|
Tập trung giải toả ách tắc giao thông
Theo Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị cho biết, đến sáng 7-10, cơ bản đã khắc phục được tình hình sạt lở để thông xe tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện A Lưới. Và từ A Lưới về Đakrông của Quảng Trị nhằm kịp thời cứu trợ cho người dân vùng lũ. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, những ngày qua, mưa lũ đã làm sạt lở tới trên 100 điểm với hơn 25.000m3 đất đá. Để tuyến đường giao thông huyết mạch qua địa bàn tỉnh có thể thông xe vào ngày 7 -10; hôm 6-10, ngay sau khi mưa ngớt Cty quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Trị đã điều động khoảng 200 công nhân cùng các phương tiện kỹ thuật ra hiện trường làm việc suốt ngày đêm.Còn Tổng công ty đường sắt Việt Nam thì thông báo: sẽ tập trung khắc phục những điểm hư hỏng với mục tiêu thông tàu bước 1 vào 24 giờ ngày 8 -10.
Sáng qua, mực nước các sông ở Thừa Thiên - Huế đang xuống những rất chậm. Theo thống kê, toàn tỉnh vẫn còn 1.450 nhà bị ngập, tập trung ở các huyện Phong Điền, Hương Trà và Quảng Điền.
Cứu trợ dân vùng lũ
Ngày 7-10, đại điện Bộ Y tế cho biết: Đã tiếp tục cấp thuốc, hóa chất và áo phao, phao tròn cho 5 Sở Y tế bị thiệt hại ảnh hưởng do bão lũ. Cụ thể: Sở Y tế tỉnh Nghệ An 20 cơ số thuốc, 100 áo phao; Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh 30 cơ số thuốc, 150 áo phao và 100 phao tròn; tỉnh Quảng Bình 30 cơ số thuốc, 150 áo phao và 100 phao tròn; tỉnh Quảng Trị 30 cơ số thuốc, 100 áo phao và 100 phao tròn; tỉnh Thừa Thiên Huế 20 cơ số thuốc và 100 áo phao. Ngoài ra, mỗi tỉnh trên còn được cấp phát thêm 100.000 viên CloraminB.
Nhằm chủ động khắc phục hậu quả bão lũ, Bộ cũng đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát lại những cơ sở y tế đang bị ngập lụt, bị ảnh hưởng do mưa bão; thống kê lại diện tích bị ngập lụt và những nơi có nguy cơ bị ô nhiễm môi trường để chủ động triển khai công tác khắc phục. UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, đến chiều 7-10, nhiều địa phương ở tỉnh này nước lũ đang rút rất chậm. Mấy hôm nay Hội Chữ thập đỏ của tỉnh huy động nhiều đoàn vận chuyển khoảng 3.000 thùng mỳ, 100 thùng nước uống tới các huyện xung yếu như Lệ Thuỷ, Minh Hoá và Tuyên Hoá. Ngành Y tế tổ chức các đoàn công tác với 50 cơ số thuốc, thiết bị y tế khác cho các huyện vùng lũ. Còn những đoàn công tác về cơ sở của ngành Y tế Quảng Bình cũng đem theo 2 tấn thuốc cloramin B và 100 cơ số thuốc các loại. Quảng Bình đã có 33 người chết vì lũ. Theo đó, mỗi người chết được tỉnh trợ cấp 2 triệu đồng để gia đình các nạn nhân có thêm điều kiện lo mai táng thân nhân của mình. Tại Thừa Thiên - Huế, tỉnh đã ra quyết định hỗ trợ kịp thời đối với các hộ có người chết, mất tích 4,5 triệu đồng/người; bị thương 1,5 triệu đồng/người; hộ có nhà sập hoặc bị nước cuốn trôi 6 triệu đồng/nhà. Tính đến ngày 7-10, đã có nhiều cơ quan, tổ chức ủng hộ cho đồng bào vùng lũ. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và toàn thể cán bộ VP Trung ương Đảng mỗi người ủng hộ ít nhất một ngày lương. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các Phó Thủ tướng và cán bộ nhân viên VP Chính phủ cũng đã quyên góp ủng hộ bà con miền Trung. Chiều ngày 7-10 MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức lễ phát động tiền ủng hộ đồng bào vùng bão lụt và đã nhận được sự ủng hộ của hàng trăm tổ chức cá nhân. Theo số liệu báo cáo nhanh đến thời điểm 17 giờ ngày 7-10, tỉnh đã nhận được trên 3,5 tỷ đồng tiền ủng hộ.
Trước đó ngày 6-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Chính phủ quyết định cấp 1.000 tấn gạo, 100 tỷ đồng để Hà Tĩnh thực hiện phân phát tới các hộ dân vùng ngập lũ.
Theo Đại Đoàn Kết