“Nếu có ai hỏi tôi rằng “Bạn thích nghề gì nhất?”, tôi sẽ trả lời “Tôi thích nghề giáo viên”. Và nếu ai hỏi tôi rằng “Ước mơ của bạn là gì?”, tôi cũng không ngần ngại trả lời ngay rằng “Tôi muốn mình là một thầy giáo dạy Văn” – thầy Hùng chia sẻ
Sinh ra và lớn lên ở huyện biên giới Minh Hóa, ngay từ nhỏ, thầy đã luôn nỗ lực với quyết tâm “phải trở thành thầy giáo dạy chữ”. Vượt qua mọi khó khăn, nhờ những thành quả trong học tập với mười hai năm học sinh Giỏi và tốt nghiệp thủ khoa Đại học, thầy đã trở thành một giáo viên và bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm con chữ.
Thầy vẫn nhớ như in cái ngày cầm quyết định trên tay được phân công công tác tại một ngôi trường biên giới của huyện nghèo Minh Hóa - nơi có đa số học sinh là người dân tộc thiểu số như Khùa, Mày và Sách. Chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều gia đình cũng như nhiều học sinh vùng khó, thầy nhìn họ và nhớ đến tuổi thơ đầy vất vả. Chính vì thế, thầy mong muốn được sẻ chia cùng những trò nhỏ, cùng những gia đình còn khó khăn, cùng những con người đang ốm đau bệnh tật.
Thầy Trần Mạnh Hùng phụ đạo Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 tại thư viện của trường PTDT BT TH&THCS Dân Hóa
Trong quá trình công tác, thầy luôn cố gắng để trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ cũng như đổi mới phương pháp dạy học. Với những cố gắng, sáu năm liền thầy đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhận giấy khen của chủ tịch huyện, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh trong công tác dạy và học; Được Bộ Giáo dục và đào tạo tặng Bằng khen trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và học tập”; đạt giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; hướng dẫn học sinh tham gia thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật bốn năm liền đạt giải cao cấp tỉnh; đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm học 2018 - 2019. Đặc biệt, thầy vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.
Công tác tại ngôi trường mang tên “Trường PTDTBT TH&THCS Dân Hóa”, những ngày đầu khi giảng dạy ở nơi đây, thầy thật sự bỡ ngỡ, mọi thứ đều là những cái “mới lạ”. Mặc dù gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, phong tục, bất đồng ngôn ngữ... tuy nhiên với sự cố gắng của bản thân cùng với sự giúp đỡ tận tình của các đồng nghiệp, thầy dần bắt nhịp được với công việc giảng dạy. Mỗi lần đứng trên bục giảng là mỗi lần thầy yêu công việc nhiều hơn; được giảng những bài văn hay, những bài giáo dục đạo đức ý nghĩa cho học trò miền biên giới cũng chính là niềm vui, niềm tự hào của người thầy giáo.
Được dạy dỗ và tiếp xúc với học trò và phụ huynh đồng bào miền núi, thầy cảm thấy nơi đó như là ngôi nhà thứ hai. Chứng kiến bao nhiêu vất vả, nhiều gia đình cơm ăn chưa đủ no, một số em mặc chưa đủ ấm, thầy lại nhớ về tuổi thơ khó khăn của chính bản thân mình. Vào nghề bảy năm cũng chính là ngần ấy năm thầy bén duyên với công tác thiện nguyện. Việc làm ấy khiến cho thầy cảm thấy rất vui - vui vì mình là cầu nối để giúp đỡ những em học sinh vững tin hơn trên con đường đến trường.
Thầy Hùng tham gia trao tặng quà cho các em học sinh nghèo
Những ngày đầu làm thiện nguyện, thầy cùng nhóm bạn thân trích ít tiền lương của mình mỗi tháng đến với hai ngôi trường trên địa bàn huyện Minh Hóa để trao những món quà cho các em học sinh nghèo vượt khó, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng. Mặc dù món quà nhỏ về vật chất nhưng nó là niềm động viên tinh thần lớn tới các em học sinh, để các em có động lực vươn lên trong học tập. Dần về sau, thông qua trang mạng xã hội Facebook, tôi đã kết nối với các anh chị cùng chung sở thích thiện nguyện ở các nơi khác như Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội…Với những trường hợp học sinh nào quá khó khăn, những gia đình nào có hoàn cảnh thật éo le, thầy lại đứng ra kêu gọi, quyên góp cùng với một ít của bản thân để giúp đỡ những mảnh đời còn cực nhọc.
Cho đến nay đã có hàng trăm em học sinh được nhận những món quà qua các hoạt động thiện nguyện của thầy Hùng trao tặng. Nếu có hoàn cảnh nào đáng thương, đau ốm bệnh tật hay rủi ro gì mà cần sự giúp đỡ, thầy lại tìm hiểu, trích một ít tiền lương cùng với sự kết nối với anh em bạn bè gần xa giúp đỡ họ phần nào để họ vượt qua khó khăn.
Khi nhắc đến thầy Hùng làm công tác thiện nguyện, đã có rất nhiều đồng nghiệp, học sinh và rất nhiều người trên huyện miền núi Minh Hóa biết đến. Thầy hy vọng bản thân có thật nhiều sức khỏe, cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác giảng dạy và giáo dục học sinh cũng như thực hiện được nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đỡ học sinh và các gia đình khó khăn cũng như muốn lan tỏa đến thế hệ trẻ cùng chung tay vì sự ấm no và hạnh phúc của cộng đồng.
Mỗi người đều có một lý do cho riêng mình khi bước chân vào nghề, với thầy dù có làm nghề gì, công việc gì đều xuất phát từ tâm, từ tình yêu nghề, điều đặc biệt đối với nghề giáo hơn bao giờ hết là lòng thương, là sự yêu nghề, là nhiệt huyết của tuổi thanh xuân.
Nhắc đến học sinh của mình, thầy Hùng đã gửi tâm tư của mình trong những dòng thơ với hi vọng các em hãy vững tin trên con đường phía trước vì đã có bố mẹ, thầy cô và tất cả mọi người dõi theo các em:
“Đã yêu, thương lấy cái nghề
Tình yêu dạy trẻ chẳng hề đổi thay
Cho dù giá rét, heo may
Bám trường, bám bản mê say cuộc đời!”
"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm. Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19. |