Thủ lĩnh 'biệt đội' thợ xây nơi biên ải

(CTG) "Biệt đội" thợ xây đầu tiên ở vùng biên giới Việt - Lào (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) của đảng viên trẻ, thủ lĩnh chi đoàn người dân tộc Ve (trong nhóm dân tộc Giẻ Triêng) đã và đang cùng góp sức thay đổi cuộc sống của dân làng, chung tay xây dựng biên cương thêm tươi đẹp.

Vượt qua hoàn cảnh

Hỏi anh Bùi Thế Anh, Bí thư Huyện Đoàn Nam Giang về tấm gương điển hình thanh niên vùng biên giới, anh Anh liền nhắc đến Hiên Cuôn (Bí thư chi đoàn thôn 49A, xã Đắc Pring).

Tròn 29 tuổi, Hiên Cuôn dáng người nhỏ, nước da nhuộm màu nắng gió vùng cao. Ngôi nhà của vợ chồng Hiên Cuôn xinh xắn đẹp nhất thôn 49A là cơ ngơi do hai vợ chồng tích góp và tự tay Cuôn xây dựng nên. Mái ấm của đôi vợ chồng trẻ vang tiếng cười trẻ thơ tạo nên một khung cảnh yên bình, đầy sức sống nơi biên ải.

Thủ lĩnh 'biệt đội' thợ xây nơi biên ải ảnh 1

Hiên Cuôn (bìa phải) tận tình hướng dẫn anh em đoàn viên kỹ thuật xây dựng cơ bản. Ảnh: Nguyễn Thành

 

Sinh ra trong gia đình có 4 anh em, 8 tuổi Cuôn sớm chịu cảnh mồ côi mẹ. Năm 2011, anh trai mất sau một vụ tai nạn, gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Hai năm sau ngày anh mất, học hết lớp 9 Cuôn phải nghỉ học để bươn chải mưu sinh phụ giúp cha nuôi các em. Năm 2013, Hiên Cuôn xung phong lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nhờ ý chí tiến thủ, Cuôn được chọn lựa là thanh niên tiêu biểu để đứng vào hàng ngũ Đảng trong thời gian nhập ngũ.

“Là đảng viên, Bí thư chi đoàn nên muốn anh em tham gia mình phải gương mẫu đi đầu. Khó khăn mệt nhọc phải luôn mỉm cười để động viên anh em. Những năm tháng ở quân đội đã tôi luyện cho tôi ý chí vượt khó và cổ vũ tinh thần đồng đội vượt khó, không bỏ cuộc. Anh em thấy mình nhiệt huyết, hết mình nên ai cũng nỗ lực song hành để tham gia và hoàn thành nhiệm vụ hết sức ý nghĩa”.

Hiên Cuôn

“Đứng vào hàng ngũ của Đảng và được rèn luyện trong môi trường quân đội đã giúp tôi trưởng thành, có lý tưởng sống và bản lĩnh hơn”, Cuôn nói.

Xuất ngũ về lại quê nhà, việc đầu tiên Cuôn nghĩ đến là phải đi học để kiếm việc làm, thoát nghèo. Vác ba lô, Cuôn vượt gần 200km xuống TP Tam Kỳ (Quảng Nam) để học bổ túc PTTH và học nghề xây dựng. Ba năm xa nhà ở trọ, Cuôn làm thêm đủ việc để tự trang trải cuộc sống, chi phí ăn học. Hoàn thành chương trình học, chàng trai trẻ mang lý tưởng hoài bão về quê nhà để khởi nghiệp, giúp bà con, anh em bạn bè cùng thay đổi cuộc sống.

Về lại quê nhà, vào thời điểm nhu cầu xây dựng nhà cửa của bà con vùng biên tăng nhưng hiếm hoi lắm mới có đội thợ xây từ miền xuôi lên nhận công trình vì xa xôi, đắt đỏ.

Với kiến thức ngành xây dựng học được, Hiên Cuôn cùng em trai Hiên Sĩ và một số anh em trong thôn lập đội thợ xây đầu tiên ở vùng biên giới này để xây dựng nhà cửa. Gia đình nào khó khăn, Hiên đứng ra kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp đỡ.

Hoạt động năng nổ, Hiên Cuôn được bầu làm Phó Bí thư, rồi Bí thư chi đoàn thôn 49A và được cử làm Chủ tịch Hội TNXP của xã Đắc Pring, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương.

Hướng thanh niên về tương lai tươi sáng

Với vai trò đảng viên, Hiên Cuôn được Chi bộ thôn và Đảng ủy xã Đắc Pring giao nhiệm vụ giáo dục, thay đổi nhận thức của đoàn viên thanh niên trong thôn, xã chung tay xây dựng cuộc sống mới dọc tuyến biên giới. Từ kiến thức học được ở nhà trường, Cuôn mở từng lớp đào tạo tay nghề cho anh em đoàn viên trong thôn. Cầm tay chỉ việc cho anh em, bạn bè, đến nay Cuôn đã đào tạo tay nghề cho gần 30 bạn trẻ, lập ra nhiều tổ, đội xây dựng, nhận nhiều công trình lớn, nhỏ trên địa bàn vùng biên.

Thủ lĩnh 'biệt đội' thợ xây nơi biên ải ảnh 2

Những “kỹ sư” không bằng cấp bên mái ấm biên cương cụm dân cư Pêtapót biệt lập giữa núi rừng. Ảnh: Nguyễn Thành

Tiếng lành đồn xa, bà con nhân dân các xã vùng biên lân cận có nhu cầu xây dựng đều gọi “biệt đội” thợ của Cuôn thiết kế, xây dựng với giá cả ưu đãi, trường hợp quá khó khăn, anh em chung tay góp công giúp đỡ.

