Chiều 19-12, trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 đã diễn ra buổi thảo luận với chủ đề Sinh viên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Đưa kỹ năng gìn giữ bản sắc dân tộc trở thành một tiêu chí
Nêu ý kiến tại buổi thảo luận, bạn Trần Nguyễn Quế Trân, Chủ tịch Hội sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM, nhắc lại câu nói trong phát biểu của Chủ tịch Võ Văn Thưởng sáng nay: Sinh viên phải tìm hiểu rõ lịch sử dân tộc, phải nắm rõ bản sắc dân tộc của mình như thế nào thì mới vững bước vào hành trang lập nghiệp được.
Từ đó, Quế Trân cho rằng thực tế không phải sinh viên quá thụ động trong việc tìm kiếm thông tin, mà theo cảm nhận của Quế Trân, đang thiếu những hoạt động để khơi dậy tinh thần yêu nước và khơi dậy ý thức tự tìm hiểu thông tin của sinh viên.
Chủ tịch Hội sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM đề xuất cần có các hoạt động để đưa nét văn hoá dân tộc đến với sinh viên để tăng tính chủ động. Ngoài ra, Quế Trân cũng cho rằng nên tổ chức các CLB chuyên môn hoặc các lớp học để sinh viên có điều kiện tiếp cận với nhạc cụ truyền thống tốt hơn; đưa kỹ năng gìn giữ bản sắc dân tộc trở thành một tiêu chí nhỏ trong tiêu chí sinh viên 5 tốt.
Bạn Trần Thị Quỳnh Anh, Chủ tịch Hội Sinh trường ĐH Công nghệ TP. HCM, cho rằng hiện tại nước ta có nhiều dân tộc thiểu số nhưng sinh viên muốn tìm hiểu rõ hơn về từng dân tộc thì trên mạng toàn thông tin chung, chưa cụ thể, rõ nét.
“Tôi mong thời gian sắp tới Hội Sinh viên Việt Nam sẽ áp dụng chương trình chuyển đổi số, thông tin số lên để sinh viên có thể đọc, học được và hiểu rõ về những nơi mà các bạn trẻ cần tìm hiểu”- Quỳnh Anh bày tỏ.
Cách đưa văn hoá của Việt Nam đến với thế giới
Bạn Bạch Thị Phương Anh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết để phát huy bản sắc dân tộc, các bạn trẻ tại Hàn Quốc đã dạy tiếng Việt cho người Hàn. Bên cạnh đó còn nhiều chương trình giao lưu văn hoá về hội chợ ẩm thực, nghệ thuật, triển lãm….
Theo Phương Anh, đó cũng là một trong những nơi mà các bạn mang bản sắc dân tộc đến với nước bạn. Những chương trình đó không chỉ của người Hàn mà còn có nhiều nước trên thế giới.
“Ví dụ như Hội chợ ẩm thực năm vừa qua tại Hàn Quốc, chúng tôi bán được rất nhiều đồ, bạn bè các nước đã đến ăn thử và khen ngợi món ăn Việt Nam. Từ đó tôi nhận ra rằng, tham gia chương trình như vậy giúp thúc đẩy, đưa văn hoá của Việt Nam đến với thế giới hiệu quả hơn.
Ngoài ra, trong mỗi dịp lễ tết, chúng tôi đều tổ chức những chương trình dành cho du học sinh, trong đó có tặng quà như: bánh chưng, giò, chả của Việt nam cho các bạn sinh viên xa nhà. Từ những món quà này, các bạn sẽ thêm nhớ văn hoá và yêu quê hương Việt Nam”- Phương Anh thông tin.
Để phát huy lịch sử văn hoá dân tộc, bạn Nguyễn Lê Việt Hà, Phó Bí thư Liên chi đoàn khoá D47, Đoàn Thanh niên Học viện Cảnh sát Nhân dân, cho rằng giáo dục giá trị văn hoá bản sắc dân tộc cho sinh viên hiện ở các trường đang làm rất tốt.
Lấy dẫn chứng từ trường mình, bạn Nguyễn Lê Việt Hà cho biết các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, trong đó có cả nghiên cứu khoa học về Lịch sử, thời cha ông ta… những hoạt động này được đánh giá cao, khiến các bạn sinh viên dễ nhớ, dễ hiểu.
Theo PLO