12 năm trăn trở tìm phương pháp truyền hứng thú môn giáo dục công dân cho học sinh

(CTG) Nhận thức được sức ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với mọi mặt xã hội, với tâm niệm khơi dậy hứng thú, truyền đạt tri thức về đạo đức, ứng xử cho học sinh thông qua bộ môn giáo dục công dân, cô giáo Võ Thị Như Thùy (SN 1985, Trường THPT Tân An, Thành phố Tân An, tỉnh Long An) đã tích cực ứng dụng công nghệ, đổi mới cách thức giảng dạy để mang lại kết quả tích cực.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những thay đổi không ngừng về mặt xã hội và giáo dục cũng không ngoại lệ. Internet hay trí tuệ nhân tạo có thể thay người thầy trong việc cung cấp những hiểu biết khoa học. Robot trí tuệ nhân tạo có thể thay người thầy đứng lớp giảng dạy, có thể ghi bảng, có thể truyền thụ nhiều kiến thức chuẩn xác … Điều này giúp cho người học tiếp nhận tri thức nhanh chóng hơn, và việc học không còn giới hạn không gian hay thời gian. Đặc biệt là trong đại dịch Covid vừa qua, học sinh ngừng đến trường nhưng không ngừng việc học thông qua công cụ học trực tuyến trên nền tảng internet là một minh chứng đầy thuyết phục, nhưng liệu rằng công nghệ có không giữ vai trò chủ đạo trong quá trình dạy và học?

Cô Võ Thị Như Thùy (áo dài xanh) trao thưởng cho các học sinh có thành tích xuất sắc

Những năm gần đây một thực tế đáng suy ngẫm, ở các trường trung học phổ thông (THPT) học sinh lại tỏ ra không thích học các môn xã hội nói chung, môn giáo dục công dân (GDCD) nói riêng, thậm chí xem GDCD là môn có 3K. 3K đó là: KHÓ – KHÔ – KHỔ, một môn không cần học. Vậy giáo viên dạy môn GDCD làm thế nào để học sinh có hứng thú, yêu thích môn GDCD? Đó là điều cô Thùy luôn trăn trở và không ngừng tìm kiếm câu trả lời. 

Bản thân cô nhận ra rằng việc dạy học bằng phương pháp truyền đạt những kiến thức theo phương pháp truyền thống thôi thì chưa đủ mà cần phải dạy học sao cho học sinh hứng thú, cho học sinh được tự trải nghiệm, chủ động tìm hiểu, lĩnh hội kiến thức, năng động trong việc tiếp nhận thông tin, làm chủ kiến thức và sáng tạo hơn trong việc xử lý, ứng dụng kiến thức vào trong cuộc sống hàng ngày… Điều này còn góp phần rèn luyện cho học sinh năng lực tự học, sử dụng công nghệ, khả năng sáng tạo …. qua đó còn giáo dục ý thức trách nhiệm, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng và những phẩm chất tiêu biểu của công dân toàn cầu trong xu thế phát triển, đổi mới, sáng tạo của thời đại. Những điều đó đúng theo thông tư 32 về đổi mới chương trình giáo dục phổ 2018 của Bộ giáo dục và đào tạo.

Nghĩ là làm. Trong mỗi năm học qua cô đã ứng dụng và thay đổi từng chút một. 

Trước tiên, cô phải tự nâng cấp bản thân mình. Thông qua việc học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham gia các diễn đàn, nghiên cứu tự tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh, tìm hiểu và ứng dụng công nghệ vào dạy học. 

Kế đến, cô chia sẻ với học sinh để các em có cái nhìn đúng đắn về môn học. Vì sao môn GDCD được nhiều người phong tặng “thương hiệu” là một môn 3K: KHÓ – KHÔ – KHỔ. Nhận định đó là của một số người nhưng với nhiều người và kể cả bản thân cô thì nhận ra môn học này có không chỉ có 3K mà là 4K. 4K đó là: KIẾN THỨC – KỸ NĂNG – KINH NGHIỆM và KỸ THUẬT. Trong quá trình dạy học, với phương pháp giảng dạy của mình, cô chứng minh cho học sinh thấy 4K đó rõ ràng hơn.

Xuất phát từ những điều trên, những năm qua trong quá trình giảng dạy môn GDCD ở trường THPT Tân An, cô đã ứng dụng công nghệ vào phục vụ việc giảng dạy. Cụ thể như: dùng máy tính hoặc điện thoại thông minh sử dụng Internet hiệu quả để tìm kiếm, thu thập thông tin để hoàn thành các nhiệm vụ học tập môn GDCD; Tham gia các lớp học online hay khai thác thông tin, tìm kiếm thông tin hữu ích; Biết sử dụng và rèn luyện kỹ năng bản thân về sử dụng các phần mềm, công cụ công nghệ như Microsoft Office Word, Microsoft Office Powerpoint, các ứng dụng trực tuyến… để hoàn thành nhiệm vụ học tập không chỉ môn GDCD mà còn nhiều môn khác; Thể hiện ý tưởng sáng tạo, quan điểm của cá nhân; Hợp tác với bạn bè trong nhóm, trong lớp để hoàn thành các nhiệm vụ học tập với sự trợ giúp của công nghệ; Rèn luyện học sinh kỹ năng làm CV – Lý lịch cá nhân; Định hướng cho học sinh tự trang bị những kỹ năng cần thiết, không ngừng tự học nâng cấp bản thân và hoàn thiện CV của mình đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng từ lúc còn là sinh học sinh, sinh viên. 

Luôn tâm niệm: "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", cô không ngừng rèn luyện bản thân tìm những phương pháp mới để “khuấy động”, “tăng nhiệt” hay tạo lửa… cho bài dạy không nhàm chán, cho việc dạy học hiệu quả hơn và hơn hết là truyển cảm hứng cho khán giả của cô những học trò yêu thương những điều thiết thực và hữu ích. Cô đã, đang và sẽ  “cháy” hết khả năng mình với nghề giáo mà cô đã chọn. “Tôi cũng hy vọng với những trải nghiệm của mình có thể giúp ích cho đồng nghiệp của mình có thể tỏa sáng trên “sân khấu” bục giảng và cũng góp phần xóa bỏ quan niệm “chuột chạy cùng xào mới vào sư phạm” - cô Thùy chia sẻ.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.

Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19.