Thầy giáo Mông 12 năm bền bỉ gieo chữ nơi rẻo cao

(CTG) Mang trong mình một trái tim sẵn sàng tận hiến, thầy giáo Sùng A Trừ (Trường PTDTBT TH&THCS Chế Tạo, xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) mong muốn mang kiến thức đã được học về truyền tải, dạy dỗ cho con em vùng cao quê hương Mù Cang Chải, để các em học cái chữ, phát triển bản thân, thoát cảnh đói nghèo, xây dựng tương lai tươi sáng hơn.

 

Thầy trừ tận tình chỉ bảo học trò.

Năm 2009, sau khi ra trường, thầy Sùng A Trừ được phân công về huyện vùng cao, miền núi Mù Cang Chải. Mang trong mình một trái tim sẵn sàng tận hiến, thầy giáo Sùng A Trừ (Trường PTDTBT TH&THCS Chế Tạo, xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) mong muốn mang kiến thức đã được học về truyền tải, dạy dỗ cho con em vùng cao quê hương Mù Cang Chải, để các em học cái chữ, phát triển bản thân, thoát cảnh đói nghèo, xây dựng tương lai tươi sáng hơn. 

Thầy Trừ chia sẻ: “Thời gian trôi nhanh thật, tôi không nghĩ mình đã trở thành thầy giáo gắn bó với mảnh đất Mù Cang Chải 12 năm. Nhớ những ngày đầu tiên chập chững bước chân vào nghề với những ước mơ, hoài bão, những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên hiện lên trong tâm trí tôi. Nhưng thực tế khi tôi đến trường với một quãng đường dài đi bộ đường núi là một lớp học tạm bợ, vô cùng đơn sơ lợp bằng những tấm lợp gỗ, rào bằng những mảnh tre, sân trường bằng những mảnh đất màu đỏ, những đứa trẻ còn chưa có dép đi, những đôi mắt tròn xoe ngơ ngác. Khi tôi cất tiếng chào các con, những ánh mắt ngơ ngác tròn xoe, những ngôn ngữ bản địa được chính những đứa trẻ ngây thơ nói ra. Vậy là tôi hiểu giữa thầy và các em học sinh còn có sự bất đồng về ngôn ngữ, điều tôi băn khoăn nhất lúc đó là “Truyền đạt thế nào để các cháu hiểu và yêu quý thầy". Buổi chiều tan học, tôi luôn dành thời gian tâm sự, hỏi thăm các em về cuộc sống xa gia đình, dạy cho các em về cuộc sống tự lập khi xa bố mẹ, giúp các em học sinh gội đầu, dạy các em cách rửa tay, giặt quần áo và tôi nhận ra một điều, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Điều đó càng nhắc nhở tôi phải cố gắng hơn nữa với nhiệt huyết của tuổi 30”. 

Sau một thời gian, thầy được phân công về dạy học tại trường PTDTBT TH&THCS Chế Tạo thuộc một xã đặc biệt khó khó của huyện Mù Cang Chải, nơi mà nền kinh tế còn khó khăn, đường đến trường của các em và thầy cô rất khó khăn, phương tiện xe máy đi lại chưa thuận tiện, nhận thức dân trí còn hạn chế. Đến nơi mới, thầy lại gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất mà là phong tục tập quán, là sự bất đồng ngôn ngữ. Nhìn khắp bốn bể toàn là rừng, núi, những con đường dốc, những đứa trẻ thân hình nhỏ bé, làn da đen nhẻm, mái tóc cháy nắng. Các em thì cứ tròn xoe mắt nhìn thầy, chính những ánh mắt ngây thơ, đáng yêu ấy như tiếp thêm sức mạnh cho thầy với quyết tâm vượt qua mọi khó khăn và dành hết tâm huyết dạy giỗ cho các em. 

