Vượt lên số phận

(CTG) “Chìa khóa thành công - Những câu chuyện thật của CEO” số thứ 7 sẽ lên sóng lúc 9h45 ngày 3/3/2019.

Quang cảnh chương trình.

Nhân vật chính của chương trình là CEO Nguyễn Tiến Dũng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái. Hai khách mời là ông Robert Trần - Giám đốc điều hành Tập đoàn Tư vấn Chiến lược RBNC phụ trách thị trường Bắc Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương và ông Phạm Đình Đoàn - Phó Chủ tịch Hội đồng TW các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Phú Thái Holdings.

CEO Nguyễn Tiến Dũng, nhân vật chính của chương trình số 7.

CEO Dũng là một người có máu kinh doanh bẩm sinh nuôi ước mơ làm giám đốc từ nhỏ. Lớn lên, sau khi tốt nghiệp một trường ĐH kinh doanh, anh xin về một doanh nghiệp và nhanh chóng được đề bạt lên giám đốc khu vực. Tuy nhiên do còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm nên chỉ một thời gian sau, anh thất bại thảm hại và bỏ về quê xin vào biên chế nhà nước.

Khách mời CEO Robert Trần - Giám đốc điều hành Tập đoàn Tư vấn Chiến lược RBNC phụ trách thị trường Bắc Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương

Sáu năm sau, khi kinh nghiệm và kiến thức tích luỹ được đã khá đầy đặn, cũng là lúc máu kinh doanh trong anh trỗi dậy mãnh liệt. Năm 2009, giữa lúc kinh tế khủng hoảng, “chân trong” nhà nước quý như vàng thì anh lại nộp đơn xin rút khỏi biên chế để đi tìm việc từ đầu. Đọc báo thấy thông tin tuyển dụng của một công ty khai thác và chế biến bột talc (nguyên liệu quý để sản xuất phấn rôm và phụ gia ngành nhựa). Anh nộp đơn và được tuyển vào phòng Tổ chức - Hành chính. Với kiến thức, năng lực đã tích luỹ được, anh nhanh chóng được bổ nhiệm làm giám đốc nhà máy chế biến ở Hoà Bình, rồi Tổng giám đốc công ty.

Khách mời CEO Phạm Đình Đoàn - Phó Chủ tịch Hội đồng TW các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Phú Thái Holdings.

Dưới bàn tay chèo lái của anh, công ty làm ăn vô cùng phát đạt. Trong thời kỳ suy thoái 2009, 2010 doanh số công ty vẫn đạt trên 70 tỷ /năm. Lợi nhuận ròng đạt 50-51%. Đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh Hoà Bình.

Trên đà thắng lợi đầu năm 2011, khi nhận được thông tin từ Liên đoàn Địa chất Tây Bắc về việc phát hiện được mỏ talc ở Hoà Bình. HĐQT công ty lập tức ra nghị quyết làm dự án xin khai thác mỏ, đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc để tự khai thác, khép kín chu trình sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, sau khi vay ngân hàng hàng chục tỷ đồng để đầu tư vào khai thác, hiệu quả lại không như doanh nghiệp mong đợi. Mỏ talc đầu tiên ở Hoà Bình trữ lượng thấp, chất lượng ngày càng đi xuống. Khai thác mỏ thứ 2 thì không có talc. Doanh nghiệp quyết định dừng khai thác lại để tiến hành khảo sát, kết quả thê thảm: Tất cả các mỏ talc ở Hoà Bình đều không đủ hàm lượng để khai thác thương mại.

Máy móc, thiết bị “đắp chiếu nằm chờ”, công nhân không có việc làm, hàng chục tỷ vay ngân hàng không có tiền trả lãi, doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, các cổ đông lần lượt bán tháo cổ phần với giá 3.500 đồng. CEO kiên cường một mình chèo chống, tìm cách đáo hạn, trả nợ ngân hàng. Nhưng thật phũ phàng, HĐQT quay ra tìm giám đốc điều hành mới. CEO một lần nữa khăn gói về quê khi đã trung tuổi, để lại sau lưng giấc mơ giám đốc thuở nào.

Thật bất ngờ, ba tháng sau cơ hội làm giám đốc một lần nữa lại đến với CEO. Chủ nhân mới vừa thu mua công ty khai thác - chế biến bột talc cũ mời anh quay lại điều hành công ty. Sau nhiều trăn trở, đắn đo, CEO quyết định quay lại, đồng thời mua 15% cổ phần doanh nghiệp để thoát kiếp làm thuê.

Ngay lập tức, với sự ủng hộ tối đa của chủ tịch HĐQT mới, anh một mặt khoanh nợ, giãn nợ ngân hàng, tái cấu trúc doanh nghiệp, cắt giảm chi phí, đẩy mạnh khai thác mỏ cũ, ổn định lại hoạt động. Một mặt tiến hành tìm kiếm mỏ mới nhằm mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, mỏ mới mãi chưa thấy đâu, mỏ cũ trữ lượng ngày càng giảm.

Theo TTXVN