Từ gia công phần mềm sang thiết kế sản phẩm - Kỳ 2: Làm gì để tăng tốc?

(CTG) Hoạt động gia công phần mềm (GCPM) trong nước đang dần được nâng tầm, nhiều doanh nghiệp phần mềm đang từng bước thiết kế, xây dựng để đưa ra thị trường trong nước lẫn quốc tế các sản phẩm "made in Vietnam"… là điều đã thấy.

Nhân lực CNTT Việt Nam được đánh giá có khả năng cạnh tranh đáng kể trong lĩnh vực thiết kế phần mềm lẫn phần cứng nếu được đầu tư đúng mức - Ảnh: VSEC

Việc xây dựng một sản phẩm phần mềm thành công trên thị trường là cực kỳ khó, đòi hỏi kỹ năng, sự năng động, sáng tạo và quyết tâm rất lớn của từng thành viên trong nhóm. Anh TRẦN TRỌNG ĐẠI

Nhưng để tiềm năng đó thành bức tranh rõ nét hơn cần sự chung tay của nhiều bên.

Những giải pháp gợi ý

Theo chị Nguyễn Phương Mai (CEO Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search, thuộc Tập đoàn Navigos Group) thì nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng thiết kế sản phẩm (TKSP), nhất là ở khía cạnh phát triển và duy trì dịch vụ công nghệ về lâu dài cho doanh nghiệp... do chúng ta có lợi thế về nguồn cung nhân lực STEM dồi dào, và chất lượng nguồn nhân lực Việt cũng được đánh giá khá cao trong cộng đồng công nghệ thế giới.

"Tuy nhiên, nếu muốn biến tiềm năng đó của chúng ta trở thành thế mạnh thật sự, ngoài điều kiện "cần" về nguồn cung nhân lực cả về số lượng và chất lượng, chúng ta còn cần một điều kiện "đủ" là sự hỗ trợ, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ phía doanh nghiệp và các chính sách đầu tư của Chính phủ cho mảng TKSP công nghệ. Từ đó đội ngũ nhân tài Việt có cơ hội học hỏi, thử nghiệm, sáng tạo những sản phẩm mới" - chị Phương Mai phân tích.

Đồng quan điểm, anh Trần Trọng Đại (tổng giám đốc KMS Technology Việt Nam) cho rằng xu hướng chuyển dịch từ GCPM sang TKSP của các doanh nghiệp phần mềm Việt là rất đáng mừng và cần được khuyến khích, và nhân lực Việt có đủ năng lực để làm ra những sản phẩm phục vụ thị trường toàn cầu.

Đơn cử chỉ trong vài năm gần đây, KMS đã có ba sản phẩm tấn công thành công thị trường thế giới và nhận được đầu tư triệu USD (trong đó có sản phẩm kiểm thử QASymphony nhận được khoản đầu tư 40 triệu USD năm 2017).

"Nhưng nếu chỉ doanh nghiệp - dù tiềm lực lớn đến đâu - tự ý thức và tự thân vận động thì vẫn chưa đủ. Tôi nghĩ phía nhà trường cần liên kết chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp CNTT, phối hợp trong việc soạn giáo trình và giảng dạy nhằm đưa đến cho sinh viên các thông tin, kiến thức mới nhất, những chia sẻ về kinh nghiệm phát triển sản phẩm thực tế" - anh Trọng Đại chia sẻ.

Câu hỏi được đặt ra, vậy lợi ích của bước "chuyển mình" này là gì? Theo anh Trương Đức Lượng (CEO kiêm đồng sáng lập Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam - VSEC) thì ở góc độ quốc gia, việc chủ động TKSP cho chúng ta chủ động hơn nhiều trong làm chủ công nghệ và giải quyết các vấn đề trong nước.

Ở góc độ nhân sự, điều này đào tạo và bổ sung nhiều cá nhân có tinh thần doanh nhân và gián tiếp đóng góp cho phát triển kinh tế chung của đất nước. Ở góc độ về thị trường, TKSP sẽ tạo một thị trường làm việc sôi động, cạnh tranh hơn cho giới CNTT so với trước đây.

