Trao đổi tiền tệ toàn cầu đã tăng mạnh

(CTG) Báo cáo về tình hình buôn bán tiền trong ba năm qua cho thấy lượng giao dịch tăng nhanh và đa số vụ mua bán thực hiện tại London.


Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), trao đổi tiền tệ toàn cầu đã tăng mạnh và đạt tới 4.000 tỷ USD/ngày, tăng 20% so với kim ngạch 3,3 tỷ USD/ngày của năm 2007 trước khủng hoảng

BIS nhấn mạnh mặc dù kim ngạch trao đổi tiền tệ tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng của thị trường tiền tệ toàn cầu đã chậm lại so với chu kỳ ba năm trước đây (2004-2006) khi kim ngạch trao đổi tiền tệ tăng tới 69%.

BIS cho biết trao đổi tiền tệ toàn cầu tăng mạnh bắt nguồn từ các nhà đầu tư tại các nước phát triển tăng và hoạt động đa dạng hoá đầu tư của họ ra nước ngoài sau khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi.

Simon Derrick, trưởng ban nghiên cứu tiền tệ của Bank of New York Mellon nói tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực buôn bán tiền tệ phản ánh một số xu hướng quan trọng trong nền kinh tế trong đó có sức mạnh kinh tế của các nước đang phát triển.

Ông nói với BBC: "Các loại tiền tệ mà số lượng giao dịch tăng thường là các đồng tiền mạnh lên nhờ hàng hóa - như đồng đôla Australia - hay là tiền tệ của các thị trường đang lên như Trung Quốc, Nga, Brazil hay Thổ Nhĩ Kỳ."

Trung tâm giao dịch ngoại tệ lớn nhất là London, chiếm 37% tổng giao dịch trên toàn cầu.

Mỹ, trung tâm tiền tệ quan trọng thứ nhì trên thế giới, có lượng giao dịch chỉ bằng một nửa London.

Ông Jeremy Stretch, chuyên gia chiến lược thị trường nói có hai lý do tại sao London giữ được vị trí quan trọng hàng đầu.

"Điều đầu tiên là vị trí địa lý - nó nằm trong múi giờ của cả Mỹ và Châu Á, và lý do khác nữa là đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, chẳng hạn hệ thống công nghệ thông tin."

Đồng đôla vẫn là ngoại tệ được buôn bán nhiều nhất, chiếm 85% tổng giao dịch cho dù đã giảm xuống từ mức 90% của năm 2001.

Ông Simon Derrick cũng cho rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng dự trữ ngoại hối và đây là lý do nữa khiến giao dịch ngoại tệ tăng.

 Theo Tầm nhìn