Thoan cho biết đã 3 năm rồi chưa về quê ăn tết vì không có điều kiện. Hành trình về quê ăn tết năm nay cũng chính là chuyến đi đường dài bằng xe máy đầu tiên của chàng trai này. Vì vậy, Thoan đang tìm bạn đồng hành đi cùng để có thể hỗ trợ nhau trên đường. “Mình cũng lo lắng đến những vấn đề như xe hư, thời tiết không thuận lợi hay đường đi xấu. Do đó, nếu có người đi cùng thì sẽ đỡ lo hơn”, Thoan nói.
Cũng là người có dự định tết năm nay sẽ đi xe gắn máy từ TP.HCM về tỉnh Quảng Trị, Hồ Thị Luyên, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Lý do mình chọn đi xe máy về quê là vì thích đi phượt để trải nghiệm. Hiện tại, mình đang tìm bạn đồng hương hoặc có chung chặng đường để đi cùng”.
Là con gái mà đi xe gắn máy hơn 1.000 km để về quê nên Luyên cũng có nhiều điều lo lắng, trăn trở. Cô nàng chia sẻ: “Mình sợ đi đường dài sẽ mệt, không đủ sức hay xe gặp sự cố giữa đường mà không tìm được người giúp đỡ. Vì chưa chạy xe gắn máy đường dài bao giờ nên hiện tại mình đang muốn tìm hiểu về lộ trình, chỗ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp trên đường đi và những kinh nghiệm cũng như lưu ý khi chạy xe đường dài”.
Những lưu ý khi chạy xe gắn máy đường dài
3 năm trước, từng đi xe gắn máy gần 1.000 km từ TP.HCM về Quảng Nam ăn tết, Nguyễn Ngọc Hạnh (23 tuổi), ngụ tại đường Lê Duẩn, TT.Long Thành (tỉnh Đồng Nai), cho biết toàn bộ chi phí cho chuyến đi là khoảng 800.000 đồng. Tổng thời gian Hạnh chạy xe là khoảng hơn 20 tiếng đồng hồ, chưa tính thời gian ngủ và dừng nghỉ ngơi.
Khi chạy xe máy đường dài thì mọi người cần kiểm tra xe thật kỹ
Với kinh nghiệm của mình, Hạnh chia sẻ: “Tuyệt đối phải đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác bằng cách luôn chú ý và chấp hành đúng các tín hiệu, biển báo trên đường đi. Trang bị kỹ càng về giấy tờ tùy thân và đồ dùng cá nhân như nước suối; thuốc đau bụng, nhức đầu; kem chống nắng; đồ bảo hộ khi đi xe. Nên sử dụng loại mũ bảo hiểm 3/4 hoặc kín đầu, có kính chắn gió, găng tay, mắt kính. Luôn lưu ý tình trạng xe cả trước khi khởi hành và trong suốt hành trình. Xem dự báo thời tiết trước khi đi”.
Sau chuyến đi lần đó, Hạnh cũng thú thật là bản thân khá mệt, nếu ai chưa đi xe gắn máy đường dài nhiều thì rất dễ đuối sức vì có thể bị say nắng, say gió. “Trước khi xuất phát cũng cần có một thể trạng sức khỏe thật tốt. Tuy mệt nhưng đổi lại mình có những trải nghiệm rất tuyệt vời”, Hạnh cho hay.
Huy trong một chuyến đi phượt đến với TP.Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận)
Từng có kinh nghiệm đi phượt bằng xe máy trên nhiều cung đường ở khắp đất nước Việt Nam từ năm 2019, Huỳnh Hoàng Huy (29 tuổi), ngụ tại TP.HCM, chia sẻ để đảm bảo an toàn thì không chỉ lưu ý về người mà xe cũng vô cùng quan trọng. “Đối với xe, thì lưu ý 3 điểm quan trọng nhất vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của chuyến đi. Đầu tiên là kiểm tra lốp có mòn hay chưa, phanh xe còn tốt không và cả phuộc trước, phuộc sau”, Huy cho biết.
Còn đối với người, Huy chia sẻ: “Mỗi người cần trang bị cho mình đồ bảo hộ. Cơ bản nhất khi chạy xe máy đường dài cần phải có tối thiểu một nón bảo hiểm ¾ đầu đạt chuẩn; một găng tay có bảo vệ mu bàn tay và các đốt tay; một bộ áo mưa. Khi di chuyển, nếu có xuống đèo thì không được tắt máy thả trôi xe. Bên cạnh đó, không dừng xe ở góc khuất tầm nhìn với hướng đi ngược chiều, không bật đèn pha gây chói mắt người đi ngược chiều và cũng gây nguy hiểm cho bản thân”.
Ngoài ra, Huy cũng lưu ý thêm rằng không đợi gần hết xăng mới đổ, vì chẳng biết được quá trình di chuyển sẽ có trạm xăng phía trước hay không. Nếu không có kỹ năng xác định phương hướng thì có thể xem Google map hoặc có thể hỏi người dân. Và trong quá trình chạy xe nếu cảm thấy mệt hay buồn ngủ thì dừng nghỉ, không cố chạy vì sẽ rất nguy hiểm.
Theo TN