Du khó khăn, vất vả như vậy nhưng chỉ cần các em học sinh chuyên cần đến lớp đông đủ là mang lại niềm hạnh phúc của các thầy, các cô công tác vùng cao. Giờ đây, cái xa lạ đã trở nên thân quen, thầy yêu những thứ thuộc về mảnh đất này - mảnh đất vất vả mà yêu thương. Sáng sớm mỗi ngày, thầy trò cùng nhau đi trên cung đường đến trường, các em học sinh như tiếp thêm sức mạnh cho thầy để hoành thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao. 

Thầy Trừ tâm sự: “Để trở thành một thầy giáo đứng lớp, người cha hiền thứ hai của các con không hề đơn giản. Nó thành công bằng chính lương tâm, tình thương và trách nhiệm. Trên con đường dạy học, hành trình mà tôi mang theo mình là chữ "Tâm" gói cùng trách nhiệm, lòng nhiệt huyết để tôi xứng đáng là người cha hiền thứ hai của các con thân yêu! Tất nhiên, để có thể cống hiến cho ngành giáo dục tôi cũng phải đánh đổi rất nhiều, là thầy giáo dạy môn giáo dục thể chất, tôi luôn dìu dắt những trẻ thơ, chào đón các con những ngày hội đến trường nhưng chưa bao giờ được tự tay đưa con mình đi khai giảng, hay đơn giản chỉ là được đón con sau giờ tan trường. Tất cả mọi cố gắng chỉ mong rằng sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho tương lai của các con cũng như tương lai đất nước. Sau nhiều năm làm việc với nhiều hoạt động, tôi ngồi nhìn lại chặng đường đã qua với công việc đầy trọng trách và nhiều niềm vui “Một thầy giáo đúng nghĩa”, một nghề đòi hỏi phải trao tình yêu thương rất lớn, sự nhẫn nại và đức hi sinh thầm lặng, với riêng tôi nghề này có một ý nghĩa thực sự lớn lao. Giờ đây đã trải qua nhiều năm công tác ở những môi trường dạy học khác nhau, nhận thức của trẻ em tốt hơn, đời sống phụ huynh đã có nhiều thay đổi, phụ huynh đã quan tâm hơn nhiều đến việc chăm sóc và nuôi dạy con cái. Tôi cảm nhận rõ nhất nét đáng yêu của trẻ thơ, tôi muốn trao tình yêu của mình cho nhiều thế hệ trẻ em hơn nữa trên mảnh đất Mù Cang Chải mà tôi đang sinh sống. Bên cạnh đó tôi muốn đóng góp một chút sức lực bé nhỏ của mình để mang lại những điều tốt đẹp, những giá trị tích cực đối với các em còn trẻ thơ”.

Với đóng góp của mình, thầy Trừ vinh dự nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Đặc biệt, dịp này, thầy Trừ vinh dự được là 1 trong 68 gương giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phát động tổ chức từ năm 2015.

Chương trình tuyên dương các giáo viên có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế và đạt kết quả cao; đang công tác tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đã từng tham gia giảng dạy có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thời gian công tác được xã hội ghi nhận.

Qua 7 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương được 390 giáo viên đã cống hiến bền bỉ, không mệt mỏi, dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Được tổ chức vào tối 16/11 tại Hà Nội, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" 2022 đã tôn vinh 68 thầy cô tiêu biểu xuất sắc. Các giáo viên được tuyên dương được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam; biểu trưng của Chương trình; Sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng hình thức khen thưởng khác của Bộ GD&ĐT.

Trong khuôn khổ Chương trình, vào tháng 10/2022, Ban Tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các thầy cô giáo tại các tỉnh như: Đồng Nai, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đồng Nai, Nghệ An và Yên Bái.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã gặp mặt, biểu dương 68 thầy cô giáo được tuyên dương vào sáng ngày 15/11; lãnh đạo Bộ GD&ĐT gặp mặt, động viên và tặng Bằng khen cho 68 thầy cô giáo trong Chương trình vào chiều ngày 16/11.