Trường Sa gần lắm

(CTG) Ðã có rất nhiều đoàn dân chính đảng ra thăm, động viên quân dân huyện đảo Trường Sa. Ðã có rất nhiều cuộc gặp gỡ, trò chuyện chung tay góp sức làm cho Trường Sa ngày càng vững chãi, bề thế nơi phên dậu Tổ quốc. Và thêm một lần nữa, sự chung tay góp sức đó được nâng lên bằng việc Quân chủng Hải quân tổ chức cho các thân nhân ra thăm quần đảo Trường Sa. Khoảng cách giữa đất liền và đảo không còn xa, bởi được nối liền bằng tình thân máu mủ, bằng lòng yêu Tổ quốc vô bờ.


Phút giải lao của các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Nhân dân

Ðón người thân trở về

Chúng tôi coi việc đón thân nhân của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đi thăm Trường Sa như đón người thân trở về. Bởi chồng, con của họ là người nhà đồng chí, đồng đội của chúng tôi. Ðại tá Nguyễn Ðức Vượng, Phó Chính ủy Vùng D tâm sự: Chưa có một chuyến thăm nào mà chúng tôi chuẩn bị chu đáo, nghĩa tình như đợt này. Gần một tháng trước, Vùng đã giao cho các bộ phận chuyên trách gửi giấy mời đến từng gia đình, đồng thời kết hợp liên lạc bằng điện thoại để thống nhất về thời gian, địa điểm đón. Khi bà con lên đường vào Vùng D, chúng tôi phân công các bộ phận trực 24/24 giờ. Khi có thân nhân điện ra đón, không kể ngày hay đêm, ở bất kỳ địa điểm nào, cán bộ, chiến sĩ của Vùng sẽ có mặt kịp thời để đón bằng được thân nhân.

Chuẩn bị chu đáo là vậy, nhưng nhiều thân nhân "thương bộ đội quá" nên dù đến cổng đơn vị từ lúc nửa đêm vẫn "kiên quyết" ngồi chờ trời sáng mới gọi đơn vị ra đón. Bác Trần Thị Nhị ở TP Hồ Chí Minh và cô Huỳnh Thị Kim Nhung ở Bình Dương kể lại: Hai chị em tôi đến Mỹ Ca (Cam Ranh-Khánh Hòa) lúc 1 giờ khuya. Biết giờ này bộ đội đang ngủ, lực lượng còn lại vẫn phải tuần tra canh gác. Sợ các đồng chí vì chúng tôi mà bỏ nhiệm vụ hoặc mất giấc ngủ, thế là hai chị em bàn nhau: ngồi chờ sáng mới gọi điện cho đơn vị ra đón. Hôm sau, đồng chí Thạch, Phó Chủ nhiệm UBKT đến hỏi thăm sức khỏe, chúng tôi kể lại chuyện, đồng chí cứ trách hoài, vì hai chị em tui thì ở ngoài, còn các anh trong đơn vị thì lo lắng. Thật là rõ tội.

Ðể chuẩn bị cho chuyến đi an toàn, Vùng D Hải quân đã tổ chức khám sức khỏe cho từng thân nhân. Nhiều mẹ, nhiều chị khi khám sức khỏe rất lo lắng. Có người phàn nàn: Không đủ sức khỏe để ra đảo thăm chồng, thăm con mà phải quay về thì tiếc quá. Rất may, trong 62 thân nhân ra thăm đảo lần này sức khỏe đều bảo đảm. Riêng hai trường hợp huyết áp cao, các y, bác sĩ của Vùng D khi khám xong đã chủ động chuẩn bị các phương án, bảo đảm cho họ ra đến đảo vẫn có sức khỏe tốt nhất.

Cảm động từng hải trình

Tàu HQ-996 làm nhiệm vụ con thoi nối bờ với đảo. Con tàu này đã nhiều lần đưa đón khách ra Trường Sa, chứng kiến biết bao cuộc hội ngộ giữa đảo với đất liền, nhưng hôm nay dường như nó "phấn chấn" hơn, bởi chuyến đi này, Tàu HQ-996 mang trên mình sứ mệnh cao cả, đó là sự kết nối người thân của đảo với bờ, giúp cho biển bờ ngày càng gần lại.

Hàng quà và tình cảm mà thân nhân mang ra cho Trường Sa lần này không khác nhiều so với những lần đi trước. Nhưng có nhiều món quà, nhiều câu chuyện khiến ai cũng bùi ngùi xúc động.

Bác Ðặng Thị Tiến, 58 tuổi, quê Ninh Bình, ra thăm con trai là trung úy CN Trần Ðình Thành, tâm sự: Nhà mẹ nghèo, chẳng biết mua quà gì cho con. Mẹ nhớ có lần thằng Thành gọi điện về nói: Ở đảo vẫn còn lắm chuột, trồng rau che chắn cẩn thận thế nào vẫn bị chuột phá. Thế là con mèo ở nhà vừa đẻ được hơn hai tháng, mẹ mang ra cho nó một đôi. Nói đến đây, mẹ Tiến quay mặt ra hướng biển, mắt mẹ long lanh, ngấn lệ.

