Rủi ro của người dẫn đầu

(CTG) “Chìa khóa thành công - Những câu chuyện thật của CEO” số thứ 19 sẽ lên sóng lúc 9h45 ngày 2/6/2019.

Nhân vật chính của chương trình là CEO Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC.

CEO Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC.

Hai khách mời là CEO Phạm Đình Đoàn - Phó Chủ tịch Hội đồng Trung Ương các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái và ông Lê Thẩm Dương - Trưởng Khoa Tài Chính - Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM

CEO Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC chia sẻ tại chương trình.

CEO Nguyễn Trung Chính mê kinh doanh và “máu” kiếm tiền từ nhỏ. Theo đúng “format” thời của mình, anh vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp loại giỏi, anh về Viện Nghiên Cứu công nghệ Quốc gia năm 1987. Hai năm sau, viện bị cháy; được khuyến khích, anh cùng đồng nghiệp đứng ra lập trung tâm tự hoạch toán thu chi. Đây là thời gian anh bắt đầu làm quen với tài chính, kinh doanh và quản lý nhân sự.

Năm 1991, có luật doanh nghiệp ra đời, Nguyễn Trung Chính cùng đồng nghiệp bàn nhau tách ra và khởi lập doanh nghiệp. Thời điểm đó, rời khỏi Nhà nước là việc ít ai làm. Đã nhiều rủi ro, lại phải mang tiếng Viện sĩ đi làm “con phe” – cách người ta gọi “dân” kinh doanh ngày đó. Mất 2 năm đắn đo, cuối cùng, anh quyết định dấn thân, vượt qua dư luận, giấu gia đình để mở ra Công ty. Gặp thời, doanh nghiệp anh liên tục gặt hái thành công. Năm đó, anh vừa tròn 27 tuổi.

Hồi đó, máy tính bắt đầu manh nha, kinh doanh, sửa chữa, bảo dưỡng, đào tạo đều có đất để phát triển. Sẵn chuyên môn, hiểu thị trường nên công ty nhanh chóng vươn lên dẫn đầu thị trường về tốc độ phát triển và cập nhật công nghệ. Chỉ trong 5 năm, nhân sự của công ty anh đã tăng từ 20 lên gần 1.000 người.

Năm 1998, anh mở siêu thị máy tính đầu tiên tại Việt Nam với mặt bằng rộng hơn 1000m2 tại Hàm Long (Hà Nội). Mặt hàng phong phú, giá cả phải chăng, doanh thu nhanh chóng vượtt kỳ vọng, liên tục tăng trưởng 2 con số. Năm 1999, Việt Nam áp dụng thuế VAT, giá hàng“chính thống” bị đẩy lên. Tranh thủ tranh tối tranh sáng, thiên hạ vẫn liều “buôn lậu”. Hàng trôi nổi đầy đường, bán giá rất rẻ. Siêu thị máy tính ế khách, nhiều tháng liền không có doanh thu. Công ty “oằn mình” gánh hàng tồn kho, chi phí nhân sự, thuê cửa hàng và hàng loạt chi phí phát sinh khác. Cầm cự được 1 năm thì siêu thị máy tính phải đóng cửa. Cố nuốt trôi trái đắng đầu tiên, anh lo vay tiền ngân hàng để quay về mảng kinh doanh cốt lõi là công nghệ. Sau gần 1 năm củng cố và ổn định, công ty tiếp tục phát triển.

Cuối năm 2006, thị trường chứng khoán trở nên sôi động. Công ty anh Nguyễn Trung Chính là một trong những đơn vị tiên phong trở thành công ty đại chúng và vươn lên mô hình tập đoàn. Trong 3 năm (từ năm 2007 đến đầu năm 2009), tập đoàn gặt hái nhiều thành công, mỗi công ty con trung bình lợi nhuận 60 tỷ/ năm, lãi 120% trên vốn. Cả tập đoàn bừng bừng khí thế với niềm tin sẽ cán mốc lợi nhuận 3000 tỷ năm 2009. Nhưng … sóng gió bất ngờ ập tới, trút lên công ty nguyên thùng thuốc đắng!

Năm 2009, bong bóng BĐS vỡ, khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập xuống, một loạt đối tác của công ty anh phá sản. Trong 1 năm, Tập đoàn lỗ hơn 100 tỷ. Khó khăn làm lộ ra những lỗ hổng nội bộ về quản lý, quản trị của tập đoàn. Anh Trung Chính phát hiện ra hàng tồn kho lên đến 3000 tỷ. Cộng hưởng kép từ bên trong và bên ngoài khiến công ty mất kiểm soát, giá cổ phiếu “down” mạnh, “tụt” xuống dưới mệnh giá. Tài chính cạn kiệt, thương hiệu ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhân viên hoang mang, nản chí.

Anh Trung Chính choáng váng, mệt mỏi và bất lực...

Trong bối cảnh đó, CEO sẽ làm gì? Câu trả lời sẽ có trong chương trình.

Theo TTXVN