Xu hướng mua sắm Tết của người trẻ

CTG - Không chỉ mua sắm cho bản thân, mỗi dịp Tết đến, người trẻ lại tìm mua những món quà về biếu bố mẹ để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn với đấng sinh thành ra mình

Bày tỏ tấm lòng qua những món quà Tết

Quà Tết cho bố mẹ và người thân không chỉ là đơn thuần là gửi tặng những món quà về vật chất, mà còn ẩn chứa trong đó là tình cảm, sự trân trọng trong các mối quan hệ.

Chị Vũ Hiển Giang (25 tuổi) chia sẻ: “Do lương tháng của mình cũng khá rủng rỉnh nên năm nay mình đặt mua thịt trâu gác bếp, đặc sản của Tây Bắc và giò chả Ước lễ ở Hà Nội để mang về quê ăn Tết cùng cả nhà. Ngoài ra, bố mình thích cây cảnh nên mình dự định sẽ mua 1 chậu mai vàng thật đẹp cho ông cụ. Bên cạnh đó, mình sẽ sắm áo dài cho mẹ để bà mặc đi chơi Tết”.

Nếu như các bạn trẻ đã đi làm lựa chọn những món quà đắt tiền thì sinh viên lại ưu tiên giỏ quà tặng mang thương hiệu Việt, bởi giá thành hợp lý, chất lượng cũng không thua kém gì hàng nhập khẩu.

 Người tiêu dùng ưu tiên các mặt hàng có giá cả phải chăng
Người tiêu dùng ưu tiên các mặt hàng có giá cả phải chăng

Bạn Hoàng Giang, sinh viên năm thứ 4, Học viện Ngân hàng cho biết: “Mình thường chọn những những giỏ quà có mẫu mã đơn giản, giá thành hợp lý, tuy nhiên cũng phải lịch sự và phù hợp. Vì đó là đồ biếu, tặng nên cần có giao diện bề ngoài hài hoà và bên trong chất lượng để người nhận quà cảm thấy được tôn trọng”.

Không chỉ mua giỏ quà, nhiều bạn trẻ đã tìm đến những chiếc áo dài cổ truyền, hay đơn giản là những chiếc áo khoác mùa Đông hàng Việt Nam để tặng bố mẹ. Dù món quà chỉ có giá trị vài trăm nghìn nhưng đối với bố mẹ, vật chất không quan trọng bằng tình cảm của con cái đối với đấng sinh thành.

Giỏ quà Tết hút khách
Giỏ quà Tết hút khách

Hiện đại kết hợp với truyền thống

Bên cạnh việc mua quà Tết biếu bố mẹ, gen Z cũng tự mua sắm cho bản thân những thứ đồ yêu thích nhân dịp năm mới.

Trong những năm gần đây, xu hướng mua đồ cho dịp Tết của người trẻ đã có những thay đổi đáng kể. Thay vì tập trung vào việc sắm hàng truyền thống như áo dài, giày dép, mỹ phẩm… người trẻ hiện nay chú trọng đến việc “tậu” các sản phẩm công nghệ, trải nghiệm du lịch và sắm Tết online.

Bạn Nguyễn Minh Anh, sinh viên năm thứ 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Tết năm nào mình cũng mua quà Tết về cho bố mẹ, năm nay mình đã lên trang web, fanpage của các nhãn hàng để săn sale. Đợt này, mình canh từ sớm nên đã mua được cho cả nhà set áo dài gia đình du xuân với giá rẻ. Không chỉ mua quần áo, các mặt hàng Tết từ đồ trang trí đến thực phẩm mình đều lên web, fanpage để tìm hiểu giá và đặt trên mạng, ship đến tận nhà. Tết với nhà mình không còn tất bật phải đi mua sắm như những năm trước nữa”.

Nhiều bạn trẻ mua sắm các thiết bị để ghi lại những khoănhr khắc đáng nhớ khi đi du lịch dịp Tết Nguyên đán
Nhiều bạn trẻ mua sắm các thiết bị để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ khi đi du lịch dịp Tết Nguyên đán (ảnh minh hoạ)

Là người ưa xê dịch, bạn Văn Gia Linh (20 tuổi) chia sẻ câu chuyện của bản thân: “Mình là người đơn giản nên không mua quần áo mới hay sắm gì cho bản thân. Mình chỉ mua quà cho bố mẹ và tậu cho bản thân những thứ sẽ ghi lại sự trải nghiệm ở vùng đất mới lạ. Tết này mình đã xin phép bố mẹ cho mình đi du lịch cùng bạn bè. Vì thế mình đã tìm mua máy ảnh, giá đỡ 3 chân và các thiết bị đi kèm để có được những hình ảnh và clip thật đáng nhớ”.

Ở một góc độ khác, Nguyễn Văn Minh ở quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng: “Mình vừa sắm đồ công nghệ để đi du lịch trải nghiệm dịp Tết nhưng mình cũng không quên mua cho bản thân 1 chiếc áo dài cách tân để có thể chụp ảnh trên những cung đường mùa xuân. Sẽ rất thú vị nếu trong những bức ảnh phượt ở các vùng miền có màu sắc của áo dài truyền thống”.

Có thể thấy, dù ở góc độ nào, đón Tết với gia đình hay xa nhà thì các bạn trẻ luôn thể hiện tình cảm, sự biết ơn với đấng sinh thành ra mình. Bên cạnh đó là sự dịch chuyển xu hướng mua sắm Tết của người trẻ, dù xã hội phát triển, hiện đại đến đâu thì gen Z vẫn trân trọng, gìn giữ giá trị văn hoá truyền thống.

Theo Tuoitre