Những ngày nắng nóng này, Cuôn và anh em đang khẩn trương hoàn thành 3 công trình xây dựng, với giá từ 150 triệu đến 200 triệu đồng tiền công cho người dân xã Đắc Pring và xã Đắc Tôi. Với mức tiền công mỗi ngày từ 250.000 - 280.000 đồng/ngày cho mỗi người. Với thanh niên đồng bào vùng cao đây là một mức thu nhập ổn định, giúp nhiều bạn trẻ cải thiện được cuộc sống gia đình.

“Hiên Cuôn không chỉ là tấm gương về nghị lực vượt qua hoàn cảnh, mà còn là điển hình đảng viên trẻ, thanh niên vùng biên giới xây dựng mô hình mới, cách làm hay góp phần thay đổi nếp nghĩ của thanh niên vùng cao. Huyện Đoàn đang đề xuất Tỉnh Đoàn khen thưởng bởi Cuôn không chỉ tạo ra việc làm ổn định mà còn quan trọng hơn đã tạo sự hứng khởi, sinh khí mới về tinh thần hăng say lao động, tình nguyện giúp đỡ người dân cho đoàn viên thanh niên nơi biên ải”.

Bí thư Huyện Đoàn Nam Giang Bùi Thế Anh

“Trước đây, thanh niên, bạn bè trong thôn không có việc làm thường rủ rê ăn nhậu, say xỉn rồi gây ra nhiều phiền toái, hệ lụy, nợ nần, trộm cắp. Cấp ủy giao nhiệm vụ, để thay đổi, em đứng ra vận động, thuyết phục và động viên anh em tham gia học nghề. Không chỉ dạy về nghề xây dựng, em còn chỉ bảo cho anh em về những giá trị bền vững nếu biết tạo dựng cuộc sống bằng mồ hôi, công sức lao động chân chính. Dần dần anh em hiểu và có thu nhập ổn định nên bỏ thói quen xấu, chăm chỉ làm ăn để thay đổi cuộc sống gia đình”, Cuôn tâm sự.

Hiên Cuôn kể, từ khi sóng điện thoại phủ đến vùng biên này, Cuôn đã nhanh chóng lập trang mạng xã hội của chi Đoàn thôn 49A, của “biệt đội” thợ xây để truyền tải những thông điệp tươi mới qua những bài viết, mô hình, cách làm hay để các bạn cùng xem. Những buổi sinh hoạt Đoàn, Cuôn đều đưa những câu chuyện làm ăn, chăm chỉ lao động thành công trên những trang báo để thổi hồn, tạo sinh khí mới cho đoàn viên thanh niên. Mưa dầm thấm đất, nhờ đó nhiều anh em trong thôn trở thành những tấm gương điển hình thoát nghèo mọi người noi theo.

Truyền lửa tình nguyện vì cộng đồng

“Mái ấm biên cương” ở cụm dân cư Pêtapót, xã Đắc Pring, biệt lập giữa núi rừng là một kỳ tích của tuổi trẻ Nam Giang mang đậm dấu ấn của “biệt đội” thợ xây do Cuôn tạo dựng.

Anh Bùi Thế Anh kể lại, do cụm dân cư nằm biệt lập giữa núi rừng nên chương trình tình nguyện xây dựng mái ấm kéo dài gần 2 tháng với nhiều đợt tình nguyện kéo dài cả tuần. Trong đó, Hiên Cuôn và anh em đội thợ xây đã đóng góp công sức nhiều nhất cho công trình ý nghĩa này. Riêng việc vận chuyển gần 7.000 viên gạch, 2 tấn xi măng, 40 tấn tôn, 1 tấn thép băng rừng lội suối vào Pêtapót đã là một nỗ lực phi thường của anh em vì tất cả phải dùng đến sức người để cõng, vác hơn 16km mới vào đến nơi.

Ròng rã hơn 2 tháng trời, Cuôn cùng anh em đội thợ và hàng chục thanh niên tình nguyện trên địa bàn đã miệt mài vận chuyển, xây dựng công trình trong khó khăn thiếu thốn. Công trình lịch sử hoàn thành trong niềm vui của dân làng, khi lần đầu tiên ở cụm dân cư nơi biên cương xa xôi, cách trở này một căn nhà bê tông kiên cố được dựng lên. Một dấu mốc mới cho sự đổi thay của bản làng hẻo lánh này.

“Ở vùng cao, dân tộc thiểu số thay đổi ý thức, thái độ của các bạn trẻ sống giữa núi rừng là không dễ. Chính nhờ những bạn trẻ như Hiên Cuôn đã thổi lên ngọn lửa hăng say lao động, sống vì cộng đồng, chung tay xây dựng biên cương cho các bạn đoàn viên thanh niên. Tinh thần đó đã và đang nhen lên những đóm lửa mới để phát huy tinh thần tuổi trẻ xung kích, cống hiến, dựng xây miền biên ải thêm tươi đẹp”, Bí thư Huyện Đoàn Nam Giang chia sẻ.

Nói về dự định tương lai, chàng trai dân tộc Ve bộc bạch, khi có điều kiện sẽ tiếp tục học thêm để bổ sung kiến thức, bằng cấp để phát triển bản thân. Sắp tới Cuôn sẽ đầu tư mở một xưởng đổ trụ bê tông, đúc gạch để tạo thêm nhiều việc làm cho anh em, đồng thời giảm giá thành vật liệu cho bà con, góp sức đổi thay bộ mặt, cuộc sống miền biên ải.

Theo TP