6 điều dạy con trẻ trong kỳ nghỉ Tết

(CTG) Tết là dịp mọi người du xuân, đến nhà thăm hỏi nhau, cũng là cơ hội giúp con học cách ứng xử và gắn kết tình cảm gia đình.

Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tết là dịp nghỉ ngơi, cũng là dịp dạy con trẻ nhiều điều - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây là thời điểm trẻ được nghỉ ngơi dài ngày, cũng là thời điểm trẻ học thêm nhiều điều mới lạ vì có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ nhiều người. 

Với suy nghĩ của trẻ, ngày Tết là một ngày có nhiều khách, có nhiều bánh kẹo, có cha mẹ nghỉ ở nhà và dắt bé đi chơi. Tuy nhiên, trẻ sẽ chưa có ý thức và trách nhiệm về việc đi thăm hỏi, lì xì, chúc Tết… cho đến khi cha mẹ dạy cho trẻ về ý nghĩa và mục đích của ngày Tết.

Cùng con đi mua đồ chuẩn bị cho năm mới

Có lẽ nhiều người còn lưu giữ cảm xúc háo hức khi được cha mẹ mua cho những quần áo mới để đón Tết. Đương nhiên, trong xã hội hiện đại, trẻ con được đáp ứng đầy đủ nên niềm vui đó không còn nhiều. Các bậc cha mẹ cũng "lười" hơn, đa phần là mua hàng online.

Nếu có thể, hãy cùng con đi sắm sửa đồ Tết cho gia đình, chọn cho con những trang phục Tết mà đứa trẻ yêu thích. Quá trình cùng con mua sắm thường khiến bọn trẻ cảm thấy không khí ngày lễ hội đến thật sự hơn.

Cùng con chuẩn bị quà cho mọi người trong gia đình

Trong dịp Tết, mọi người thường gặp gỡ họ hàng, người thân ở xa. Cha mẹ nên cùng con đi mua quà cho những người thân trong gia đình, ví dụ ông bà, anh em họ hàng ở quê... Món quà không cần "nặng" về vật chất, nhưng ísẽ giúp con học cách quan tâm tới người khác, biết sẻ chia, yêu thương những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Một món quà được chuẩn bị cẩn thận, chu đáo có thể khiến trẻ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ và cho trẻ khả năng yêu thương người khác.

Cùng con dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa

Việc cùng trẻ tổng vệ sinh nhà cửa có một ý nghĩa quan trọng, việc này giúp trẻ hiểu đây là việc cần làm trước khi du xuân. Công việc này không chỉ là lau chùi đồ dùng, tháo rời giặt giũ chăn ga gối đệm, lau nhà cửa, mà quan trọng hơn là dạy trẻ biết sắp xếp, biết loại bỏ. Từ đó, trẻ có ý thức nề nếp hơn. 

Bạn có thể khuyến khích trẻ tự dọn dẹp phòng, giường của mình và lau chùi bàn ghế, phòng ốc của trẻ cho thật sạch.

Dạy con những bài học về cội nguồn, văn hóa cổ truyền ngày Tết

Nhiều gia đình có truyền thống gói bánh chưng ngày Tết, trẻ em cũng được dịp "lăng xăng" phụ cha mẹ việc nhỏ, trong khi người lớn cùng nhau gói bánh, đốt lửa luộc bánh, chờ đón một năm mới sang.

Vào dịp này, hầu hết các gia đình Việt Nam đều không thể thiếu những món ăn truyền thống như: Bánh chưng, bánh tét, thịt gà, canh măng, kiệu muối, dưa hành, thịt đông,… Nhiều trẻ sẽ thắc mắc vì sao những món ăn này chỉ được làm dịp Tết? Các món ăn có ý nghĩa gì?

Xen lẫn giữa những hoạt động đó là giảng giải về đời sống Tết giữa các thế hệ, những nét đẹp của Tết xưa Tết nay của ông bà, cha mẹ. Thông qua các hoạt động này, trẻ hiểu ý nghĩa của mái ấm, của tình yêu thương giữa mọi người với nhau trong gia đình.

Chụp với nhau một tấm ảnh chân dung gia đình

Nhiều gia đình còn có truyền thống chụp ảnh gia đình vào một thời gian và địa điểm cố định hàng năm trong dịp Tết, điều này rất đáng trân trọng. Vì một tấm hình đôi khi mang đến nhiều giá trị hơn chúng ta tưởng: đó là kỷ niệm, là ký ức mà nhiều năm sau, khi nhìn lại, chúng ta thêm trân trọng gia đình.

Trẻ cũng có thể nhìn lại tấm ảnh để thấy mình đã lớn lên bao nhiêu, đồng hành với mình là những người yêu thương cha mẹ, ông bà, anh chị em họ hàng, ruột thịt... Ký ức đẹp đó sẽ theo trẻ trong cả hành trình dài của cuộc sống. 

Mai sau, khi trưởng thành, dù cách xa gia đình hàng nghìn cây số, dù năm tháng trôi qua, các thành viên vẫn có thể cảm nhận được tình yêu thương từ gia đình và có được cảm giác thân thuộc.

Dạy con nhận lì xì đúng cách và cư xử khi ăn uống

Trẻ nhỏ rất thích lì xì. Tuy nhiên, cha mẹ cần dạy trẻ biết ý nghĩa của bao lì xì Tết và một số kỹ năng ứng xử khi nhận phong bao lì xì từ mọi người. Giải thích với trẻ về nguồn gốc của bao lì xì là để chúc trẻ may mắn, mau ăn chóng lớn, mạnh khỏe, không nên so đo chuyện "dày", chuyện "mỏng".

Hãy dạy con phép tắc lịch sự tối thiểu như mỉm cười, cúi nhẹ đầu và nói lời cảm ơn với người tặng. Cha mẹ cũng hãy gợi ý nếu trẻ vô tình quên để trẻ cảm thấy bản thân được trấn an. Nhờ đó, trẻ sẽ bình tĩnh, tự tin và cư xử lịch sự hơn. 

Bên cạnh đó hãy nhớ  hướng dẫn trẻ tuân thủ những quy tắc khi dùng bữa như: không la hét, nghịch ngợm, không chạy nhảy trong nhà, không chạm vào các đồ dễ vỡ,…

 
Theo TT