Thạc sĩ Phạm Thị Bích, Phó giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM về cơ bản giữ ổn định về cấu trúc và độ khó từ năm 2018 đến nay. Vì thế, thí sinh nên tham khảo đề thi mẫu đã công bố.
Theo bà Bích, kiến thức bài thi không tập trung ở bất kỳ môn học nào hay năm học nào mà phân bổ từ lớp 10 đến 12. Thí sinh phải biết vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. “Thí sinh chỉ cần cố gắng nắm vững kiến thức đã học, không nên luyện thi, các nơi quảng cáo luyện thi đều không thuộc ĐH Quốc gia TPHCM” - bà Bích tư vấn và cho biết, những thí sinh đạt điểm cao phần lớn đều tự tích lũy kiến thức và có kế hoạch học tập phù hợp.
Học sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2023. |
Cũng theo bà Bích, đề thi của cả hai đợt sẽ có độ khó tương đương nhau. Thí sinh có thể đăng ký dự thi cả 2 đợt, kết quả đợt nào cao hơn có thể dùng để xét tuyển. “Nếu học sinh đăng ký thi cả 2 đợt thì cơ hội điểm cao ở đợt thứ 2 sẽ lớn hơn bởi các em dự thi đợt 1 có thể đã trải nghiệm thực tế, từ đó đưa ra chiến lược làm bài, phân bố thời gian hợp lý cho đợt 2” - bà Bích nói và khuyên thí sinh nên tìm hiểu đề án tuyển sinh của các trường để biết được điểm đợt 1 của mình có phù hợp với ngành học mong muốn hay không. Nếu chưa thì các em cần xây dựng lộ trình học tập phù hợp để cố gắng đạt điểm cao hơn ở đợt 2.
Tham gia thi, thí sinh sẽ làm một bài thi đánh giá năng lực trên phiếu trả lời gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với thời gian làm bài 150 phút. Tổng điểm là 1.200. Kết quả của đợt 1 sẽ được công bố sau một tuần kể từ khi thi (tức ngày 15/4). |
Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Long, giảng viên Trường ĐH Mở TPHCM cho hay, năm nay là năm cuối thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cũ nên học sinh lớp 12 sẽ gặp nhiều áp lực hơn bởi năm sau, các kỳ thi sẽ hoàn toàn đổi mới. Theo ông Long, giai đoạn này rất quan trọng, nếu có cơ hội, các em cần tham gia các kỳ thi để thử sức cũng như tận dụng cơ hội để trúng tuyển vào ngành và trường mình yêu thích. Nếu lỡ kết quả không tốt, các em sẽ phải rất vất vả để cạnh tranh với khóa sau do chương trình học và cách thi, cấu trúc đề cũng hoàn toàn được đổi mới” - TS Long nói.
Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐHQG TPHCM sẽ được tổ chức vào ngày 7/4 tại 24 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu; Thừa Thiên Huế, Bình Phước và Tây Ninh.
Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM với mục tiêu tuyển chọn được người học có năng lực tốt, phù hợp với triết lý giáo dục toàn diện. Đồng thời, kỳ thi hướng đến việc đánh giá nhiều năng lực quan trọng của thí sinh để học đại học như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề…
Đây là năm thứ 7 kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức dành cho học sinh đang học lớp 12 và thí sinh tự do muốn xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Hiện nay, đã có hơn 100 trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả này để xét tuyển đầu vào, trong đó có 97 trường ĐH.
Theo TPO |