Nhìn mỗi bệnh nhân hồi sinh để nỗ lực hơn
Tốt nghiệp loại giỏi Học viện Quân y năm 2019, Thượng úy Bùi Thị Hương Lan về nhận công tác ở khoa Nội tim mạch thuộc Viện Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Công tác tại Viện Tim mạch đến nay, Thượng úy Lan luôn tìm tòi, đóng góp nhiều sáng kiến trong khám, điều trị bệnh nhân tim mạch, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ bộ đội và nhân dân.
Thượng úy Bùi Thị Hương Lan đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp bệnh viện, được đánh giá cao. Một trong số đó là đề tài “Điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ bằng sóng xung kích” giành Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 22, năm 2022.
Khoa Nội tim mạch (Viện Tim mạch) có nhiệm vụ cấp cứu, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tim mạch, thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán, can thiệp tim mạch và nhịp học, tham gia hội chẩn phẫu thuật. Làm nhiệm vụ tại đây, chị Lan luôn tìm tòi đưa những ứng dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán để điều trị căn bệnh này. Tại Đại hội Tim mạch toàn quốc (tháng 10/2022), chị đã báo cáo “Điều trị tăng áp lực động mạch phổi nguyên phát”, được đánh giá cao về hiệu quả điều trị bệnh nhân tim mạch.
Thượng úy Lan cùng tập thể y bác sĩ trong khoa Nội tim mạch đã áp dụng và triển khai thành công kỹ thuật điện tim gắng sức và kết hợp với xạ tưới máu cơ tim; kỹ thuật Sockwaves trong điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ còn đau ngực dai dẳng sau phẫu thuật hoặc những bệnh nhân bệnh hẹp đa thân động mạch vành mà không có khả năng phẫu thuật hay can thiệp…
“Ngành y liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người nên đòi hỏi mỗi bác sĩ chúng tôi phải có đức, có tài, phải nắm chắc kiến thức để vận dụng vào thực hành và thường xuyên cập nhật kiến thức mới để chữa trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất. Nhìn mỗi bệnh nhân hồi sinh qua giây phút cận kề cửa tử chính là niềm hạnh phúc lớn lao để chúng tôi tiếp tục giữ lửa nhiệt huyết, kiên định và nỗ lực hơn trên con đường đã chọn”, Thượng úy Lan chia sẻ.
Truyền lửa cho ĐVTN
Với Đại úy Nguyễn Quốc Đẳng - Chính trị viên phó, Bí thư Liên chi đoàn Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4), trở thành sĩ quan Quân đội là ước nguyện và cũng là động lực để cống hiến. Từng là học viên Trường Sĩ quan Chính trị trong 6 năm, Đại úy Đẳng hiểu rõ tâm lý những người trẻ đang khoác áo lính. Anh đã tham gia đóng góp cùng Đoàn cơ sở Trung đoàn 1 trong việc xây dựng mô hình “Nhóm sở thích”. Hiện mô hình được nhân rộng trong toàn Sư đoàn và đạt nhiều kết quả thiết thực.
Theo Đại úy Đẳng, Liên chi đoàn Tiểu đoàn 3 có 26 cán bộ Đoàn và gần 400 đoàn viên. Do đặc thù của đơn vị là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu nên việc tổ chức một số hoạt động còn khô cứng, chưa được mềm dẻo do ảnh hưởng của tác phong Quân đội. Đội ngũ cán bộ Đoàn đa số là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ công tác Đoàn...
Xuất phát từ đặc điểm nhiệm vụ của Trung đoàn, Đoàn cơ sở Trung đoàn 1 đã thành lập các nhóm quân nhân có chung sở thích như nhóm đàn guitar, nhóm tập thể hình, nhóm nhảy hiện đại, nhóm nghệ nhân… Qua đó, giúp cho cán bộ, ĐVTN có những sân chơi lành mạnh, phù hợp với tâm lý của họ.
Vận dụng tốt các biện pháp “kích hoạt” phong trào, Đại úy Đẳng đã góp phần truyền lửa Đoàn cho mọi ĐVTN trong đơn vị. Giai đoạn 2017-2022, tuổi trẻ Liên chi đoàn Tiểu đoàn 3 đã nhiều lần giành giải thưởng tại các hội thi Cán bộ Đoàn giỏi; Olympic tiếng Anh; Thanh niên sáng tạo vì môi trường…
“Tôi mong muốn Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII sẽ chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực số cho thanh niên để tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông và tập huấn kỹ năng số cho người trẻ; nâng cao năng lực công nghệ, thông tin cho đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp; tổ chức các cuộc thi về công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số cho đoàn viên, thanh niên”, Đại úy Nguyễn Quốc Đẳng nói thêm.
Trên cương vị Phó Bí thư Đoàn cơ sở Viện Tim mạch, Thượng úy Bùi Thị Hương Lan đã thể hiện rõ vai trò thủ lĩnh thanh niên khi xung kích thực hiện các nhiệm vụ khó. Giai đoạn cao điểm (2020-2021) thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19, chị trực tiếp tham gia vào công tác khám sàng lọc cho rất nhiều bệnh nhân COVID-19. Chị còn thực hiện nhiều chương trình tình nguyện ở các địa bàn xa xôi như ủng hộ sách, tặng quà học sinh có hoàn cảnh khó khăn; thăm khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân; hiến máu tình nguyện… |
Theo TP