Anh lính biên phòng 9X như con dân bản

(CTG) Dù ở Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân (Thừa Thiên Huế) hay khi về Đồn biên phòng Sơn Hồng (Hà Tĩnh), anh lính biên phòng, thượng úy Phạm Thái Sơn đều được bà con vùng cao xem như đứa con dân bản.

 
Thượng úy Phạm Thái Sơn (phải) cùng đồng đội chuẩn bị lồng đèn và quà cho trẻ em vùng cao đón trung thu - Ảnh: LINH CHI
 

Thượng úy Phạm Thái Sơn (phải) cùng đồng đội chuẩn bị lồng đèn và quà cho trẻ em vùng cao đón trung thu - Ảnh: LINH CHI

Sinh năm 1998, anh chàng quê Hà Tĩnh ấy tự nhận chắc mình có duyên với việc làm đội trưởng vận động quần chúng, vì chỗ nào anh cũng được giao nhiệm vụ này. Nhưng quan trọng không phải là làm vị trí nào mà làm gì cho bà con thương, xem như người nhà.

1. Sơn ơi, nhà bố bị mưa dột. Sơn ơi, nhà mẹ hết gạo. Cuộc điện thoại của bố mẹ Cu Rớt, người đồng bào Pa Cô đã ngoài 80 tuổi, như thế với Sơn không hiếm. Bố Cu Rớt bệnh nằm liệt giường, mẹ đi lại chậm chạp. Không con cái, họ sống với nhau trong căn nhà sàn nhỏ ở thôn Trung Sơn, xã Hồng Vân (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Một lần về bản, ghé thăm nhà bố mẹ Cu Rớt, thấy bề bộn quá, Sơn xắn tay áo dọn dẹp. Nhà cửa ngăn nắp thì mặt trời chạm núi, anh thượng úy trẻ ra về trong cái nắm tay bịn rịn của người mẹ đồng bào.

Vậy là sau buổi chiều ấy, lần nào xuống địa bàn, Sơn cũng ghé nhà bố mẹ Cu Rớt dọn dẹp, kiểm tra hũ gạo, túi mắm, xem cái mái nhà có chỗ nào bị dột không. Cứ lâu mà không thấy bóng cậu lính trẻ, bố mẹ ngóng như chờ đứa con xa, lại gọi điện kiếm. 

Với bà con trong xã, có khi họ quên anh là người lính quân hàm xanh mà cứ nghĩ như đứa con thân thương của bản làng. Họ nhớ hình ảnh chàng trai chạy vội lấy áo mưa cho bà con che trong buổi phát quà trời bất chợt đổ mưa lớn. Họ nhớ anh bộ đội dáng mảnh khảnh đội mưa cõng ông cụ liệt nửa người ra xe sau buổi khám miễn phí ở trạm xá bản.

Còn với mẹ Cu Rớt hay mẹ Can Pơ Ly, mỗi lần vào bếp thổi cơm lại nhớ thượng úy Sơn vì hũ gạo chiến sĩ mà anh cùng đồng đội hỗ trợ gia đình các mẹ hằng tháng. Mẹ Can Pơ Ly bị liệt nằm một chỗ.

Mẹ có người con nuôi ngoài 50 tuổi dựng nhà kế bên, nhưng cũng nghèo quá chẳng lo gì được cho mẹ. Sơn tham mưu với cấp trên lập hũ gạo chiến sĩ. Cứ mỗi bữa ăn sẽ bớt lại một nắm rồi dùng số gạo tiết kiệm ấy tặng mấy gia đình nghèo mỗi tháng. Vậy là mẹ Cu Rớt, Can Pơ Ly và nhiều bà mẹ khác ở bản đều đặn tháng nào cũng nhận được những hạt gạo nghĩa tình ấy.

Phần thưởng lớn nhất không phải những tấm bằng khen mà là khi được bà con tin yêu, lãnh đạo tín nhiệm. Động lực ấy thôi thúc tôi không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mỗi ngày.
Thượng úy PHẠM THÁI SƠN

2. Tuổi lớn, mỗi ngày bố mẹ Quỳnh Xăng vẫn cần mẫn đan chổi đót bên hiên nhà nhưng làm ra mà bán không được. Biết chuyện, Sơn đăng lên mạng xã hội, tìm người mua. "Từ ngày có Sơn bán giúp, chổi đót bố mẹ làm ra không còn treo đầy tường nhà nữa" - mẹ Xăng khoe.

