Xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội

(CTG) Tận dụng sự phát triển của mạng xã hội, nhiều người trẻ đã xây dựng thương hiệu cá nhân từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây được xem là lợi thế rất lớn cho người trẻ trong quá trình tìm kiếm cơ hội việc làm sau này.

Mở ra nhiều cơ hội

21 tuổi, hành trang có được của Lê Văn Phúc, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, trưởng nhóm tình nguyện Fly to Sky, là những thành tích như: Giải thưởng Tình nguyện quốc gia (nhận giải khi 17 tuổi, năm 2019); Ủy viên Ban Thường trực Mạng lưới Tình nguyện quốc gia trẻ nhất từ trước đến nay…

Xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội  - Ảnh 1.

Phạm Hoàng Oanh luôn xây dựng thương hiệu cho bản thân là một du học sinh năng động, học giỏi và đầy năng lượng tích cực. NVCC

Với vai trò trưởng nhóm tình nguyện, Phúc biết rằng hành trình phát triển thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội cũng chính là hành trình lan tỏa những giá trị tình nguyện đến nhiều người, cũng như nhận được sự ủng hộ của nhà hảo tâm cho các hoạt động tình nguyện và góp phần nâng cao uy tín của bản thân.

Phúc nói: "Mình thường xuyên chia sẻ hình ảnh, câu chuyện của các hoạt động tình nguyện lên mạng xã hội, qua đó cũng được nhiều người biết đến, báo chí cũng quan tâm và đưa tin, từ đó mình có thể xây dựng hình ảnh cho bản thân, lan tỏa, truyền cảm hứng phần nào cho cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ".

Là sinh viên, Phúc cảm thấy việc xây dựng thương hiệu trên mạng xã hội là nền tảng quan trọng để sau khi ra trường, ứng tuyển vào các cơ quan, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng có thể đánh giá được bản thân người ứng tuyển.

Phúc chia sẻ: "Qua việc xây dựng hình ảnh là chàng sinh viên hết lòng với hoạt động tình nguyện trên mạng xã hội, mình nhận được lời mời tham dự các hội nghị, hoạt động của Đoàn - Hội, tổ chức thiện nguyện, được giới thiệu tham gia các lớp học, được tặng học bổng…".

Xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội  - Ảnh 2.

Anh Thế Anh rất xem trọng việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội. NVCC

Võ Lập Phúc, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đồng thời là thủ khoa toàn quốc khối D14 năm 2020, cho biết quá trình xây dựng thương hiệu giúp anh chàng hiểu rõ hơn về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân; tự tin, hành động bản lĩnh và lĩnh hội công việc trách nhiệm hơn, cũng như mở rộng mối quan hệ, dám khẳng định giá trị của bản thân mình.

Lập Phúc xây dựng thương hiệu cá nhân ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường thông qua các chương trình giao lưu sinh viên quốc tế, hoạt động ngoại khóa, học bổng, danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp T.Ư. Qua các hoạt động tham gia, Phúc lan tỏa hình ảnh chàng trai năng động, giỏi giang và yêu thích hoạt động cộng đồng.

"Trên mạng xã hội, mình xây dựng hình ảnh và ngôn từ một cách chỉn chu. Nhờ mạng xã hội, mình được nhiều người biết đến, tạo cơ hội giúp mình tham gia nhiều hoạt động giao lưu quốc tế, mở rộng mối quan hệ, tự tin, năng động, rèn luyện kiến thức cho bản thân và có việc làm kiếm thêm thu nhập trang trải đời sống sinh viên", Lập Phúc bày tỏ.

Định hình phong cách cá nhân trên mạng xã hội

Là người học về marketing nên nghiên cứu sinh Phan Thế Anh (34 tuổi), giảng viên Trường ĐH Quốc tế miền Đông, rất xem trọng việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội. Hành trình xây dựng thương hiệu của anh Thế Anh bắt đầu từ việc chia sẻ những kiến thức về du lịch, văn hóa, ẩm thực trên mạng xã hội từ nhiều năm trước.

