Kết quả sinh thiết tháng 6/2023 cho thấy anh Phạm Quảng Hùng, 47 tuổi, ở quận Sơn Trà, bị mắc u hạch lympho ác tính biến thể myeloid sarcoma ngoài tủy đơn độc, một dạng ung thư hiếm gặp. Cơ hội sống phụ thuộc nhiều yếu tố, khó có dự đoán chính xác.
Hai tiếng "ung thư" như tiếng sét nổ ngang tai anh công chức của trung tâm hành chính TP Đà Nẵng đang có một gia đình êm ấm. Là thạc sĩ xây dựng, kỹ sư công nghệ thông tin, anh từng đóng góp nhiều ý tưởng cho thành phố như giải pháp hạn chế hút nước ngầm ở bãi biển, thu gom nước tắm ở các bãi tắm công cộng tái xử lý tại chỗ để tưới cây, thảm cỏ. Năm 2020, anh là một trong hai ứng viên của cả nước trúng tuyển học bổng toàn phần thạc sĩ ngành smart city (thành phố thông minh) tại Hàn Quốc.
"Tôi cố trấn tĩnh để động viên bố mẹ già, vợ con và các em. Tôi nghe lời khuyên từ một người bạn, xem khối u như một đứa con hư của cơ thể, phải đối xử nhẹ nhàng với nó", anh Hùng nói.
Người đàn ông bắt đầu lên danh sách những việc cần làm cho riêng mình, trước khi bước vào chương mới, không có trong lịch trình cuộc đời.
Từ khi biết bệnh, anh Hùng phải nhiều lần ra vào viện kiểm tra, đánh giá và điều trị cách ly. Sau những đợt hôn mê vì khối u hành hạ, tỉnh dậy, anh thấy bố, vợ và các em thay nhau trực bên giường bệnh. Mệt mỏi nhưng 3-4 giờ sáng cũng không ai dám ngủ vì sợ dịch truyền hết lúc nào không hay. Nhìn sang các giường bên cạnh, anh chứng kiến tình cảnh tương tự.
"Có bệnh nhân để tốc độ truyền nhanh quá thì bị vỡ ven, mà chậm quá thì cả ngày không xong. Vì vậy người nhà và nhân viên y tế cứ thấp thỏm không yên", anh kể.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Tuấn, trưởng khoa Ung bướu bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, kiểm soát dịch truyền thông thường cho phép sai số, nhưng truyền hóa chất và thuốc đặc trị ung thư là thuốc gây độc tế bào nên nếu nhanh hay chậm một chút cũng đều ảnh hưởng đến kết quả điều trị, gây độc tính cho người bệnh.
Hơn nữa, một số phác đồ điều trị bệnh nhân ung thư phải truyền tĩnh mạch liên tục trong 24h, 48h, 72h, thậm chí có người phải truyền liên tục nhiều ngày.
"Bệnh nhân với người nhà chỉ canh bình truyền là mất ngủ luôn, điều dưỡng cũng khó theo dõi vì số bệnh nhân quá đông", bác sĩ Tuấn nói.
Nghĩ về những khó khăn nhân viên y tế và bệnh nhân như mình đang trải qua, anh Hùng tự nhủ phải làm gì đó để thay đổi thực tế.
23 ngày điều trị cách ly, anh Hùng trải qua những đau đớn "cơ thể như rã ra từng mảnh". Nhưng mỗi khi tỉnh táo, anh chú tâm vào hệ thống truyền dịch đang đưa hóa chất vào cơ thể mình để nghiên cứu.
Chiếc điện thoại trở thành công cụ để anh vẽ những nét đầu tiên về nguyên lý hoạt động và thiết kế sơ bộ của thiết bị kiểm soát dịch truyền với chức năng: Thực hiện tác vụ đếm tốc độ nhỏ giọt, cảnh báo bằng chuông và nháy đèn khi sai khác tốc độ yêu cầu theo y lệnh; điều tiết đường ống, đưa tốc độ nhỏ giọt về tốc độ yêu cầu; khi hết dịch truyền hoặc tắc đường truyền thiết bị phát tín hiệu cảnh báo rồi tự động khóa đường truyền.
