10 giải pháp sáng tạo công nghệ cho cuộc sống

(CTG) Với chủ đề “Sáng tạo công nghệ cho cuộc sống hàng ngày”, Cuộc thi sáng chế năm 2018 đã nhận được 212 hồ sơ dự thi, từ 40 tỉnh thành phố trong cả nước. Ban Tổ chức đã chọn ra 10 giải pháp xuất sắc vào vòng thi chung khảo.

 

Thiết bị cảnh báo các đoạn đường ngập nước tham gia cuộc thi.

Giải pháp Phương pháp và hệ thống thiết bị sản xuất hỗn hợp C60 – C70 Fullerene của Trịnh Đình Năng (Vĩnh Phúc) có thể tận dụng các loại chất thải từ tổng hợp nông nghiệp có hàm lượng cacbon cao như vỏ trấu, sọ dừa, vỏ tơ của hạt cà phê, lông vũ, cùi ngô… để tổng hợp ra sản phẩm hỗn hơp C60 - C70 fullerene là vật liệu có giá trị rất cao phục vụ cho nhiều lĩnh vực kỹ thuật cao.

Giải pháp Quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt của Trần Kim Quy (TPHCM), có thể sử dụng các rác thải sinh hoạt đô thị và nông thôn làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ. Các chủng vi sinh vật dùng để nhân giống, lên men sản xuất ra các chế phẩm vi sinh đều được phân lập tuyển chọn trong đất...

Giải pháp Hỗn hợp dược liệu chăm sóc tóc, lông và chế phẩm chứa hỗn hợp này của Nguyễn Hữu Thắng (Hà Nội) được kỳ vọng mang đến các sản phẩm dầu gội chăm sóc, làm đẹp mái tóc mới và hiệu quả.

Giải pháp Hệ thống thu thập, quản lý thông tin bệnh tật, khám bệnh, chữa bệnh của Vũ Văn Anh (Hà Nội) được thiết kế bao phủ theo quy mô từ cấp nhỏ nhất đến toàn quốc và có tính đệ quy cho phép mở rộng kết nối một chiều hoặc nhiều quốc gia để trao đổi thông tin, tình hình bệnh tật…

Giải pháp Thiết bị cảnh báo lũ từ xa sử dụng tín hiệu pháp hiệu, cảnh báo cho các đoạn đường ngập nước của Nguyễn Đức Thành (Bắc Giang) nhằm cảnh báo nhanh nhất, nhiều người được biết nhất cho bà con tại nơi xảy ra lũ và khu vực xung quanh trên các đoạn đường…

Giải pháp Thiết bị phát sáng đeo tay và phương pháp điều khiển của Phạm Huỳnh Phong (TPHCM) đề cập đến thiết bị phát sáng đeo tay dùng để cảnh báo an toàn, cổ vũ, và trình diễn ánh sáng, cũng như phương pháp điều khiển thiết bị này.

Giải pháp Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển của Hoàng Đức Thảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất các giải pháp cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông hồ và đê biển được đúc thành từng môđun (đốt) thay thế các phương pháp truyền thống; được lắp đặt vùng xa bờ, nơi chịu áp lực của sóng, gió và dòng chảy tác động trực tiếp lên cấu kiện.

Giải pháp Chậu tự động cung cấp nước cho quy trình tưới cho cây của nhóm tác giả Nguyễn Vĩnh Phúc - Nguyễn Vĩnh Sơn (TPHCM) giúp trồng cây xanh trong nhà, trong khuôn viên… và cũng có thể có những bữa ăn rau sạch do tự mình trồng, kiểm soát, không cần phải lo lắng việc thức ăn có nhiễm chất độc hại.

Giải pháp Đập mở chặn thủy triều và giữ nước sông của Hoàng Ngọc Kỷ (TPHCM) nhằm ngăn chặn thủy triều và giữ nước sông tại các khu vực bị ảnh hưởng của triều cường, giữ nước sông để phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu và một số mục đích khác của người dân.

Giải pháp Hệ thống hộp thép mạ kẽm bọc nhựa PVC chứa đá học liên kết dạng bậc so le bảo vệ mái hạ lưu đập đá đồ giảm lũ quét và bùn đá của Nguyễn Ngọc Quỳnh (Hà Nội) ứng dụng trong việc xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển.

Lễ trao giải diễn ra tối 25/4, tại Hà Nội. Cuộc thi Sáng chế được Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Sở hữu trí tuệ là Cơ quan thường trực) chủ trì, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) tổ chức thường niên.

Theo TP