Từng bước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

(CTG) Trong hai năm trở lại đây khởi nghiệp được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, so với cả nước hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của Lạng Sơn còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ. Chính vì vậy, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã chú trọng nâng cao năng lực hệ sinh thái KNĐMST.

 

Gian hàng khởi nghiệp của thanh niên thành phố Lạng Sơn.

Ngày 14/8/2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 143 về việc hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST giai đoạn 2017 – 2020 với 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp: vận hành, duy trì trang thông tin KNĐMST của tỉnh; nâng cao năng lực hệ sinh thái KNĐMST; bố trí các địa điểm tư vấn, hỗ trợ KNĐMST; tổ chức và tham gia các sự kiện KNĐMST; xây dựng chương trình truyền thông về hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ KNĐMST.

Đầu năm 2019, trang thông tin điện tử KNĐMST tỉnh Lạng Sơn có địa chỉ http://startup.langson.gov.vn được đưa vào vận hành. Trang thông tin này được kết nối với trang thông tin điện tử KNĐMST quốc gia, do đó, ngoài tra cứu các thông tin KNĐMST của tỉnh, người dùng còn truy cập, tham khảo được các thông tin hữu ích về KNĐMST trên cả nước.

Ông Trần Hữu Đắc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho biết: Nâng cao hệ sinh thái KNĐMST, Sở KHCN đã phối hợp với Cục Phát triển thị trường, Bộ KHCN tổ chức tập huấn nâng cao năng lực hệ sinh thái KNĐMST cho gần 120 người gồm đại diện lãnh đạo sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội, UBND các huyện, thành phố… Khóa tập huấn tập trung vào các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái, chiến lược KNĐMST trong sự phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; kết nối các nhà đầu tư tiềm năng, mạo hiểm và quỹ hỗ trợ; chính sách hỗ trợ xây dựng phát triển, kết nối các ý tưởng, mô hình kinh doanh mới. Qua đó, đã cung cấp những thông tin cần thiết cho các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh về KNĐMST.

Thanh niên huyện Bình Gia khởi nghiệp từ mô hình sản xuất sản phẩm mây tre.

Các sở, ngành chủ động xây dựng đề xuất chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; phân công bộ phận chuyên môn tư vấn pháp lý, thành lập đường dây nóng giải đáp thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn, kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, thành lập bản tin hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Cùng với đó, một số ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động nâng cao hệ sinh thái như: tổ chức hơn 20 diễn đàn khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp… Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi ý tưởng KNĐMST với hàng chục ý tưởng tham gia. Qua đó, nhiều ý tưởng được hiện thực hóa tạo ra nguồn lợi nhuận cao, việc làm ổn định cho nhiều lao động.

Chị Vi Thị Viên, giáo viên Trường THPT Chi Lăng, huyện Chi Lăng – thành viên nhóm khởi nghiệp từ sản phẩm mật ong chanh rừng cho biết: Khi sản xuất thành công sản phẩm mật ong chanh rừng chúng tôi bắt đầu nghĩ đến việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm để khách hàng dễ dàng phân biệt. Nhờ được cán bộ Sở KHCN tư vấn, hướng dẫn, chúng tôi đang làm các thủ tục pháp lý.

Hằng năm, UBND tỉnh dành một phần ngân sách để hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST, trong 2 năm 2018, và 2019, kinh phí nâng cao năng lực hệ sinh thái khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra còn có nguồn lực xã hội hóa. Cùng đó, các chính sách, pháp luật, công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng… được các trang thông tin điện tử, Đài Phát thanh – Truyền hình, Báo Lạng Sơn thường xuyên tuyên truyền.

Để đẩy mạnh phong trào KNĐMST thời gian tới, các ngành chức năng sẽ tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho hệ sinh thái KNĐMST; kết nối giữa các doanh nghiệp, tổ chức và nhà khoa học; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, thông tin về thị trường, sở hữu trí tuệ; nghiên cứu các điều kiện thành lập khu vực làm việc chung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có tiềm năng phát triển hoạt động KNĐMST trên địa bàn tỉnh; tăng cường tổ chức các sự kiện, ngày hội KNĐMST nhằm thúc đẩy phong trào trên địa bàn tỉnh.

Theo Báo Lạng Sơn