Trẻ háo hức 'du hành cùng sách tới mặt trăng' nhân dịp trung thu

CTG - Tại buổi workshop 'Chuyến du học cùng sách đến trăng' nhân dịp trung thu, nhiều em nhỏ đã được phụ huynh đưa đến từ sớm, ngồi ngay ngắn ở hàng ghế đầu để được gặp gỡ tác giả của loạt truyện tranh thiếu nhi và nghe kể chuyện 'Cuộc phiêu lưu của hải long con'.

Ngày 14.9, Trường mầm non Em Maison tổ chức sự kiện vui đón trung thu với chủ đề “Chuyến du hành cùng sách đến trăng" với sự tham gia của nhiều phụ huynh và trẻ em. Tại đây, cô Nguyễn Tấn Thanh Trúc, thạc sĩ ngành thông tin - thư viện tại ĐH Simmons (Mỹ), tác giả của những tập sách Giáo dục trí tưởng tượng cho trẻNhững bài học nhỏ... đã chia sẻ những câu chuyện thú vị về sách và những lưu ý với phụ huynh về việc tạo thói quen đọc sách cho con cũng như giúp con chọn sách phù hợp.

Cùng con đọc sách để phát triển trí tưởng tượng của con

Thạc sĩ Trúc nhận định tạo thói quen đọc sách cho con trẻ là việc nói rất dễ nhưng khó có thể làm được. Phụ huynh nên có một khung giờ nhất định để cùng con tạo thói quen đọc sách, chẳng hạn thời điểm sau bữa tối.

Trẻ háo hức 'du hành cùng sách tới mặt trăng' nhân dịp trung thu- Ảnh 1.
 

Phụ huynh và trẻ lắng nghe những câu chuyện thú vị về sách từ thạc sĩ Nguyễn Tấn Thanh Trúc

“Đôi khi chúng ta rất bận bởi công việc hoặc các mối quan hệ bạn bè nhưng vẫn không nên bỏ qua hoạt động đọc sách cho con. Bởi vì nền nếp kỷ luật được thiết lập cho con cái là cả một quá trình chứ không phải hôm nay làm, ngày mai không", thạc sĩ Trúc khuyên.

Thạc sĩ Trúc cho rằng để có động lực đọc sách cho con một cách đều đặn, phụ huynh hãy nhớ đến những lợi ích của việc đọc sách mà các hoạt động khác không thể mang lại một cách trọn vẹn. Trong đó, đọc sách sẽ giúp các con cải thiện được kỹ năng lắng nghe, để con tập trung và phát triển trí tưởng tượng qua câu chuyện.

Bên cạnh đó, việc đọc sách giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp và cảm xúc. Thạc sĩ Trúc khuyên phụ huynh sau khi miêu tả lại những chi tiết trong sách cho trẻ thì nên hỏi lại để trẻ tập ghi nhớ. Và khi lắng nghe trẻ trả lời, phải nhận xét, khen thưởng để thúc đẩy sự tự tin, sự thoải mái của trẻ bởi vì trẻ cần có động lực để có thể nói ra những điều chúng suy nghĩ.

Phụ huynh có thể mở rộng vốn từ và phát triển khả năng đọc hiểu của trẻ bằng cách đưa ra khái niệm, giải thích nghĩa của từ cho con, giúp con kết nối những kiến thức mới, xâu chuỗi lại sự kiện và giải thích được hiện tượng trong các câu chuyện.

Cách chọn sách và bí quyết đọc sách hay

Đưa ra một số gợi ý để các phụ huynh chọn sách đọc với con, thạc sĩ Trúc khuyên nên chọn sách liên quan đến sở thích của trẻ và quan tâm sở thích của trẻ theo từng giai đoạn. Đồng thời chọn sách có kiểu minh họa bắt mắt, khám phá những điều trẻ có thể học hỏi từ cuốn sách đó, không nên chọn những quyển sách có quá nhiều khái niệm khó...

Trẻ háo hức 'du hành cùng sách tới mặt trăng' nhân dịp trung thu- Ảnh 2.

Thạc sĩ Nguyễn Tấn Thanh Trúc kể chuyện "Cuộc phiêu lưu của hải long con" do mình sáng tác

ẢNH: MỸ DUYÊN

Theo thạc sĩ Trúc, để giữ chân con bên mình khi đọc sách, cha mẹ nên tìm một không gian thoải mái, yên tĩnh để có thể tập trung. Trước khi đọc sách cho con, phụ huynh nên đọc cuốn sách đó để tìm ra điểm thu hút sự chú ý, từ đó biết cách thu hút trẻ từ trang này qua trang khác cho đến hết câu chuyện.

Ngoài ra, phụ huynh không nên bỏ qua những hình ảnh hoặc các mẫu thiết kế thú vị của sách mà hãy dừng lại để cho con quan sát, tìm hiểu những hình ảnh đó. Sau đó, cùng đặt câu hỏi và cùng trả lời với trẻ để giải đáp sự tò mò, tăng sự tương tác giữa trẻ với câu chuyện.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Lê Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường mầm non Em Maison, cho biết: “Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng không biết làm sao để chơi với con, để hiểu được con và phụ huynh muốn con nói, con kể với cha mẹ nhiều hơn. Hy vọng qua sự kiện lần này, phụ huynh đã có những gợi ý để dễ dàng đồng hành đọc sách cùng con. Qua những câu chuyện trong sách mình tìm cách gợi mở, liên kết với câu chuyện ngoài đời, làm cho con cảm thấy thoải mái, con có thể trò chuyện cùng cha mẹ".

Có mặt tại buổi trò chuyện, chị Mai, phụ huynh bé Tường San (3,5 tuổi), cho biết: "Con tôi đã thói quen được cha mẹ đọc sách từ lúc 2 tuổi và ở nhà cũng có một kệ sách cho bé, khi kể chuyện thì ba và mẹ cũng hay diễn tả lại con vật trong câu chuyện cho bé xem thì bé cảm thấy rất thích".

Bên cạnh những trò chơi, tiết mục giải trí cho trẻ nhân dịp trung thu, các trường mầm non còn có những hoạt động giáo dục lồng ghép. Trung thu năm nay, Trường mầm non Nguyễn Du (Hà Tĩnh) cho trẻ cùng nhau làm những món quà nhỏ gửi đến đồng bào miền Bắc đang chịu thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Trường mầm non Quả Chanh Vàng (TP.HCM) tổ chức các hoạt động tìm hiểu vì sao có ngày tết trung thu, tìm hiểu ẩm thực ngày tết trung thu, vận động theo nhạc chủ đề "Trăng tròn tròn".

Theo TN