Đợt điều trị đầu thành công, anh Hùng trở về nhà, lập tức thực hiện hóa ý tưởng trên máy tính, đồng thời tìm kiếm các đơn vị hợp tác để sản xuất thử nghiệm. Khi chạy thử, sản phẩm của anh được các y bác sĩ khoa Ung bướu đánh giá đạt yêu cầu. Tháng 8/2023, anh Hùng gửi hồ sơ lên Cục sở hữu trí tuệ đăng ký sáng chế. Từ tháng 11/2023 đến nay, anh dùng sản phẩm của mình để truyền hóa chất.
"Quá trình điều trị ung thư của tôi đã tiêu tốn rất nhiều tiền bạc. Rất may, bạn bè khi biết về sáng kiến đã ủng hộ chi phí để tối ưu hóa sản phẩm", anh nói. Thiết bị kiểm soát dịch truyền có kích thước chỉ bằng một chiếc smartphone, dày khoảng 3 cm kèm bộ đếm cảm biến, vận hành bằng pin sạc.
Bác sĩ Lê Quốc Tuấn cho biết, thiết bị anh Hùng tạo ra không chỉ đạt yêu cầu về tốc độ và quản lý tiêm truyền an toàn, chính xác mà còn nhỏ gọn, tiện lợi, giúp bệnh nhân ung thư dễ dàng sinh hoạt.
"Thiết bị truyền tĩnh mạch bằng máy ở bệnh viện chúng tôi hiện nay chỉ áp dụng cho bệnh nhân hồi sức, nằm một chỗ nhưng cũng rất cồng kềnh, mất thời gian cắm sạc, nặng mà chi phí đầu tư rất lớn", bác sĩ nói.
Chị Thu Hào, 46 tuổi, vợ anh cho biết khi ra viện dù sức khỏe yếu, nhưng anh "làm vợ phát cáu" vì lúc nào cũng làm việc, không cho đầu óc nghỉ ngơi.
Anh Hùng cũng muốn viết thêm cuốn sách về biến cố đặc biệt của đời mình, truyền cảm hứng cho cộng đồng. Hàng ngày, anh bơi ở biển Mỹ Khê, Đà Nẵng khoảng 500 m để rèn sức khỏe.
Người vợ xúc động nhất là khi biết mình lâm trọng bệnh, người anh nghĩ đến nhiều nhất không phải bản thân mà là bố mẹ, là vợ. Anh mường tượng chuyện gì sẽ đến sau khi những người xung quanh biết tin. Những cuộc gọi, tin nhắn dồn dập đến với chị Thu Hào sẽ hỏi về tình trạng của anh, mách chị nên làm gì, trách sao để điều như vậy xảy ra, khuyên nên làm gì đó.
Anh nói với vợ về kịch bản xấu nhất để chị chuẩn bị tinh thần, đồng thời dặn: "Anh luôn tin và an tâm vì có em. Vì vậy, mọi người nói sao em cũng đừng để tâm, vui thì em nghe, không vui thì em bỏ qua".
Chỉ còn ít ngày nữa, anh Hùng sẽ bước vào đợt điều trị dài và nhiều rủi ro hơn. Vẫn như lần trước, anh nói sẽ cố gắng vượt qua bằng cách tập trung nhiều vào hơi thở của mình, nghĩ về những con sóng đang vỗ về thành phố biển quê hương, về những điều tốt đẹp đã có trong đời và nghĩ đến những ý tưởng mới để quên đau.
"Tôi cũng mong mình sớm khỏe lại, để một ngày được chứng kiến sáng kiến kiểm soát dịch truyền được hiện thực hóa. Tôi sẽ tặng lại cho khoa Ung bướu bệnh viện Đà Nẵng, để giúp đỡ được thật nhiều người", anh nói.
Theo Vnexpress |