Lứa chúng tôi lớn lên khi phong trào hip-hop đang đạt đến độ cực thịnh. Thời ấy đi đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp các thanh niên với quần tụt, áo phông, nón snapback, khuyên tai và dây xích đeo đầy người. Chúng tôi thuộc lòng tên những thần tượng rapper (ca sĩ nhạc rap) một thời như: LK, Lil Shady, Datmaniac… với những bài nhạc hot hit đình đám. Và chính tay tôi đã từng tỉ mẩn tự thu âm cho mình 1 bài nhạc rap bằng chiếc headphone và bộ máy tính “thánh gióng” không thể “cùi” hơn.
Bẵng đi một thời gian, tôi vô cùng bất ngờ khi rap ngày càng được nhiều khán giả Việt đón nhận trở lại và ưa thích. Với màu sắc mới mẻ, hàng loạt chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng nhạc rap được phát sóng vào giờ “vàng” trên các kênh truyền hình quốc gia như: King Of Rap, Rap Việt, gây hiệu ứng lan truyền nhanh chóng trong giới trẻ. Thậm chí, chương trình Rap Việt còn đạt hẳn top 1 thịnh hành trên trang YouTube.
Giới trẻ “phát cuồng” với nhạc rap. Báo chí, mạng xã hội lại càng tha hồ khai thác các câu chuyện “drama” xoay quanh các rapper, các thí sinh tham gia chương trình rap. Những ngày gần đây, chúng ta thường xuyên đọc được các tin bài với tiêu đề vô cùng “hấp dẫn”, gây tò mò, như: Thí sinh này đã từng ra nhạc rap diss (công kích) giám khảo kia? Giám khảo ấy đã từng có xích mích và ra nhạc “đá xoáy” giám khảo nọ? Quá khứ “rap diss ngợp trời”của rapper X?
Cụ thể như câu chuyện thí sinh ICD từng diss (công kích) 2 giám khảo Suboi và Datmaniac là “đỉnh cao của lyrics (lời bài hát) sáo rỗng”, hay chuyện thí sinh Ricky Star diss giám khảo Karik là: “Đến khi tao trở thành idol trên đường phố, mấy thằng cuồng như Karik sẽ xếp hàng để hôn ghế”, chuyện quá khứ công kích nhau của dàn thí sinh và giám khảo Rap Việt…
Và hệ quả là một số bạn trẻ say sưa lục tìm để nghe lại và bình phẩm về những bài rap diss ấy. Thậm chí, có những bạn đã “manh nha” tập viết rap diss như thần tượng của mình, và mong sẽ …nổi tiếng!
Đến đây phải nói thêm một chút về thể loại nhạc rap diss. "Rap diss" là một thể loại rất đỗi quen thuộc với những người chơi rap, trong đó, rapper này sẽ dùng nhạc rap để tấn công, công kích một rapper khác. Nhiều bài rap diss ra đời, có thể bắt nguồn từ mâu thuẫn của các rapper, mâu thuẫn về quan điểm làm nhạc, hoặc cũng có thể bởi một số rapper mới muốn nổi tiếng mà chủ động công kích các rapper “gạo cội”.
Thế hệ chúng tôi đã chứng kiến nhiều trận “rap chiến” đình đám trong lịch sử rap việt. Sau những “trận chiến âm nhạc” đầy căng thẳng ấy, nhiều rapper vẫn có thể làm hòa với nhau, thậm chí trở thành bạn thân ngoài đời, cùng bắt tay thực hiện chung một sản phẩm âm nhạc, hoặc đứng trên cùng một sân khấu.
Tuy nhiên, ngược lại ở một số trận diss, các rapper lại trở thành kẻ thù “không đội trời chung”, sẵn sàng chửi bới, ẩu đả nhau ngoài đời thực. Thậm chí đã từng có vụ việc hai rapper nổi tiếng xích mích nhau trong âm nhạc từ những bài rap diss. Và khi mâu thuẫn giữa hai người đạt đến đỉnh điểm đã dẫn đến việc xung đột, va chạm nhau ngoài xã hội. Hậu quả đáng buồn khi một người thì bị thương nặng nằm trong bệnh viện, còn một người thì phải lĩnh án tù!
Bên cạnh đó, có thể nói rap diss là một thể loại thể hiện rất rõ “cái tôi”, “cái ngông” của người rap, nên trong nội dung của một số bài nhạc cũng không tránh khỏi xuất hiện các ca từ mang tính tiêu cực, kích động, thậm chí là “phản cảm”, bạo lực, thiếu lành mạnh… (Không chỉ có trong rap diss, mà xuất hiện ở cả nhiều bài nhạc rap khác) điều này vô cùng nguy hiểm vì nó sẽ định hình những suy nghĩ, tâm lý và thái độ sống tiêu cực cho người trẻ.
Là một rap fan (người hâm mộ nhạc rap), thường xuyên dõi theo dòng chảy của rap việt, tôi biết rap diss luôn tồn tại trong cộng đồng underground, thậm chí là có hẳn sân chơi cho các bạn đam mê dòng nhạc “battle rap” (rap chiến) như giải đấu Beck’Stage Battle Rap năm 2019. Có thể thấy xu hướng hiện nay, trong các bài nhạc diss, nhiều rapper trẻ đã lựa chọn công kích đối phương bằng những biện pháp chơi chữ, gieo vần thông minh và tế nhị hơn nhiều. Tuy nhiên, xét về bản chất vấn đề, rap diss vẫn được xây dựng nên bởi những mâu thuẫn, dù là mâu thuẫn thực sự hay là “giả lập” đi chăng nữa.
Rõ ràng, sự phổ biến trở lại của nhạc rap như một “luồng gió mới”, khiến cho nhiều người trẻ cuốn vào với tất cả niềm phấn khích. Tuy nhiên, như chúng ta biết, ranh giới giữa “phấn khích” và “quá khích” lại rất mong manh!