"Mình tập trung khai thác điểm mạnh, điều mình thích… để những người cùng "tần số" có thể bắt sóng mà bấm nút theo dõi. Mình luôn quan niệm chậm mà chắc. Thời gian đầu mình gặp khó khăn về kinh phí vì đặc thù chia sẻ kiến thức ở mảng du lịch nên phải đi nhiều nơi để trải nghiệm và cân bằng thời gian với việc học", anh Thế Anh kể.

Xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội  - Ảnh 3.

Người trẻ tận dụng mạng xã hội để xây dựng thương hiệu cá nhân từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Phúc Kha

Bắt đầu đăng tải video lên TikTok từ năm 2021, ban đầu Phạm Hoàng Oanh, sinh viên Trường ĐH Soongsil (Hàn Quốc), chỉ nghĩ đơn giản đó là việc chia sẻ những khoảnh khắc trong cuộc sống với cộng đồng mạng như một niềm vui. Thời gian sau, khi nhận được sự chú ý, yêu thích của cộng đồng mạng, Oanh mới nhận thức được việc bản thân cần xây dựng thương hiệu cá nhân.

"Thương hiệu cá nhân cho phép mình được thể hiện cá tính, giá trị và niềm đam mê của bản thân. Giúp mình làm quen và gặp gỡ những người bạn có sự tương đồng về nhiều mặt, cụ thể là chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn cá nhân trong quá trình du học tại Hàn Quốc. Qua những video của mình sẽ giúp các bạn hiểu thêm về cuộc sống của du học sinh. Ngoài ra, mình còn được học hỏi, tiếp nhận thêm các ý kiến để hoàn thiện bản thân từ những bạn đồng trang lứa cùng hoạt động trên mạng xã hội", Oanh chia sẻ.

Oanh cho biết lựa chọn TikTok để phát triển thương hiệu cá nhân vì dễ lên xu hướng hơn các nền tảng khác. Oanh phải mất đến 4 tháng để tìm được hướng đi lâu dài trong việc định hình phong cách cá nhân trên mạng xã hội.

Bản thân phải ngày một tiến bộ hơn

Nghiên cứu sinh Thế Anh cho biết xây dựng thương hiệu giống như việc… làm nghiên cứu khoa học, phải biết tìm hiểu thông tin từ nguồn đáng tin cậy, phát ngôn lịch sự, lời lẽ chỉn chu để tạo được uy tín.

"Mình vẫn nói với sinh viên là nên bắt đầu xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội, đặt biệt là những nền tảng mới. Khi xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội, các nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào kiến thức bạn truyền tải, sức ảnh hưởng và sự chuyên nghiệp… để quyết định xem có chọn bạn hay không. Hiện tại, giữa số lượng sinh viên tốt nghiệp rất đông mỗi năm, sự chuyên nghiệp và sức ảnh hưởng trên mạng xã hội luôn tạo được sức hút cho các công ty", anh Thế Anh nói.

Du học sinh Hoàng Oanh thì cho biết trong quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân phải học hỏi liên tục, không ngừng trau dồi kiến thức để ngày một tiến bộ hơn.

"Để xây dựng thương hiệu trên mạng xã hội đầu tiên phải xác định rõ những điểm độc đáo của bản thân, đó có thể là kiến thức chuyên môn, một kỹ năng đặc biệt hoặc góc nhìn cá nhân sắc bén về các vấn đề… Tiếp theo là xác định rõ mục tiêu muốn đạt được với thương hiệu cá nhân của mình, như: tăng cường uy tín, chia sẻ kiến thức, tìm kiếm cơ hội công việc… Chọn những nền tảng mạng xã hội phù hợp, ví dụ LinkedIn thường dùng cho mục tiêu nghề nghiệp, còn Instagram hoặc TikTok cho việc chia sẻ hình ảnh và video", Oanh chỉ ra.

Theo TN