Y, bác sĩ sáng tạo chống dịch

(CTG) Để bảo vệ sức khỏe bệnh nhân và chính mình trước đại dịch COVID-19, các y, bác sĩ đã có những sáng tạo sản xuất khẩu trang, làm mũ ngăn giọt bắn…

Y, bác sĩ BV Thống Nhất tại “xưởng” sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn Ảnh: U.P

Vì sức khỏe bệnh nhân

Được BS Đoàn Xuân Quảng, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn Bệnh viện (BV) Thống Nhất dẫn vào “xưởng”, chúng tôi khá bất ngờ khi thấy thợ cắt may, dập khuôn đều đang khoác áo blouse. “Mặc dù đều tay ngang nhưng chúng tôi làm không thua bất cứ thợ lành nghề nào nhé! Các công đoạn từ chế tác khuôn, cắt vải, dập ép, khử khuẩn… đều gắn mác blouse-made (bác sĩ làm)” - BS Quảng hóm hỉnh.

Làm khẩu trang vải không khó, nhưng làm cách nào để trong thời gian gia công ngắn nhất lại cho sản lượng nhiều nhất mới là điều khó. Vì vậy, các bác sĩ BV Thống Nhất phải tìm đọc nhiều tài liệu về khẩu trang, rồi thử nghiệm làm mô hình khuôn khẩu trang truyền thống, sau đó cân đo từng centimet để tạo ra khuôn riêng cho BV Thống Nhất. Tất cả đều phải được tính toát chi li từng chi tiết. Điểm cộng sản phẩm là không cần may nhiều lần, cũng không cần phải luồn dây đeo mà đều tích hợp trong một lần dập khuôn. Vải để may khẩu trang là vải kháng khuẩn. Để có được nguồn hàng vải chất lượng ưng ý, phòng Trang thiết bị BV phải liên hệ nhiều nơi, cuối cùng chọn được nguồn vải từ Long An.

BS Nguyễn Vĩnh Phước, Trưởng khoa Tai mũi họng BV Thống Nhất - “chủ xị” dự án bộc bạch: “Ngay từ đầu khi có dịch COVID-19, lãnh đạo BV đã chỉ đạo tập thể y bác sĩ phải nghĩ đến tình huống xấu nhất khi không có khẩu trang. Suốt 2 tháng liền, chúng tôi đã suy nghĩ, thiết kế ra mẫu khẩu trang vải kháng khuẩn nhưng không cần may, chỉ cần đưa vải vào máy dập là có liền 15 cái chỉ trong vài giây”.

Sau khi sắp vải ngay ngắn vào khuôn, đặt lên trên một tấm giấy rồi đưa vào máy dập, trong tích tắc, 15 chiếc khẩu trang “ra lò”. Sau đó khẩu trang được chuyền qua bộ phận ép nhiệt là hoàn thành. Cuối cùng, sản phẩm sẽ được BS Đoàn Xuân Quảng đưa vào hấp sấy, triệt khuẩn theo đúng chuẩn của Bộ Y tế rồi mới “cấp phép” lưu hành.

Những ngày đầu công suất đạt từ 2.500-3.000 cái/ngày. Khẩu trang sẽ được sử dụng nội bộ, những nhân viên y tế vòng ngoài và tặng bệnh nhân và những bệnh viện bạn có nhu cầu. “Tập thể y bác sĩ BV Thống Nhất đã tìm tòi, sáng tạo ra máy rửa tay tự động thông minh và được sử dụng rộng rãi. Ước mong của chúng tôi là bệnh nhân đến thăm khám yên tâm khi có thêm nhiều dụng cụ phòng chống COVID-19, được bảo vệ sức khỏe”, BS Phước nói thêm.

Ðảm bảo an toàn cho y, bác sĩ

Tranh thủ những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi, y bác sĩ của BV Chợ Rẫy, Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 1, Thống Nhất… lại cắt cắt dán dán, làm những chiếc nón kính ngăn giọt bắn phòng COVID-19.

Nguyên liệu làm nón kính khá đơn giản, rẻ tiền. Trước tiên dùng những miếng nhựa, mica trong suốt (loại dùng để đóng bìa ngoài của sách), cắt tạo dáng. Sau đó, dùng thêm một miếng xốp và mút đệm để làm vòng đeo lên đầu, giúp tấm kính không áp sát quá vào mặt, nâng đỡ mũi, hạn chế hơi ẩm do hơi thở. Cuối cùng dùng kim bấm cố định các vị trí. Nón kính bảo hộ có giá cực mềm, chỉ 4.000-5.000 đồng/cái.

Theo BS Nguyễn Cát Phương Vũ, BV Nhi đồng Thành phố, khẩu trang không che được mắt và cổ, trong khi nón này diện tích lớn nên che chắn rộng hơn. Chất liệu mica và xốp nên đeo rất nhẹ nhàng, thoải mái, ngăn giọt bắn hiệu quả khi nói chuyện. BS Vũ cho rằng, phần lớn bệnh nhi đi khám bệnh hay khóc la, có thể nôn ói khi bác sĩ khám họng. Do đó nón không chỉ có tác dụng phòng dịch hiện nay mà có thể sử dụng lâu dài sau này, đặc biệt là các y bác sĩ ở các khoa nhiều nguy cơ như: Cấp cứu, Khám bệnh, Hồi sức tích cực, Chống độc...

Mới đây, các cán bộ phòng Nghiên cứu khoa học BV Chợ Rẫy đã tự tay làm 100 nón kính bảo hộ ngăn giọt bắn để tặng các y bác sĩ, nhân viên y tế các khoa phòng thuộc BV. Ngoài ra, BV còn quay clip hướng dẫn tỉ mỉ các công đoạn để mọi người tự thực hành dễ dàng. Theo BS BV Chợ Rẫy, nón kính có tác dụng ngăn giọt bắn từ nước bọt, dịch tiết hô hấp khi ho, hắt hơi… Người dùng đeo khẩu trang y tế bên trong, mũ bảo hộ bên ngoài để đảm bảo an toàn trong điều kiện tiếp xúc với nhiều người bệnh mỗi ngày.

Các BS hướng dẫn, nón sau khi sử dụng có thể vệ sinh bằng cách dùng khăn tẩm cồn lau nhẹ mặt kính. Nếu cơ sở y tế có đèn tia cực tím thì ban ngày dùng nón, ban đêm chiếu đèn 1 giờ càng tốt. Khi miếng mica trong mờ đi thì thay mới.

Học theo y, bác sĩ, nhiều người dân tại TPHCM đã tự làm những chiếc nón kính bảo hộ để dùng khi đến nơi công cộng như chợ, siêu thị… kèm với khẩu trang vải bên trong để tránh các giọt bắn, phòng, chống COVID-19.

Tranh thủ giờ nghỉ, y bác sĩ BV Chợ Rẫy tự làm nón kính chống dịch để tặng nhau. Ảnh: BVCR

Theo TPO