Trao 'cần câu' hơn trao xâu cá

CTG - Mô hình "Cần Câu Xanh" đang được giới trẻ H.Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) theo đuổi đã nâng đỡ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn, yếu thế mạnh mẽ vươn lên…

Anh Hồ Văn Thắng (thôn Tân A, xã Lộc Bình, H.Phú Lộc) xúc động khi biết mình là một trong những hộ đầu tiên nhận con giống từ mô hình "Cần Câu Xanh" do Huyện đoàn Phú Lộc phát động từ đầu năm 2023. Gia đình anh Thắng thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi vợ anh bệnh nặng, mất khả năng lao động nhiều năm nay. "Biết tin sắp được tặng con giống từ Đoàn thanh niên, tôi đã chuẩn bị ngay chuồng nuôi. Với số vịt xiêm giống này, vợ tôi sẽ ở nhà chăn nuôi, có việc làm lâu dài nuôi con ăn học", anh Thắng nói.

Trao 'cần câu' hơn trao xâu cá  - Ảnh 1.
 

Đoàn thanh niên xã Lộc Bình trao con giống cho gia đình anh Hồ Văn Thắng

Lê Hoài Nhân

Mô hình "Cần Câu Xanh" mà Huyện đoàn Phú Lộc phát động dành cho những người yếu thế, những thanh niên hoàn cảnh khó khăn để họ có thêm điều kiện để phát triển sinh kế. Mô hình này cũng cụ thể hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững để đảm bảo an sinh xã hội mà Huyện đoàn Phú Lộc theo đuổi ngay từ đầu năm.

Anh Hoàng Trần Quốc Phú, Bí thư Huyện đoàn, cho hay sau khi phát động chương trình, lực lượng đoàn viên, thanh niên tại các xã, thị trấn đã nhanh chóng vào cuộc, phối hợp Ban chỉ đạo giảm nghèo tại địa phương khảo sát, lựa chọn các đối tượng phù hợp. Các hộ nghèo, cận nghèo nằm trong lộ trình thoát nghèo năm 2023 của huyện và những thanh niên gặp hoàn cảnh khó khăn có ý chí vươn lên như trường hợp của anh Hồ Văn Thắng được lựa chọn.

Anh Hoàng Trần Quốc Phú cho rằng mô hình "Cần Câu Xanh" mang ý nghĩa thiết thực với thông điệp trao "cần câu" hơn trao xâu cá. Thay vì hỗ trợ vật chất, các trường hợp khó khăn được hỗ trợ vật nuôi, cây trồng… "Trước khi mang con giống đến tặng bà con, các cán bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên đã đến từng nhà hỗ trợ bà con làm chuồng trại. Nguồn giống hỗ trợ cũng được chúng mình chọn lựa rất kỹ, từ những cơ sở uy tín để đảm bảo cho người dân chăn nuôi hiệu quả. Chỉ sau 3 - 4 tháng, người dân đã có thể cho xuất chuồng và dùng số tiền đó để tái sản xuất", anh Phú nói.

Sau thời gian ngắn triển khai, đến nay 10/17 xã, thị trấn trên địa bàn H.Phú Lộc đã bắt nhịp với "Cần Câu Xanh". Đã có hơn 700 con gà giống, 10 con heo giống, 30 vịt giống loại 1 được chuyển đến chuồng trại của người dân. Nguồn kinh phí ban đầu được những người trẻ H.Phú Lộc huy động từ sự đóng góp của cán bộ Đoàn, các tập thể, cá nhân trên địa bàn…

Anh Phạm Việt Ân, Bí thư Đoàn xã Lộc An (H.Phú Lộc), nhớ rõ cảm xúc vui mừng của các hộ nghèo khi hay tin họ được lên danh sách "nhận quà". "Với họ, để mua một cặp heo với số tiền hơn 3 triệu đồng là rất khó. Giờ có con giống rồi, họ sẽ tạo nguồn vốn ổn định để vượt qua khó khăn", anh Ân nói.

Ở xã Lộc Bình, nhiều hộ nghèo khi thấy thấp thoáng bóng "áo xanh" chuyển con giống đến tặng cũng vui mừng không kém. Anh Lê Công Khuyến, Bí thư Đoàn xã Lộc Bình, cho hay có đến 34 hộ nghèo ở xã bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn này, và trách nhiệm của giới trẻ là sớm vận động được nhiều "cần câu xanh" hơn nữa.

THEO TNO