Áo xanh 'SOS'

(CTG) Có tình nguyện viên mới mười tám đôi mươi nhưng sau khi đại hồng thủy đánh úp thành phố, trong dịch COVID-19… họ đều có mặt. Họ lăn lộn xuyên ngày đêm, khi biến thành anh thợ sửa xe, khi trở thành ngân hàng máu sống,… giúp đỡ một cách thần tốc để không một ai bị bỏ lại phía sau trong lúc hoạn nạn.

“Tình nguyện SOS là khẩn trương, tức khắc, không phải lên kế hoạch, đi tới vùng sâu vùng xa mà thấy khó trước mắt là giúp ngay. SOS cũng đòi hỏi mỗi người phải biết hy sinh việc riêng của mình để cho đi…”, anh Lê Đình Lượng, Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Đông Á nói như vậy về những tình nguyện viên “SOS” trường mình.

Ngân hàng máu sống sẵn sàng

Áo xanh 'SOS' ảnh 1

Trong bộ đồ bảo hộ, những “thợ sửa xe” sinh viên chăm sóc “chiến mã” cho bà con về quê tránh dịch trong đêm Ảnh: T.T

Ngày đầu tháng 12/2022, Chủ nhật Đỏ của báo Tiền Phong lần đầu tiên về với Trường ĐH Đông Á. Khoa Huyết học - Truyền máu của Bệnh viện Đà Nẵng vì điều kiện lưu trữ chỉ đặt chỉ tiêu hơn 300 đơn vị, nhưng từ những ngày trước, hơn 1.000 sinh viên đã đăng ký trực tuyến. Anh Lượng tự hào rằng mỗi lần có chương trình hiến máu sinh viên đều đề xuất nhà trường xin thêm chỉ tiêu để được hiến chứ chẳng cần tuyên truyền, vận động nhiều. Mỗi năm trường còn đóng góp hàng trăm đơn vị máu, tiểu cầu cho những trường hợp khẩn cấp mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn, cấp cứu…

“Mỗi lần đi hiến máu khẩn, Đoàn trường luôn bố trí người dự phòng để đảm bảo cung cấp máu kịp thời, đầy đủ cho bệnh nhân. Như lần hiến tiểu cầu cho một bệnh nhi ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi mới đây, trường đã huy động tới 9 người vì một số bạn không phù hợp”, anh Lượng cho hay.

“Làm tình nguyện SOS là hy sinh nhiều lắm. Có bạn đang làm thêm thì bỏ ngang đi hiến máu. Có bạn đang chở người yêu đi chơi nghe tin cần sửa xe khẩn cấp là “bỏ rơi” rồi chạy. Nhiều bạn đã không về quê để trực chốt, trực khu cách ly bệnh nhân COVID-19 khi thành phố cần...”.

Anh Lê Đình Lượng, Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Đông Á

Kỉ niệm khó quên nhất là lần đi hiến máu giữa lúc đại dịch COVID-19 phức tạp, khi thành phố đang siết chặt các biện pháp phòng chống. Nhiều bạn cầm “giấy đi đường” là tin nhắn của bệnh viện ra chốt bị lực lượng chức năng cản lại, nhà trường phải cử người tới giải quyết để từng “ngân hàng máu sống” được thông hành.

Hoàng Nhân (sinh viên năm 3) nhớ lại đợt dịch căng thẳng. Nhân đang trực chốt ở phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) thì nghe lời kêu gọi hiến máu. Không chần chừ, Nhân đăng ký ngay. Lúc tới bệnh viện, Nhân phải xét nghiệm SARS- CoV-2, đeo kính chắn giọt bắn, găng tay…

“Hiến máu giữa dịch nhiều cảm xúc lắm, bởi bệnh nhân vừa chống chọi với COVID-19 vừa đương đầu với bệnh tật. Giọt máu mình cho đi lúc đó không chỉ cho họ thêm cơ hội sống, mà còn động viên họ dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng có người sẵn sàng giúp đỡ”, Nhân chia sẻ.

Sắp tới, Đoàn Trường ĐH Đông Á sẽ ra mắt CLB Ngân hàng máu sống với gần 300 thành viên tham gia, trong đó có hơn 70 người thuộc nhóm máu hiếm để thực hiện tốt hơn nữa việc hiến máu giúp người bệnh trong các trường hợp cấp bách.

Cứu “chiến mã” cho dân chạy lũ, chạy dịch

Đêm mưa xối xả giữa tháng 10 nhấn chìm hàng loạt nhà dân ở Đà Nẵng. Hàng ngàn chiếc xe máy “lịm” luôn dưới con nước dữ dằn chưa từng thấy. Nhiều chiếc bị cuốn trôi mấy ngày sau mới tìm ra. Có nhà ba, bốn chiếc hư hỏng nặng nề.

Áo xanh 'SOS' ảnh 2

Sinh viên Trường ĐH Đông Á tình nguyện hiến máu cứu người. Ảnh: T.T.

 

Anh Lượng kể, lúc đó hỏi sinh viên trong trường, các bạn than dắt ra tiệm ít nhất cũng vài trăm ngàn, nặng thì cả triệu. Còn phải chờ lâu ngày mới tới lượt sửa vì xe quá đông. Không chần chừ, các tình nguyện viên SOS soạn đồ nghề ra ngay giữa sân trường, lập tiệm sửa xe dã chiến cứu hàng loạt xe cho sinh viên. Các bạn còn sửa xe cho cả sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại ngữ, Cao đẳng Phương Đông…

“Biết quanh thành phố còn nhiều dãy trọ của sinh viên, công nhân bị ngập, hư hại rất nhiều xe, họ ôm đồ nghề chạy thẳng tới sửa luôn cho mọi người. Nhà trường lấy quỹ thiện nguyện từ việc bán bánh mì, nước mía, cùng sự chung tay của các thầy cô giáo, mạnh thường quân… ra hỗ trợ hoàn toàn”, anh Lượng cho biết.

Chị Nguyễn Thị Phương (công nhân, trú phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) xúc động: “Sau lũ có nơi chịu nhận xe để sửa là mừng lắm rồi, đằng này các bạn còn tới tận nơi, sửa miễn phí. Tui thật sự rất cảm kích”.

Những “thợ sửa xe” này từng ghi dấu ấn trong lòng người dân khắp cả nước, nhất là những lao động ở miền Nam khi chạy xe máy ra Bắc tránh dịch COVID-19. Những lao động này khi chạy qua Đà Nẵng đã được các bạn đón và chăm sóc “chiến mã” để tiếp tục hành trình. Trong số “thợ” có bạn Doãn Phương Nam (sinh viên ngành Điện - Điện tử), nhiều đêm túc trực trên đỉnh đèo Hải Vân sửa xe, đến sáng về học trực tuyến, chiều lại ra sửa xe. Nhóm của Nam đã tận tình kiểm tra, thay thế phụ tùng, thay nhớt, sửa chữa miễn phí. Mỗi ngày như vậy đội SOS sửa cho gần trăm xe máy.

“Nhớ lại những ngày lịch sử ấy, đúng với tinh thần SOS, cứ nghe đâu có đoàn ngang qua Đà Nẵng là tức tốc có mặt bất kể sớm khuya, giữa đường hay trên đèo nguy hiểm. Công việc cũng phải thật thần tốc vì bà con không có nhiều thời gian dừng lại”, Nam nhớ lại.

Theo TP