Ước mơ trở thành cán bộ Đoàn
Từ khi còn là một cậu bé tiểu học, tôi đã rất ngưỡng mộ những bạn cùng trang lứa được tham gia các hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong. Đến lúc học THCS, khi tôi được trở thành đoàn viên, tôi lại tiếp tục ngưỡng mộ những bạn là đoàn viên hoạt động tích cực, được vinh dự có tên trong Ban chấp hành Đoàn trường. Trong mắt tôi, những cán bộ Đội, Đoàn lúc ấy thật “oai”, lúc nào cũng năng động, nhiệt huyết, được tham gia và tổ chức nhiều hoạt động thật hay và bổ ích cho bạn bè của mình, lại còn được thân mật và gần gũi với thầy cô, được thầy cô và bạn bè quý mến.
Mặc dù ngưỡng mộ nhưng tôi cũng chỉ biết đứng từ xa xuýt xoa và ước gì một ngày mình cũng được vinh dự trở thành cán bộ Đoàn. Ước mơ lúc đó thật giản dị và trong sáng biết bao! Đến năm đầu tiên của cấp THPT, nhờ tính cách khá năng động và nhiệt huyết sẵn có, tôi may mắn được một người chị khóa trên giới thiệu trong phiên trù bị của Đại hội Đoàn trường nhiệm kỳ 2002 - 2004. Tôi không bao giờ quên được ngày hôm đó, là ngày tôi chính thức bén duyên với Đoàn, với một tư cách mới: cán bộ Đoàn.
Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Lê Duy (ngồi giữa) được rất nhiều bạn trẻ yêu mến và ngưỡng mộ NVCC |
Suốt 3 năm THPT, bên cạnh việc học tập khá căng thẳng để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH, tôi cũng tham gia tất cả các hoạt động của Đoàn trường với lòng yêu thích và hãnh diện khi được góp phần vào các hoạt động đó. Nhờ một số thành tích nhất định, tôi đã vinh dự được tín nhiệm bầu làm Phó bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Tiền Giang vào năm học lớp 12. Cùng với những cố gắng và nỗ lực của bản thân, tôi đã được vinh dự bước vào hàng ngũ của Đảng. Không biết phải diễn tả bằng từ ngữ nào để lột tả hết sự hạnh phúc và hãnh diện của tôi khi được kết nạp Đảng khi vừa bước sang tuổi 18. Lúc đó, tôi cảm thấy tự hào và tự cho rằng mình phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa vì đó chỉ là sự bắt đầu của một hành trình mới, với một vai trò mới.
Bước chân vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đạt điểm thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh, tôi có một áp lực là phải làm sao duy trì được phong độ học tập của mình. Tuy vậy, sự đam mê công tác Đoàn và phong trào thanh niên luôn chảy trong tôi và tôi cảm thấy nếu chỉ có học mà không được hoạt động Đoàn, tôi sẽ giống như chỉ nhảy lò cò bằng một chân vậy. Cũng có người bảo với tôi rằng, muốn học y giỏi thì đừng tham gia hoạt động Đoàn nữa. Cũng có một số người nghĩ là cán bộ Đoàn thường học “dốt”. Lúc đó, tôi tiếp tục theo đuổi hoạt động Đoàn với suy nghĩ đơn giản là để chứng minh cho mọi người thấy, Đoàn là nơi để rèn luyện và phát triển, để tốt hơn, chứ không phải để “dở” hơn.
Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Lê Duy |
Cái đạt được thì không thể đong đếm hết
Sau những năm tháng vừa học vừa hoạt động Đoàn tích cực, tôi cảm thấy hoạt động Đoàn giúp bản thân rèn luyện biết bao nhiêu kỹ năng, phát triển những tính cách tốt, giúp tôi khắc phục các điểm yếu của bản thân mình. Từ một cậu bé nhút nhát, hậu đậu, tôi đã dần trở nên dạn dĩ hơn, bản lĩnh hơn, hòa đồng hơn và tự tin hơn khi giao tiếp với thầy cô, bạn bè và cả những người xa lạ.
