26 năm bền bỉ thay đổi tư duy “thầy đọc, trò chép” ở mảnh đất bom đạn Tân Biên

(CTG) Với 26 năm gắn bó, có thể nói cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 1970, trường tiểu học thị trấn Tân Biên) đã dành trọn quãng thời gian thanh xuân để góp phần cho công cuộc xóa bỏ tư duy “thầy đọc, trò chép”, phát triển ngành giáo dục địa phương, góp phần cho mảnh đất đạn bom khi xưa thay da, đổi thịt.

Dù biết nghề dạy học có nhiều gian nan vất vả, song không vì thế mà cô Hằng nản bước. Nghề dạy học không đem lại cho cô nguồn thu nhập lớn nhưng cô chưa bao giờ lấy đó làm thước đo cuộc sống. 

Sau thời gian được học tập ở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh, cô được tuyển dụng và bổ nhiệm về Trường Tiểu học Thạnh Trung rồi chuyển về trường TH Thị Trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đến nay đã 26 năm công tác. Từ những ngày đầu bước chân vào trường với nhiều bỡ ngỡ và lạ lẫm, mọi thứ đối với cô đều mới mẻ. Cô Hằng chập chững bước đi từng bước vì chưa biết phải dạy thế nào, sử dụng phương pháp dạy học nào cho phù hợp, hiệu quả. Mọi thứ đều phải học, từ cách viết bảng, cách giảng bài, làm sao để tiết học luôn sinh động lôi cuốn học sinh. Ngôi trường Thạnh Trung ngày ấy không được khang trang sáng sủa như bây giờ. Bàn ghế, trang thiết bị còn thiếu thốn. Vào những ngày trời mưa, sân trường trơn trượt, những con đậu đen bò lổm ngổm trên nền nhà, những cô cậu học trò nhếch nhác trông rất đáng thương. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô luôn cố gắng vượt lên tất cả để làm đúng trách nhiệm và bổn phận của một người giáo viên nhân dân. 

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng trao quà trung thu cho các em học sinh

Và cứ thế những hạnh phúc, những niềm vui nho nhỏ của nghề dạy học cứ đến và đi bất chợt…Hàng ngày vào lớp, nhìn những khuôn mặt non tơ của các em học sinh như đang chờ đợi mình giảng bài mà niềm vui xốn xang đến lạ. Nhưng cũng lắm khi làm cô rất bực với những trò tinh quái của các cô cậu học trò. Có những em học hành chểnh mảng, ham chơi hơn ham học. Nói thiệt tình, những ngày đầu đi dạy học bản thân nhiều khi còn nóng nảy, thiếu kiềm chế trong khi xử lý các tình huống sư phạm.  Nhưng vì tình yêu nghề, trách nhiệm của một người giáo viên mà cô luôn bên cạnh và giúp đỡ các em thay đổi tính tình, ý thức học tập những mong các em trưởng thành.  Trong công tác chủ nhiệm, cô luôn quan tâm đến mọi đối tượng học sinh, động viên đôn đốc học sinh tích cực tham gia phong trào do trường, ngành tổ chức đạt hiệu quả.

Cô Hằng tâm sự: “Nghề dạy học đã làm cho tôi luôn siêng năng, cần cù, chịu khó. Thiết nghĩ, để việc giảng dạy mang lại hiệu quả cao tôi luôn thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh thông qua đẩy mạnh công nghệ thông tin và truyền thông vào trong dạy học, khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc”. Việc sử dụng phương pháp dạy học gắn chặt với các hình thức tổ chức dạy học. Tùy theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể mà có những hình thức tổ chức thích hợp như: học cá nhân, học nhóm; học trong lớp, học ở ngoài lớp... Cần chuẩn bị tốt về phương pháp đối với các giờ thực hành để đảm bảo yêu cầu rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nâng cao hứng thú cho học sinh. Sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học, làm thêm các đồ dùng dạy học, tích cực vận dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Tăng cường phối hợp học tập cá thể với học tập hợp tác, lớp học trở thành môi trường giao tiếp giáo viên - học sinh và học sinh - học sinh nhằm vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của từng cá nhân, của tập thể trong giải quyết các nhiệm vụ học tập chung. Việc phối hợp đa dạng các phương pháp và hình thức dạy học trong toàn bộ quá trình dạy học là phương hướng quan trọng để phát huy tính tích cực và nâng cao chất lượng dạy học. 

Cô Hằng cùng các em học sinh tham gia biểu diễn văn nghệ của trường

Để thực hiện tốt điều này, cô luôn cố gắng tìm hiểu, tự nghiên cứu qua các tài liệu, tạp chí, tham gia dự giờ đồng nghiệp để bổ sung kiến thức sư phạm cho mình, chia sẻ cùng đồng nghiệp những kinh nghiệm trong giảng dạy, tham gia dạy chuyên đề vòng trường, vòng cụm;  hội giảng cấp huyện, cấp tỉnh, đây cũng là dịp giúp cô tự trải nghiệm, học hỏi thêm nhiều điều từ bạn bè đồng nghiệp và rút kinh nghiệm cho bản thân. Thời nào, nghề nghiệp nào cũng đòi hỏi cái tâm, nhân cách đạo đức là trên hết. Đặc biệt đối với nghề giáo, vấn đề nhân cách người giáo viên càng được nhìn nhận nghiêm túc hơn. Vì một viên ngọc quý bị hư thì có thể phá bỏ nhưng làm hư một con người là một tội lớn, một lỗi  lầm không thể nào chuộc được. Vì thế bản thân cô luôn tự nhủ phải tu dưỡng đạo đức, có lối sống lành mạnh, trung thực, giản dị, khiêm tốn, luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Từ những nỗ lực của bản thân, cùng với một tập thể nhà trường luôn đoàn kết với tinh thần thi đua không ngừng mà trong những năm qua cá nhân cô cùng tập thể nhà trường luôn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chất lượng các phong trào của từng năm ngày càng tăng, trường được UBND tỉnh tặng danh hiệu lá cờ đầu của khối thi đua. Bản thân cô cũng liên tục nhiều năm từ năm 2001 cho đến nay đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua Cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh.

Cô Hằng chụp hình lưu niệm cùng học sinh tốt nghiệp tiểu học

Đặc biệt, cô Hằng vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

Năm học 2021-2022, là một năm học vô cùng đặc biệt và đầy khó khăn nhưng với tinh thần sẵn sàng vượt khó, sẵn sàng thích nghi với tình hình mới, bản thân cô cùng các đồng nghiệp đang công tác tại trường trong thời gian nghỉ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đã tổ chức các hoạt động giáo dục trực tuyến theo đúng tinh thần chỉ đạo của ngành và phù hợp đặc điểm tình hình địa phương. Cô Hằng kiên định chia sẻ: “Trong thời gian tới, tôi tin tưởng rằng thầy trò chúng tôi nói riêng và cả nước nói chung sẽ mau chóng được trở lại cuộc sống bình thường, lại được nghe tiếng trống trường vang lên mỗi ngày. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng nỗ lực rèn luyện, học hỏi nâng cao tay nghề để có thể góp một phần công sức nhỏ nhoi của mình cho ngành giáo dục huyện nhà, đem lại không chỉ tri thức cho học trò mà còn phải đem đến cho các em niềm vui, niềm hy vọng trong cuộc sống hàng ngày”.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.

Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19.