Thủ tướng Phạm Minh Chính làm trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19

(CTG) Trong cuộc họp lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước chiều 24-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính được phân công làm trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP

Chiều 24-8, Văn phòng Trung ương Đảng phát thông báo kết luận cuộc họp của lãnh đạo chủ chốt về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.

Tại cuộc họp, Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Cuộc họp do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, cùng dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại diện các ban, bộ, ngành.

Sau khi nghe ý kiến của các cơ quan, các đồng chí dự họp, lãnh đạo chủ chốt đã thảo luận, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận:

Vừa qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, định hướng sát tình hình nhằm ngăn chặn dịch bệnh, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng bí thư biểu dương và đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, kiều bào, nhân dân, doanh nghiệp, đặc biệt lực lượng y, bác sĩ, quân đội, công an và đội ngũ cán bộ ở cơ sở nơi tuyến đầu đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc chống dịch COVID-19.

"Công tác phòng, chống dịch thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận, nhưng tình hình cho thấy còn một số vấn đề cần lưu ý, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương; có lúc, có việc chưa cụ thể, nhất quán, còn lúng túng, một số địa phương còn chủ quan, công tác tuyên truyền chưa kịp thời, hiệu quả", Tổng bí thư nói.

Theo Tổng bí thư, dự báo thời gian tới, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, có khả năng kéo dài, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và các hoạt động kinh tế - xã hội; tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống của nhân dân.

"Thống nhất phân công Thủ tướng Chính phủ làm trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu các bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ sau:

Đánh giá tổng thể việc thực hiện chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua, phát huy những kết quả đạt được, phân tích thẳng thắn, rút kinh nghiệm sâu sắc những mặt chưa làm được, dự báo đúng tình hình, trên cơ sở kinh nghiệm trong nước, quốc tế, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để thống nhất giải pháp chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương.

Đồng thời, các tỉnh, thành phải tập trung nguồn lực chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng cho nhân dân, ưu tiên cho công tác khám, chữa bệnh, nhất là các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất lây nhiễm chéo, giảm thiểu số ca tử vong.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho an sinh xã hội, bảo đảm cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm, lương thực thiết yếu và các hỗ trợ cần thiết cho người dân khi thực hiện cách ly, giãn cách, bảo đảm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Tổ chức tốt việc bảo quản, mai táng các trường hợp tử vong phù hợp với phong tục tập quán.

"Khẩn trương tập trung triển khai chiến lược vắc xin, đặc biệt là việc cung ứng, tổ chức tiêm vắc xin tại các địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm đang có dịch bùng phát mạnh, như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An..., sớm thực hiện tiêm vắc xin diện rộng để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh", Tổng bí thư yêu cầu.

Tổng bí thư chỉ đạo tập trung làm tốt hơn công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch trong tình hình mới, biểu dương, khích lệ, động viên, khen thưởng các tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn xã hội. Đồng thời đảm bảo công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch, các thông tin xấu độc, sai sự thật, kích động, gây tác động tiêu cực; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là, thay thế kịp thời các cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Theo TP