“Liều thuốc vực DN cần thêm thời gian phát huy công hiệu”
Đại biểu Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ kéo dài thời gian của gói kích cầu thứ nhất. Cụ thể, theo ông Thời, trợ vốn ngắn hạn nên duy trì đến hết quý I/2010, còn biện pháp kích cầu dài hạn là để giúp cho các doanh nghiệp bắt đầu được phục hồi sức khoẻ.
Cùng quan điểm ủng hộ, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) biện giải, việc hỗ trợ lãi suất đã giúp cho hơn 100.000 doanh nghiệp tại các thành phần và hơn 1,2 triệu hộ gia đình cá nhân kinh doanh chẳng những tránh được những thảm hoạ phá sản, mà còn gượng dậy để vượt qua khó khăn kịp thời sản xuất, qua đó mà giữ được công ăn việc làm cho hàng triệu lao động nghèo.

Tỷ lệ đại biểu "thuận - chống" gói kích cầu thứ 2 chia đều 50 - 50 (ảnh: Việt Hưng).
“Liều thuốc giúp bệnh nhân vực dậy nhưng vẫn cần thêm thời gian để phát huy hết công hiệu. Nếu bây giờ ta ngưng hỗ trợ cho vay và thu hồi vốn thì chẳng những thuốc không còn công hiệu, mà còn có thể phản tác dụng” - ông Đáng ví von.
“Bật” lại quan điểm này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lại nêu những con số khác: trong hơn 400.000 doanh nghiệp chỉ có khoảng 20% được hỗ trợ cùng một môi trường kinh doanh, thiếu công bằng.
Ngoài ra hiện tượng đảo nợ, doanh nghiệp vay tiền từ ngân hàng này gửi sang ngân hàng khác để lấy chênh lệch lãi suất cũng có. Ông Vinh cho rằng việc hỗ trợ lãi suất, cho vay như vậy là vô nghĩa.
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cũng cho rằng, 95% doanh nghiệp thuộc loại nhỏ và vừa, trong giai đoạn khó khăn không phá sản vì tự điều tiết, chuyển hướng kinh doanh, xoay xở với nguồn lực từ gia đình, bạn bè chứ không nhận được nhiều sự trợ giúp từ nhà nước.
Nhóm “phiếu chống” đi đến kết luận, việc hỗ trợ lãi suất 4% là một biện pháp giải cứu ngắn hạn. “Theo tôi, gói kích thích này đã hoàn thành xong nhiệm vụ của nó, đề nghị đến 31/12/2009 là chấm dứt, không tiếp tục nữa” - đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM), Phạm Thị Loan cùng phát biểu.
Cán bộ nhận quà biếu chỉ 300.000 đồng/người?
Nhóm ý kiến đóng góp về các vấn đề xã hội nóng lên vì những thông tin thời sự nhất về môi trường, về thực phẩm về chất lượng sống của người dân ngay cả khi có tiền.
Đề cập đến những sự kiện mới nhất gây bức xúc dư luận, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) miêu tả sinh động nạn thịt bẩn đang nhập ồ ạt vào Việt Nam, bị tẩy trắng bằng hóa chất, thịt cá thì thuốc tăng trọng, nước uống đóng bình cũng rối ren…

Đại biểu Lê Văn Cuông: "Phấn đấu có bằng tiến sỹ chủ yếu để làm quan" (ảnh: Việt Hưng).
“Hiện đang có 5.000 tấn thực phẩm đông lạnh không đủ giấy tờ chứng minh đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm nằm ở cảng Sài Gòn nhưng không có người đến nhận. Việt Nam đang trở thành nơi xả hàng đông lạnh, kém chất lượng, tồn kho của nhiều nước.
Tại sao các lô hàng thực phẩm quá đát này không bị ngăn chặn ngay tại các cửa khẩu, mà nhập khẩu trót lọt vào nội địa rồi mới bị phát hiện. Không rõ những cơ quan gác cửa ở đâu?” - đại biểu Danh Út kê một bảng câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) lắc đầu ngán ngẩm vì ngày nào báo chí cũng phản ánh tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, rau xanh lẫn thuốc trừ sâu, làng ung thư, các dòng sông đang chết dần vì ô nhiễm - toàn những chuyện gây hoang mang cho mọi tầng lớp nhân dân.
Công ty Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải 14 năm qua, thiệt hại khó tính hết cho sức khỏe, đời sống của hàng chục nghìn hộ nông dân đến nay vẫn chưa giải quyết việc bồi thường vậy mà Vedan lại vừa được Bộ KH-CN trao giải thưởng sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009.
Ông Dũng cũng “đá” thêm tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy việc, chạy trường, tham nhũng, hối lộ còn khá phổ biến. “Ai cũng thấy nhưng chẳng thấy mấy ai nhận tiền mà bị kỷ luật. Thật lạ lùng khi thấy số tiền mà cán bộ cả nước nộp lại quà biếu chỉ có 66,5 triệu đồng chia cho hơn 200 người, bình quân mỗi người chỉ có 300.000 đồng”.
Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) bồi tiếp bức xúc: vấn nạn chạy chức, chạy quyền sẽ làm gia tăng tình trạng chạy theo bằng cấp. Đại biểu này trào lộng: “Nhưng có điều rất lạ là trên thế giới người ta đào tạo tiến sỹ để làm việc trong các ngành khoa học, ở các trường học hoặc viện nghiên cứu, còn ở ta phấn đấu có bằng tiến sỹ chủ yếu là để làm quan”.
Theo Dân trí