Bác Nguyễn Văn Lam, 58 tuổi, quê Hà Tĩnh, ra thăm con là thiếu úy Nguyễn Hữu Thọ đang làm nhiệm vụ tại đảo Len Ðao. Bác Thọ là thương binh hạng hai. Người lính già này đã để lại một phần cơ thể trong một trận đánh ác liệt ở chiến trường Quảng Trị. Ông đã đi nhiều nơi trên đất nước hình chữ S, nhưng Trường Sa một phần máu thịt của Tổ quốc với ông vẫn là một ẩn số. Ông bảo, ra Trường Sa lần này đối với gia đình ông nói riêng và các gia đình thân nhân là một vinh dự. Vì thế trong suốt những hải trình trên biển, ông luôn vui vẻ trò chuyện, kể cho mọi người nghe những câu chuyện cảm động về Trường Sa bằng sự hiểu biết của mình. Ðiều lạ là trong suốt những ngày đi biển, lúc nào tôi cũng thấy ông "diện" nguyên bộ quân phục đã sờn vai, bạc mầu. Ðem thắc mắc của mình ra hỏi chuyện mới hay: Ông mặc như vậy là để con trai ông nhìn thấy một thời máu lửa của dân tộc, từ đó vững vàng, kiên cường hơn nơi đầu sóng ngọn gió.

Trong chuyến đi này, có lẽ nhiều nhất vẫn là vợ bộ đội. Trò chuyện với các chị, tôi thấy nỗi nhớ cứ đằm sâu trong từng gương mặt còn hằn đầy những vết lo toan cho gia đình khi chồng vắng nhà.

Chị Nguyễn Thị Anh, 44 tuổi là vợ thiếu tá Hà Như Lập, đang công tác trên đảo Song Tử Tây. Chị Anh tâm sự: Anh chị cưới nhau đã hơn 20 năm, nhưng thời gian vợ chồng ở bên nhau chỉ tính bằng tháng. Nhất là từ khi anh vào Ðoàn Trường Sa công tác thì sự xa cách tăng lên gấp bội. Hai lần chị sinh con, chồng đều xa nhà. Có lần anh về phép, vợ chồng chị đã cười ra nước mắt, bởi sự ngây thơ của con và sự vắng bóng người cha. Chị kể, lúc đó cháu lớn lên bảy tuổi, cháu thứ hai hai tuổi. Khi chị sinh cháu thứ hai được hơn sáu tháng thì anh về phép, sau đó đi biền biệt hơn một năm sau mới về. Chuyện cười ra nước mắt là khi bố về, thằng lớn khoanh tay chào bố, thằng em cứ ngơ ngác rồi quay sang hỏi: Anh ơi, bố anh đấy à?

Một điều "rất phụ nữ" tôi bắt gặp ở các chị trong chuyến đi này, đó là các chị vẫn sợ mình "xấu" trước mặt chồng, nên mỗi khi thông báo có danh sách lên đảo, các chị lại vội vàng trang điểm, diện những bộ cánh đẹp nhất để chồng khỏi phật lòng và hãnh diện với bạn bè, đồng đội. Thế mới biết, những người vợ lính yêu chồng, thương con đến nhường nào.

Nối những niềm vui

Khi chứng kiến cảnh gặp gỡ giữa thân nhân với cán bộ, chiến sĩ trên đảo, cánh phóng viên chúng tôi chỉ còn biết nói với nhau bằng mấy chữ: xúc động, trân trọng, cảm phục. Niềm vui được gặp người thân giữa trùng khơi mênh mông tràn đầy trong nụ cười ánh mắt. Nhiều người vợ, người mẹ và cả những ông bố dạn dày bản lĩnh, khi gặp con mình trên đảo đã ào đến ôm chầm lấy mà xúc động, nghẹn ngào.

Trung sĩ Trần Trung Hiếu sau khi đón mẹ từ cầu cảng về đảo đã xúc động nói với chúng tôi: Mấy hôm nay em không tài nào ngủ được vì lo cho sức khỏe của mẹ. Nhưng khi nhìn thấy mẹ bước lên cầu cảng vẫn khỏe mạnh, em sung sướng vô cùng. Mẹ chỉ kịp nói với em một câu: Mẹ tự hào về con, rồi òa khóc.

Còn hạ sĩ Trần Ðức Hiệp, chàng trai người Hải Phòng đang làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn thì phấn khởi nói: Em không nghĩ lại được gặp mẹ trên đảo. Hạnh phúc quá lớn đối với gia đình em. Trong suốt chuyến đi, em luôn giữ liên lạc để động viên mẹ, nhưng không ngờ mẹ lại động viên em bằng những tình cảm hết sức chân thành, giản dị. Em tự hào về mẹ, tự hào về thành phố hoa phượng đỏ - nơi em sinh ra và lớn lên.

Còn rất nhiều niềm vui và nhiều câu chuyện cảm động trong chuyến đi đầy ý nghĩa này, nhưng có thể nói, 62 thân nhân ra thăm Trường Sa, mỗi người một điều kiện, hoàn cảnh, mỗi người một vùng quê nhưng ai cũng gửi trọn niềm tin cho người thân nơi đầu sóng ngọn gió. Xin mượn lời của một thân nhân thay cho lời kết của bài viết này: Trường Sa gần lắm. Trường Sa chỉ cách đất liền một nỗi nhớ mà thôi! 


Theo Nhân Dân