Bất ngờ bởi sự ấm ấp, thân thiện
Flow-ee là quán cà phê nhỏ, rất yên tĩnh. Bước chân đến cửa đã có một bạn nhân viên trẻ ra mở cửa, nở nụ cười thân thiện, chào khách hàng bằng ngôn ngữ ký hiệu rồi khẽ đưa tay mời khách vào quán.
Các nhân viên chăm chú làm và không nói, khách đến đây cũng im lặng, chỉ việc chỉ tay vào thực đơn để gọi đồ uống, hoặc dùng ngôn ngữ ký hiệu, hoặc gọi món bằng cách viết ra giấy tên đồ uống.
Ngay đối diện cửa vào, cà phê Flow-ee dành riêng một khu vực check-in cho khách hàng. Tại đây, khách có thể ghi lại cảm nhận của mình khi đến quán. "Lần đầu trải nghiệm tại Flow-ee rất ấn tượng, các bạn phục vụ dễ thương, nhiệt tình và thân thiện. Chắc chắn sẽ quay lại và học thêm cách thức để nói chuyện với các bạn"; "Quán có sự sáng tạo, rất sạch sẽ, nước cũng khá ngon"... là một số cảm nhận của khách dành cho Flow-ee thời gian qua.
Ghé quán lần đầu vì tò mò với tấm biển: "Flow-ee được phục vụ bởi người điếc", dần dần, chị Bảo Ngọc, một người làm nghề viết tự do, đã xếp Flow-ee ở vị trí ưu tiên đầu tiên khi muốn tìm một không gian thoải mái để sáng tạo. "Mình đã rất bất ngờ bởi sự ấm áp, thân thiện, dễ thương của các bạn nhân viên ở đây. Dù các bạn không thể nghe, nói nhưng các bạn đều tỏa ra nụ cười thân thiện với cách phục vụ tận tình", chị Ngọc chia sẻ.
Nói về sự ra đời của Flow-ee, Ngô Quốc Hào (sinh năm 1996), CEO của Flow-ee kiêm "người phiên dịch", cho biết Flow-ee là dự án khởi nghiệp của Hào và 7 cổ đông khác. Nhóm mở quán cà phê nhằm tạo công ăn việc làm cho các bạn khiếm thính, tạo ra giá trị cho cộng đồng. Tại quán, tất cả các nhân viên đều được gọi là Flower - "bông hoa".
Định hướng của Flow-ee là làm sao đảm bảo môi trường làm việc an toàn, sáng tạo cho các bạn khuyết tật, khiếm thính. "Rất nhiều người hỏi bọn em tại sao lại chọn các bạn điếc làm nhân viên phục vụ mà không chọn các bạn khuyết tật khác? Chúng em nghiên cứu, nhóm người điếc là một trong những nhóm người dễ tổn thương nhất. Người câm thì vẫn nghe được nhưng khi đã điếc thì họ không nói được, chỉ phát ra âm thanh, vì vậy nhóm này cần có thêm cơ hội", CEO của Flow-ee cho hay.
Nói về tên khá đặc biệt của quán "Flow-ee", Hào giải thích, Flow nghĩa là dòng chảy, ngay cả thiết kế của quán cũng đều là những đường uốn lượn, dòng chảy, thể hiện sự lên - xuống, thăng - trầm. Đó là những khó khăn mà các bạn khuyết tật phải đối mặt, những đường đi lên là sự sáng tạo, niềm vui của các bạn khi có môi trường để thể hiện năng lực của mình. Màu sắc chủ đạo của quán là màu xám và màu vàng; màu xám giống như nốt trầm, những khó khăn trong cuộc sống, còn màu vàng là sự tươi mới, vui vẻ.
"Mỗi sáng thức dậy, mình thấy có nhiều niềm vui"
Quán hiện có 6 "Flower" khiếm thính chia làm 2 ca, mỗi ca 3 người, đều là các bạn trẻ từ 21 - 33 tuổi. Trong thời gian đầu mở quán, các thành viên của nhóm thay nhau túc trực tại quán từ sáng đến tối để hỗ trợ các nhân viên. Cơ duyên đưa các bạn khiếm thính đến với Flow-ee là qua một tổ chức phát triển hòa nhập, đào tạo và tiếp nhận các bạn khuyết tật.
"Ngày trước, em nghĩ rằng các bạn khiếm thính sẽ bức bí và không bộc lộ hết tiềm năng của mình, nhưng các bạn đã tương tác với khách hàng rất tự nhiên. Các "Flower" đã cho em và các khách hàng thấy họ không bé nhỏ, đáng thương mà ngược lại, họ rất năng động, trẻ trung, mang lại cho nhiều người năng lượng tích cực mỗi khi tới đây", Hào nói.
Trần Ngọc Mai (33 tuổi, trú Tuyên Quang), nhân viên phục vụ tại đây, chia sẻ cô sinh ra và lớn lên tại Tuyên Quang, bị câm, điếc bẩm sinh. Hiện nay, Mai đã có gia đình, hai vợ chồng đang sinh sống ở Hà Nội và chồng Mai cũng là người câm, điếc. "Pha chế đồ uống là đam mê. Mình đã có 3 bằng pha chế và từng làm việc ở nhà hàng. Khi làm việc tại Flow-ee, mình được đào tạo thêm nghiệp vụ và quy trình đón khách... Mỗi sáng thức dậy, mình thấy có nhiều niềm vui mỗi khi pha chế cà phê, kem bingsu, trà…, làm sao cho khách hàng cảm thấy ngon miệng", Mai chia sẻ.
Flow-ee có menu đồ uống rất đa dạng gồm các loại nước ép, trà, cà phê… Nhưng độc đáo nhất phải kể đến món bingsu kết hợp với rượu. Đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa sự ngọt ngào, thơm mát từ món kem tuyết cùng sự cay nhẹ, thơm nồng của các loại rượu.