Từng đi kháng chiến, được tặng huân chương kháng chiến, giờ bố Quỳnh Xăng làm già làng. Ông bà sống cùng người con trai tàn tật vì bị nhiễm chất độc da cam. 

Càng xuống bản, Sơn càng hiểu thấu khó khăn của bà con. Những ngày sống cùng họ, anh nghĩ ra nhiều cách giúp bà con cải thiện cuộc sống như trồng rau sạch, nuôi dê, nuôi ngỗng

Còn đám trẻ con ở nhiều điểm trường đã quen với hình ảnh chú Cuội do Sơn hóa thân trong "Đêm hội trăng rằm". Và những món quà nhỏ do anh kết nối với bạn bè, đồng đội đem đến niềm vui cho những đứa trẻ miền biên viễn vốn nhiều thiệt thòi này. 

Cũng vì chúng thiệt thòi mà anh lính trẻ đã có dự án "Bữa cơm bán trú" để tụi nhỏ khó khăn an tâm lên lớp.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, phó bí thư Đảng ủy tăng cường xã Trung Sơn (huyện A Lưới), vẫn nhớ đề nghị xây dựng chòi "tình quân dân" của thượng úy Sơn. Biết xã có dự án xây dựng khu du lịch cộng đồng suối A Lin, Sơn và đồng đội nghĩ ra ý tưởng này. 

Được đồng ý, những người lính biên phòng bỏ tiền túi dựng một trong năm chòi rồi giao lại cho bà con quản lý. Tiền thu được từ khai thác du lịch sẽ trích lại một nửa gây quỹ giúp người nghèo.

3. Tháng 8-2023, thượng úy Phạm Thái Sơn rời A Lưới. Lần này anh chuyển về quê nhà Hà Tĩnh, nhận công tác tại Đồn biên phòng Sơn Hồng. Hôm Sơn rời đi, ghé thăm chào tạm biệt, những ông bố, bà mẹ vùng cao bịn rịn nắm tay như không muốn rời. 

"Sơn đi rồi, bố mẹ sẽ nhớ lắm" - giọng mẹ Quỳnh Xăng nghèn nghẹn. Giọt nước mắt của những bà mẹ vùng cao lặng lẽ rơi khi tiễn bộ đội Sơn ra đầu ngõ. Bước chân người lính trẻ bỗng như nặng hơn, chẳng muốn rời.

Về nơi mới chưa lâu, anh đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Sơn Hồng bắt tay ngay vào việc. Các chương trình: Nâng bước em tới trường kết nối đỡ đầu ba học sinh, Trung thu biên cương, Bánh chưng xanh - Tết ấm cho người nghèo, Xuân biên phòng - ấm lòng dân bản, Ngôi nhà xanh - tiếp sức đến trường... mang đến bao điều hay cho bà con biên giới.

Sự nỗ lực không ngừng ấy đã được ghi nhận xứng đáng. Thượng úy Phạm Thái Sơn được Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng vinh danh Gương mặt trẻ tiêu biểu, Gương mặt trẻ triển vọng. Và cả nhiều khen thưởng khác của chính quyền mỗi nơi Sơn công tác vì những việc anh đã làm cho dân.

Những tháng ngày gắn bó với bà con vùng biên, Phạm Thái Sơn nói chắc có nhiều nhân duyên với trẻ con. Nên cùng các dự án, chương trình hướng đến người nghèo, giúp bà con có cuộc sống tốt hơn, Sơn luôn nghĩ cách giúp những đứa trẻ nghèo vốn thiệt thòi nơi mình đến công tác.

Hồi mới chân ướt chân ráo về đơn vị nhưng anh chàng đã được giao chăm sóc cậu bé Lê Văn Thìn là con nuôi của đồn. Rồi khi về công tác tại Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, anh lại được tin tưởng giao việc chăm ba đứa trẻ con nuôi của đồn này. Ở đâu cũng thế, thượng úy Sơn vẫn luôn hết lòng chăm lo, kèm cặp các em học, giúp tụi nhỏ theo đuổi ước mơ đến trường.

Theo TT