Về mặt kinh tế, chị Phương Mai cho rằng lợi ích giữa GCPM và TKSP cũng tương đồng nhau, vì với xu hướng chuyển đổi doanh nghiệp sang thời đại số hóa trên toàn cầu thì nhu cầu GCPM và đặt bộ phận CNTT tại các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam (do chi phí cạnh tranh)... đang là xu hướng và sẽ mang lại rất nhiều cơ hội việc làm, góp phần phát triển kinh tế cho Việt Nam. Còn đối với mảng TKSP, nếu phát triển được những sản phẩm tiên phong và chất lượng thì việc bán cho nhiều đối tác trong và ngoài nước cũng đem lại nhiều lợi ích kinh tế đáng kể.

Về mặt nguồn nhân lực, chị Phương Mai nhận định nếu các công ty Việt Nam chú trọng vào TKSP sẽ mang đến cho cộng đồng CNTT trong nội bộ lẫn trong nước nhiều cơ hội được tiếp cận và phát triển các công nghệ tiên phong, đồng thời nguồn nhân lực được trau đồi nhiều hơn về chuyên môn và kỹ năng. Bên cạnh đó, việc tạo ra các sản phẩm công nghệ tiên phong được sản xuất trọn vẹn bởi người Việt cũng là một động lực rất lớn cho nguồn nhân lực CNTT Việt.

Kỹ sư trẻ, bạn cần chuẩn bị những gì?

Không có gạo thì chẳng thể thổi thành cơm, vì vậy vị trí và vai trò, năng lực của lao động trong lĩnh vực CNTT luôn là một trong những giá trị cốt lõi nếu muốn hiện thực hóa bức tranh trên.

Dưới góc nhìn của người có thâm niên làm nhân sự, chị Nguyễn Thị Thanh Hương (phó tổng giám đốc Công ty cung cấp dịch vụ tư vấn nhân sự Talentnet) cho rằng các kỹ năng sau vẫn là điểm hạn chế của các kỹ sư CNTT trẻ: tư duy thiết kế (design mindset - chú trọng vào mục tiêu và giải pháp lâu dài, cấp tiến), sức bền trong một thị trường thay đổi liên tục và cần có một tầm nhìn tổng quát hơn thay vì chỉ tập trung phân tích một khía cạnh thuộc chuyên môn bản thân.

Còn với anh Trọng Đại thì công nghệ phát triển nhanh, thay đổi liên tục nên nếu người làm CNTT không liên tục nghiên cứu, học hỏi để thích ứng sẽ bị đào thải nhanh chóng. Cụ thể, anh Trọng Đại cho rằng: "Sinh viên cần hiểu rõ ưu khuyết điểm của từng loại công nghệ để có thể áp dụng hợp lý và mang lại giá trị tốt nhất cho sản phẩm, bổ sung kiến thức về thị trường, về tâm lý và thói quen người dùng, kiến thức về phương pháp xây dựng và đưa sản phẩm ra thị trường".

Bức tranh sẽ dần rõ nét

Chị Nguyễn Phương Mai cho rằng trong hơn một năm qua, những tập đoàn lớn của Việt Nam đã hướng đến đẩy mạnh phát triển mảng công nghệ, những đặc khu công nghệ cao được đầu tư mạnh mẽ hơn, đồng thời các quốc gia có thế mạnh về phát triển sản phẩm công nghệ như Nhật Bản, Singapore, Hong Kong... cũng bắt đầu tìm đến nguồn nhân lực có tiềm năng phát triển tại Việt Nam để giải quyết bài toán nhân lực của họ.

"Vì vậy, theo tôi, những năm tới sự dịch chuyển nguồn nhân lực sẽ rõ nét hơn từ mảng gia công phần mềm sang thiết kế sản phẩm công nghệ cao" - chị Phương Mai nói. 

 

Theo TTO