Hoạt động Đoàn giúp tôi biết cách quản lý thời gian tốt hơn, biết cách xoay xở để tự mình giải quyết những khó khăn phát sinh, giúp tôi có những người anh, người chị luôn giúp đỡ, chia sẻ và chỉ dạy cho mình để ngày càng hoàn thiện bản thân hơn. Tham gia hoạt động Đoàn, cái tôi mất chỉ là thời gian, còn cái tôi đạt được thì không thể đong đếm vì nó là sự trưởng thành của bản thân, cả về lý tưởng, đạo đức và những kỹ năng không một trường lớp nào có thể dạy được.
Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Lê Duy không chỉ rất giỏi chuyên môn mà còn năng nổ và nhiệt huyết với công tác Đoàn, các hoạt động vì cộng đồng |
Sau khi hoàn thành đề tài nghiên cứu sinh tại nước ngoài, tôi trở về Việt Nam để phục vụ tại ngôi trường nơi mình đã trưởng thành. Tiếp tục với vai trò cán bộ Đoàn, Bí thư Đoàn khoa Y, bằng những kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân, tôi luôn cố gắng để các hoạt động Đoàn của sinh viên khoa đi vào chiều sâu, không chỉ giúp các em hình thành lý tưởng sống đúng đắn, rèn luyện đạo đức, mà còn giúp các em phát triển những kỹ năng mềm, giúp các em phát triển toàn diện bản thân. Tất nhiên, điều chúng ta mong mỏi không phải lúc nào cũng đạt được 100%, nhưng có đi thì mới có thể đến được cái đích mà chúng ta đặt ra.
Tôi nghĩ rằng bất cứ việc gì, không chỉ riêng hoạt động Đoàn, chất lượng luôn quan trọng hơn số lượng. Do đó, bên cạnh sự đa dạng và phong phú về hình thức, hoạt động Đoàn cần phải đặt ra các mục tiêu về chất lượng, giúp thay đổi hay cải thiện những kỹ năng, nhận thức nào đó của đoàn viên và sự thay đổi đó cần được đánh giá sau mỗi hoạt động. Nếu chỉ chạy theo số lượng, hoạt động Đoàn sẽ vô hình trung tạo thêm áp lực cho chính các cán bộ Đoàn phải đạt cho được chỉ tiêu, và áp lực cho cả các đoàn viên khi phải tham gia đầy đủ các hoạt động mà không mang lại những hiệu quả thiết thực.
Hoạt động Đoàn nếu không có chiều sâu cũng dễ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm. Đoàn viên ngày nay khác xa thế hệ của tôi, các bạn có cơ hội tiếp cận nhiều nền văn hóa khác nhau, nhiều lối sống khác nhau, biết yêu thương bản thân hơn, đó là một điều rất tốt. Tuy nhiên, những hoạt động tuyên truyền chạy theo số lượng mà không có chiều sâu sẽ dẫn đến sự hiểu biết không đúng đắn về cách yêu thương bản thân quá mức, biến nó trở thành sự ích kỷ, tự mình co rút lại trong sự cô đơn do chính mình tạo ra, dẫn đến những rối loạn về cảm xúc, về tâm lý mà hậu quả là sự gia tăng của trầm cảm, của rối loạn lo âu trong đoàn viên, sinh viên.
Tôi nghĩ, tổ chức Đoàn cần thêm những hoạt động sâu sắc hơn, giúp đoàn viên có thể hiểu đúng để lựa chọn đúng cách sống vừa yêu thương bản thân mà vừa đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng, xã hội.
Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Lê Duy (bác sĩ tại phòng khám dị ứng và miễn dịch lâm sàng, giảng viên bộ môn sinh lý - sinh lý bệnh - miễn dịch của Trường ĐH Y Dược TP.HCM) vinh dự nhận giải thưởng Quả cầu vàng 2020 của T.Ư Đoàn; Thầy thuốc trẻ tiêu biểu Việt Nam 2020; Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2020. Anh là thủ khoa đầu vào năm 2005, top 10 thủ khoa đầu ra Trường ĐH Y Dược TP.HCM và là người Việt đầu tiên nằm trong Ban Chấp hành Tổ chức Dị ứng thế giới (WAO)... |
Theo TN