Tác giả của thiết bị này là nhóm 5 sinh viên Trường ĐH Cần Thơ gồm: Hoàng Tuấn Anh (ngành tự động hóa), Phạm Chí Thịnh và Nguyễn Trí Hoàng (ngành cơ điện tử), Nguyễn Hoàng Vũ (ngành kỹ thuật phần mềm), Đoàn Ngọc Khả (ngành marketing).

Thiết bị được nhóm sinh viên thử nghiệm tại nhiều mô hình canh tác ở TP.Cần Thơ và các vùng lân cận. ẢNH: DUY TÂN
Tuấn Anh, trưởng nhóm, cho biết ý tưởng ra đời thiết bị xuất phát từ thực tế những chuyến đi thực địa và qua thông tin báo đài. Nhận thấy nông dân thường bị ảnh hưởng nhiều đến mùa vụ do biến đổi khó lường của thiên nhiên như đất, nước và khí hậu. Từ đó, nhóm bắt tay vào nghiên cứu và mất nhiều tháng để cho ra đời thiết bị đo lường đất thông minh AgriVision.
Thiết bị đo lường AgriVision tích hợp cảm biến đo các thông số quan trọng của đất như: độ ẩm đất, giúp kiểm soát tưới tiêu hợp lý, tránh dư thừa hoặc thiếu nước; độ dẫn điện, xác định mức độ dinh dưỡng tổng thể của đất; độ mặn, đánh giá ảnh hưởng của muối đến cây trồng, đặc biệt quan trọng ở vùng đất ven biển; hàm lượng NPK, xác định lượng dinh dưỡng cần thiết để điều chỉnh phân bón hợp lý; nhiệt độ đất, ảnh hưởng đến sự phát triển rễ và quá trình hấp thụ dinh dưỡng của cây.
Điểm nổi bật của AgriVision là cách sử dụng đơn giản. Người dùng chỉ cần cắm đầu đo xuống đất, thiết bị sẽ xử lý và hiển thị kết quả trực tiếp trên màn hình LCD. Dữ liệu được đồng bộ hóa lên hệ thống máy chủ, thể hiện trực quan qua bản đồ trên nền tảng web. Hệ thống còn tích hợp tính năng đưa ra khuyến nghị dinh dưỡng phù hợp theo từng loại cây trồng, đồng thời tạo nhật ký và báo cáo định kỳ phục vụ cho việc truy xuất và chứng nhận canh tác.

Thiết bị đo hiển thị các chỉ số của đất. ẢNH: DUY TÂN
Ưu điểm của thiết bị là giúp giảm chi phí phân bón, cung cấp dữ liệu chính xác về độ ẩm, độ dẫn điện, pH và các chỉ số NPK trong đất, giúp tối ưu liều lượng phân bón và giảm lãng phí. Tăng năng suất cây trồng, cung cấp thông tin chi tiết về điều kiện đất, giúp nông dân điều chỉnh đúng thời điểm và liều lượng phân bón, từ đó nâng cao năng suất. Cung cấp bằng chứng dữ liệu hỗ trợ VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Thu thập và lưu trữ dữ liệu về đất để chứng minh quy trình canh tác an toàn, đáp ứng yêu cầu chứng nhận…
"Máy sẽ thu thập, phân tích dữ liệu từ môi trường thực tế, sau đó hiển thị trực quan trên nền tảng web. Dữ liệu không chỉ hiển thị các thông số đo lường mà còn đưa ra kết luận đất phù hợp cho loài cây mong muốn của người nông dân hay không và sẽ tư vấn những yếu tố cần bổ sung để cải thiện đất cho phù hợp với giống cây trồng", Tuấn Anh nói.
Sản phẩm hiện được nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện về độ chính xác và độ bền, phù hợp với điều kiện thực tế tại các trang trại nhỏ và hộ nông dân. Thiết bị đã được thử nghiệm tại nhiều mô hình canh tác ở TP.Cần Thơ và các vùng lân cận, thu hút sự quan tâm và phản hồi tích cực từ người sử dụng.
Nhóm sáng chế đang xúc tiến hoạt động xây dựng thương hiệu AgriVision thông qua các chiến dịch truyền thông cộng đồng, tiếp thị trực tiếp tại vùng nông thôn. Đồng thời, triển khai cung cấp thiết bị đi kèm với phần mềm quản lý đất đai thân thiện, dễ sử dụng, giúp người dùng theo dõi, đánh giá chất lượng đất một cách chủ động.
Vừa qua, thiết bị đo lường đất thông minh AgriVision đoạt giải nhì tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp tiềm năng lần thứ 7 - CTU Startup năm 2025 do Trường ĐH Cần Thơ tổ chức.
Theo TN