu... không biết chọn bạn.

Hoài vừa nói đến đó, ông Đãng từ trong buồng chạy ra, giọng bực tức:

- Mày lại còn định bênh nó hử? Ăn mặc nhố nhăng, bôi nhọ hình ảnh người lính Cụ Hồ, như thế chẳng phải là “phản động” thì sao? Con nhìn bác Hiền, rồi bố đây, mặc dù đã rời quân ngũ hơn chục năm nhưng mỗi dịp hội họp, ngày lễ cần mặc bộ quân phục cũ, các bố đều chuẩn bị là ủi cho phẳng phiu, mang mặc nghiêm túc, trân trọng. Trong khi bạn con đang là sinh viên, có học thức, nhất là cậu ta không phải là bộ đội mà dám lấy quân phục để mang mặc lên người, đã thế còn nhảy nhót kiểu nhố nhăng...

- Bạn con cũng vì yêu hình ảnh bộ đội nên mới mặc trang phục “nhái” theo phong cách người lính trẻ để quay video clip để quảng bá hình ảnh bộ đội thôi ạ!

- Nhưng nhái kiểu nhố nhăng, lai căng đó là bôi nhọ hình ảnh người lính Cụ Hồ đấy, con ạ! Không biết chừng, nó còn có ý đồ xấu. Các anh chị bây giờ mà cứ “thả lỏng” ra là dễ lung lạc, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lắm.

Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, ông Hiền vội chen ngang:

- Theo tôi, ông Đãng phải bình tĩnh, tìm hiểu xem cậu kia mặc như vậy với mục đích gì? Có thể cháu nó chỉ suy nghĩ đơn giản, muốn nổi tiếng trên mạng xã hội nên ăn mặc khác thường. Nhiều bạn trẻ giờ vô tư, hồn nhiên, thích sáng tạo, thể hiện sự mới lạ như vậy. Nếu chưa tìm hiểu kỹ mà vội quy cho cháu là “phản động” thì không nên. Còn cháu Hoài, bố cháu nhắc cũng có phần đúng đấy! Cháu nên góp ý với bạn, có những hình ảnh đã thành biểu tượng, ăn sâu vào tâm trí cộng đồng rồi thì không nên phá cách bừa bãi, gây phản cảm. Cháu cũng phân tích cho bạn ấy hiểu, việc làm đó của bạn sẽ gây ra những hệ lụy không tốt cho cộng đồng, thậm chí còn bị kẻ xấu lợi dụng để suy diễn, xuyên tạc, tuyền truyên chống phá Quân đội ta. Nếu cậu ấy thực sự là bạn tốt thì cháu cần khuyên nên chọn những cách làm phù hợp, đăng thông tin thực sự tốt đẹp để người xem “phây búc” thấy tin cậy, yêu mến, vì nổi tiếng như thế mới bền vững. Chứ muốn nổi tiếng theo kiểu bạn cháu đã làm thì không khéo lại thành... tai tiếng.

Nghe ông Hiền phân tích thấu tình, đạt lý, cả ông Đãng và cháu Hoài đều bày tỏ nhất trí. Không khí trong nhà bớt căng thẳng hẳn.

Theo QĐND