|
Xuống đồng gom rác thải!
Theo bạn Phạm Thị Phương Thảo, trưởng nhóm, bà con nông dân khá thờ ơ với việc xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. “Hóa chất còn sót lại từ vỏ bao bì thuốc BVTV sẽ thấm trực tiếp vào đất, hòa tan trong nước chảy ra các kênh rạch gây ô nhiễm nguồn nước và lan rộng ra môi trường xung quanh. Không những thế, hóa chất tích tụ trong đất lâu dần sẽ làm ô nhiễm môi trường nước ngầm” - Thảo phân tích thêm.
Kết quả phỏng vấn, thu thập số liệu điều tra của nhóm cho thấy trên 40% nông dân có thói quen vứt bỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV trên đồng ruộng sau khi sử dụng. Trong khi đó chỉ có trên 29% hộ dân có ý thức “tiết kiệm” mang bao bì, chai lọ sau khi sử dụng về nhà bán ve chai; trên 13% hộ dân chủ động thu gom để vào nơi an toàn và thiêu hủy sau mỗi mùa vụ.
Tuy nhiên, theo bạn Huỳnh Thư - thành viên nhóm - biện pháp tự thiêu hủy vỏ bao bì thuốc BVTV với nhiệt độ không thích hợp sẽ làm phát tán mùi hôi ra môi trường xung quanh và gây ô nhiễm môi trường không khí.
Từ thực trạng trên, cả năm bạn vừa phối hợp viết đề án vừa chủ động xuống địa bàn cùng chính quyền địa phương, các công ty, cơ sở phân phối thuốc BVTV tổ chức tám cuộc hội thảo tuyên truyền bà con nâng cao nhận thức về mức độ độc hại của bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng, cách quản lý sau sử dụng cũng như tác hại của chúng đối với con người và môi trường... “Khó quên nhất là ngay lần tổ chức hội thảo đầu tiên trời mưa rất to. Đã thế lại cúp điện nhưng bà con vẫn đến dự đầy đủ” - Bích Nhung, thành viên nhóm, vui vẻ cho biết.
Còn với Thanh Thúy, vui nhất vẫn là sau mỗi cuộc hội thảo nông dân, thanh niên địa phương hưởng ứng rất nhiệt tình phong trào xuống đồng gom rác thải thuốc BVTV từ các vụ mùa trước đó do nhóm phát động. Chai lọ, bao bì sau khi thu gom được nhóm hướng dẫn tỉ mỉ bà con mang về nhà xử lý sơ bộ bằng cách ngâm vào thùng chứa nước tro bếp và đặt tại các nơi thông thoáng, có ánh sáng mặt trời, ít người qua lại.
Thúy cho biết trước đó nhóm đã làm các thí nghiệm kiểm chứng khả năng tự phân hủy các phân tử thuốc BVTV bằng cách ngâm chúng vào bốn môi trường nước, tro bếp, nước vôi và dung dịch xút. Kết quả cho thấy trong môi trường tro bếp khả năng tự phân hủy các phân tử thuốc BVTV là rất cao. Nguyên liệu tro bếp lại có sẵn tại các hộ gia đình nên rất dễ thực hiện.
Người dân đã ý thức hơn
Sau sáu tháng triển khai dự án vào cộng đồng, nhóm cùng người dân địa phương thu gom được 300kg vỏ chai nhựa, 50kg vỏ chai sành, 40kg vỏ bao gói thuốc BVTV các loại. “Đông đảo bà con, các công ty thuốc BVTV, cơ quan quản lý nhà nước nhiệt tình ủng hộ. Dự án cũng rất dễ áp dụng vào cộng đồng, không tốn nhiều chi phí và điều quan trọng là đã đánh động được ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Đó là thành công lớn nhất của dự án” - Phương Thảo chia sẻ.
Bằng chứng là lượng rác thải thuốc BVTV đã giảm đáng kể trên các đồng ruộng, gần 90% hộ dân chủ động đem rác thải thuốc BVTV sau khi sử dụng về nhà xử lý bằng nước tro bếp, 95% hộ dân mang đến các điểm tiếp nhận thu gom và 100% hộ nông dân ủng hộ tiếp tục duy trì dự án.
Hiện tại Chi cục BVTV Cần Thơ cam kết sẽ tiếp quản dự án. Còn các thành viên nhóm hi vọng dự án sẽ được nhân rộng tại nhiều khu vực khác ở TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, cùng với đó là sự nhiệt tình hưởng ứng của chính quyền địa phương, các nhà sản xuất, cơ sở phân phối thuốc BVTV trong việc cam kết tiếp nhận xử lý rác thải thuốc BVTV sau khi được bà con xử lý sơ bộ tại nhà.
Theo Tuổi trẻ