Năm 1978, khi thăm Nhật Bản để ký Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Trung - Nhật (gọi là Senkaku trong tiếng Nhật), ông Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh, hai bên cần dẹp bỏ tranh chấp: “Thế hệ chúng ta chưa đủ sáng suốt để tìm ra tiếng nói chung trong vấn đề này. Thế hệ kế tiếp sẽ sáng suốt hơn và chắc chắn sẽ tìm ra một giải pháp có thể được cả hai bên chấp nhận”.
|
Tháng 6/1979, Bắc Kinh đưa ra một đề xuất chính thức với Tokyo trong việc cùng khai thác phát triển tài nguyên ở Điếu Ngư. Đây là lần đầu tiên, Trung Quốc sẵn sàng cởi mở trong việc thể hiện xu thế giải quyết tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng trong khuôn khổ khái niệm “dẹp bỏ tranh chấp và cùng theo đuổi mục tiêu phát triển”.
Khi Trung Quốc xây dựng quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á những năm 1970 và 1980, Đặng Tiểu Bình một lần nữa đưa ra đề xuất dẹp bỏ tranh chấp tại khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông và theo đuổi mục tiêu cùng phát triển. Một giải pháp được cả hai bên chấp nhận có thể đã ra đời sau đó.
Khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990, Đặng Tiểu Bình đưa ra chính sách “Thao Quang Dưỡng Hối” với các đặc điểm: “Bình tĩnh quan sát; Lập trường vững chắc; Bình tĩnh đối phó; Che giấu khả năng và chờ đợi thời thế; Duy trì ẩn mình, và không bao giờ nắm vị trí dẫn đầu”.
Theo sự dẫn dắt này,Trung Quốc nhanh chóng phá vỡ sự cô lập quốc tế bằng cách cải tổ kinh tế và chính sách mở cửa. Tuy nhiên, trong thập niên qua, với phép màu tăng trưởng, Trung Quốc lại đang vươn tới cái đích nắm giữ vai trò tiên phong trong các vấn đề quốc tế, một cách sẵn sàng hay miễn cưỡng. Và như thế, theo nhiều nhà phân tích chính trị, Bắc Kinh cuối cùng đã xa rời “Thao Quang Dưỡng Hối”.
Nhưng Trung Quốc có sẵn sàng “tỏa sáng” với đích dẫn đầu trong các công việc quốc tế? Có lẽ không, vì Trung Quốc cần tiếp tục phát triển, nghĩa là đòi hỏi một môi trường hòa bình. Để giữ hòa bình, Trung Quốc vẫn phải “ẩn mình” trong nhiều chuyện quốc tế hay tạm gác tranh chấp với các quốc gia láng giềng.
Tuy nhiên, tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” có lẽ đã làm tổn hại môi trường hòa bình. Một “lợi ích cốt lõi” nghĩa là lợi ích quốc gia cao nhất, và nếu cần thiết, có thể được bảo vệ bằng chính máu hay sinh mạng. Và Trung Quốc liệu đã sẵn sàng giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông bằng vũ lực? Thực tế không hẳn vậy.
"Một số đảo tại Trường Sa và Hoàng Sa hiện do các nước khác nắm giữ”, một quan chức quân đội Trung Quốc nói. “Vì thế, nếu chúng tôi dùng vũ lực lấy các đảo này, có thể dẫn tới những cuộc chiến lâu dài. Những đảo này lại ở xa đất liền, nghĩa là nếu có lấy các đảo, cũng sẽ khó khăn trong việc bảo vệ chúng”.
Điều thú vị là, bản thân một số nhà chiến lược quân sự Trung Quốc cũng phản đối việc sử dụng khái niệm “lợi ích cốt lõi quốc gia trong các vấn đề quốc tế”.
Ví dụ, tuần trước, Tân Hoa xã có đăng bài bình luận với tiêu đề “Lợi ích Cốt lõi quốc gia không nên bị lạm dụng”, tác giả là Hàn Tô Đông - phó giáo sư về chiến lược quân sự tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc. "Gần đây, cụm từ “lợi ích quốc gia” trở nên rất nóng, được sử dụng thường xuyên. Nhưng chúng ta cần nhận thức rằng, không nên xem nhẹ việc sử dụng khái niệm này”, ông viết.
Thậm chí sau Chiến tranh Lạnh, sức mạnh quân sự của một quốc gia vẫn đóng vai trò chính trong bảo vệ và mở rộng các lợi ích kinh tế. Dù phát triển nhanh, nhưng “quân đội của chúng ta vẫn yếu hơn so với Mỹ”, ông Hàn nhấn mạnh.
Ông Hàn khẳng định, nếu Trung Quốc tuyên bố lợi ích quốc gia thì các nước khác cũng có thể làm như vậy, sau đó, xung đột sẽ khó giải quyết bằng ngoại giao và đối đầu có nguy cơ xảy ra. Hơn thế nữa, vào lúc này, Trung Quốc không đủ khả năng bảo vệ toàn bộ lợi ích cốt lõi quốc gia của mình. Vì thế, đây không phải là lúc Bắc Kinh đặc biệt chú tâm tới khái niệm này, tới khi phát triển sức mạnh quân sự hơn nữa, Trung Quốc có thể tuyên bố công khai những lợi ích quốc gia mà nước này bảo vệ được.
Nhìn từ quan điểm này, chính sách “Thao Quang Dưỡng Hối” của Đặng Tiểu Bình cùng đề xuất “dẹp bỏ tranh chấp vì mục tiêu cùng phát triển” vẫn không hề lỗi thời.
Theo Vietnamnet