Ảnh hưởng COVID-19: Startup công nghệ y tế sẽ bùng nổ?

Các startup công nghệ y tế vốn đang gặp khó khăn sẽ có thể sớm bùng nổ ngay trong năm nay?

Đầu năm 2020, dịch viêm đường hô hấp cấp do covid-19 mới đang có nhiều tác động khó lường tới nền kinh tế. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, các xu hướng đầu tư khởi nghiệp có thể sẽ có nhiều thay đổi đáng kể. Ví dụ, nhóm các startup công nghệ y tế vốn đang gặp khó khăn sẽ có thể sớm bùng nổ ngay trong năm nay.

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, những năm trước đây, các startup ngành y tế phát triển nhiều nhưng tồn tại đến thời điểm này thì rất ít. Lý do bởi họ không thể vượt qua được những khó khăn của ngành này. Các khó khăn phải kể đến của startup ngành y tế: Thiếu kiến thức chuyên môn, không thể chủ động được chất lượng dịch vụ, giữ chân người dùng. Đi cùng với những khó khăn đó, thói quen của người dùng là một vấn nan lớn nhất. Bởi, người dân Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến việc khám bệnh chủ động và định kỳ, tầm soát bệnh mà họ chỉ đến trực tiếp bệnh viện khi có vấn đề về sức khỏe.

Hàng loạt các khó khăn bủa vây, khiến nhiều startup công nghệ y tế tại Việt Nam sớm "dừng cuộc chơi". Hiện tại chỉ còn lại một vài startup lĩnh vực y tế như: MedProve Inc là nhà cung cấp giải pháp Quản lý Dữ liệu Lâm sàng, ViCare –Nền tảng tra cứu thông tin y tế, kết nối người dùng với các dịch vụ y tế, MediThank – Ứng dụng lưu trữ dữ liệu y khoa, tối ưu hóa công nghệ chăm sóc sức khỏe...

BMI từng dự báo, chi tiêu y tế tại Việt Nam sẽ đạt giá trị 22,7 tỉ USD vào năm 2021, điều này mở ra cơ hội cho các startup trong ngành. Tuy nhiên, con số startup trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn rất khiêm tốn, chỉ dưới 2% trong tổng số hơn 4.000 startup công nghệ y tế tại châu Á.

Nhận định về vấn đề này, bà Đoàn Kiều My, CEO YellowBlocks (startup cầu nối đầu tiên về công nghệ mới nổi cho Việt Nam) cho biết rằng để thành lập một startup về công nghệ y tế cần một số vốn rất lớn, cũng như thời gian hoàn thành rất dài. Do vậy, hiện, những startup trong ngành này tại Việt Nam còn rất khiêm tốn. Có chăng cũng chỉ dừng lại ở dạng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Theo bà My, dịch bệnh do covid-19 trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng cũng không ảnh hưởng đến các startup, vì thế việc làm các startup về công nghệ y tế bùng nổ cũng khó xảy ra. Nhưng bà My cũng cho rằng, công nghệ y tế sẽ là lĩnh vực tiềm năng, được nhiều nhà đầu tư quan tậm và sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tăng trưởng kinh tế và dân số đang thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, đặc biệt là hai trung tâm kinh tế Hà Nội và TP.HCM. Chính phủ đang tài trợ cho các bệnh viện công cấp tỉnh để nâng cấp cơ sở vật chất và mở các khoa mới, đáp ứng điều trị chuyên khoa. Những phát triển như vậy đang tạo ra cơ hội mới cho các thiết bị y tế tại Việt Nam.

Tại Techfest Việt Nam 2019, ông Trần Quốc Dũng, chuyên gia khởi nghiệp thị trường Nhật Bản cho rằng, thiết bị, công nghệ y tế sẽ là lĩnh vực phát triển mạnh tại Việt Nam trong hiện tại và vài năm tới. Ông cho rằng, các lĩnh vực như: Ứng dụng IoT giám sát chỉ số sức khỏe, xây dựng hệ thống Telemedicine giảm gánh nặng cơ sở y tế tuyến trên và các hệ thống nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ y tế như: Tìm kiếm thông tin, đăng ký dịch vụ, kết nối dữ liệu, kết nối bác sĩ, dược sĩ, chăm sóc sau khi sử dụng dịch vụ... là mảnh đất màu mỡ cho những người có dự định khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Nguồn: khoinghiep.org

T.LN1