Gen Z – Nhanh, gọn, cá nhân hóa?
Gen Z hay thế hệ Z là nhóm công dân số năng động, được sinh ra và lớn lên cùng với sự phát triển của Internet, mạng xã hội và những “cú vuốt” màn hình.
Không cần phải chờ các bản tin sáng, cũng không cần phải đợi báo giấy sáng sớm, thay vào đó, có thể nói, mọi tin tức thế hệ này tiếp cận được đều đến từ các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram, YouTube, Twitter (X), thậm chí là qua các meme, story, và podcast… Điều này không chỉ tác động đến cách Gen Z tiêu thụ thông tin, bên cạnh đó còn thay đổi cả cách họ tin tưởng và lựa chọn nguồn tin cho chính mình.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tư duy nhanh, thích hình ảnh, ưa nội dung ngắn gọn, sinh động và cá nhân hóa - là đặc trưng trong cách Gen Z tiếp cận thông tin. Đối với họ, thông tin không chỉ để đọc mà còn để tương tác, chia sẻ và phản hồi tức thì. Điều này khiến báo chí truyền thống, vốn dựa trên mô hình một chiều và nghiêm túc đang dần trở nên xa lạ, thậm chí là ngày càng bị lãng quên.
Làm sao để không đánh mất lượng bạn đọc Gen Z?
Có thể thấy, lý do khiến báo chí truyền thống hụt hơi với Gen Z, một phần là từ sự thiếu linh hoạt trong hình thức và ngôn ngữ truyền tải. Các bài viết dài, ngôn ngữ khuôn mẫu, ít yếu tố thị giác… khiến nhiều bạn trẻ thấy nhàm chán.
![]() |
Ảnh minh họa |
Hơn thế nữa, thuật toán của các nền tảng mạng xã hội đã cá nhân hóa nội dung người dùng, tức là, sử dụng dữ liệu cá nhân của riêng họ (lịch sử, thói quen, hành vi truy cập) để tạo ra tuyến nội dung phù hợp.
Bùi Vũ Khánh T. (22 tuổi, hiện đang là sinh viên năm 3, Trường Đại Học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về thói quen tìm hiểu thông tin, cách bản thân cập nhật các vấn đề xã hội thường ngày: “Chủ yếu là mình xem trong các Hội nhóm trên Facebook hoặc video phân tích trên TikTok, nếu có vấn đề nào muốn tìm hiểu kỹ hơn, mình sẽ tìm kiếm thêm trên Google, thi thoảng hiện ra một vài bài báo mình cũng click vào xem, nhưng ít lắm, vì thường các bài như thế hơi dài, chuyên môn nhiều mà mình lại không có kiên nhẫn”.
Ngoài ra, Gen Z cũng ngày càng cảnh giác với nguồn thông tin họ được tiếp cận. Theo anh Trần Quốc Đ. (26 tuổi, Kinh doanh, sinh sống và làm việc tại Hà Nội): “Hàng ngày anh hay theo dõi thông tin trên Facebook hoặc xem bản tin Thời sự thôi, nếu có vấn đề nào anh quan tâm hay muốn tìm hiểu thì thường lên YouTube để xem phân tích nhiều hơn. Anh có đăng ký kênh của một vài anh/chị có tên tuổi từ rất lâu rồi, chắc cũng phải được 2-3 năm. Anh thấy góc nhìn của người ta rất thực tế, phân tích được theo nhiều hướng, cách nhìn vấn đề cũng sát sao, tỉ mỉ. Nhiều khi xem xong, anh lại học hỏi được từ người ta rất nhiều”.
Khoảng cách thế hệ và bài toán đổi mới nội dung
Thứ mà báo chí từng có là sự ảnh hưởng và khả năng dẫn dắt dư luận, vậy nhưng hai năng lực này hiện nay đang bị phân mảnh nghiêm trọng. Trước đây, các nhà báo được cho là những người giữ cổng (gatekeeper) thông tin. Nhưng giờ đây, bất cứ ai cũng có thể trở thành một nhà báo, hay người đưa tin chỉ với một chiếc smartphone, một đoạn clip ngắn, một bài viết chia sẻ quan điểm viral… từ người dùng TikTok hay Facebook hoàn toàn có thể tạo hiệu ứng lớn hơn cả một bài phóng sự chính thống.
Gen Z bây giờ không chỉ ngồi chờ thông tin, thay vào đó họ chủ động chọn lọc, tự tìm hiểu và xây dựng góc nhìn từ nhiều nguồn. Trong thế giới mở đó, báo chí đã không còn là độc quyền mà chỉ là một lựa chọn – và đáng buồn lại không phải lựa chọn ưu tiên.
Thách thức chuyển mình
Dù vậy, điều đó không có nghĩa báo chí truyền thống hoàn toàn bị gạt ra khỏi cuộc chơi. Thay vì chờ Gen Z “quay xe”, có lẽ chính báo chí cũng cần chủ động thay đổi để kết nối lại với nhóm bạn đọc đông đảo và trẻ trung.
Gen Z tuy không đọc báo giấy, cũng chẳng mấy khi vào website báo chí và chỉ dành phần lớn thời gian lang thang trên mạng xã hội, trong đó TikTok, Instagram, YouTube Shorts, podcast... là “những khu phố mà Gen Z sinh sống mỗi ngày”.
![]() |
TikTok, Instagram, YouTube Shorts, podcast... là “những khu phố mà Gen Z sinh sống mỗi ngày”. Ảnh minh họa |
Một trong những giải pháp để đến gần hơn với Gen Z là đa nền tảng hóa nội dung báo chí. Các bài viết dài có thể được chuyển thể thành video TikTok 60 giây, một podcast phân tích sâu sắc, hoặc một video dạng vlog ngắn trên YouTube. Điều quan trọng là chúng ta vẫn giữ nguyên tinh thần nội dung nhưng chỉ thay đổi cách kể chuyện, sao cho phù hợp với từng nền tảng.
Bên cạnh đó, báo chí truyền thống vốn quen với lối viết trang trọng, khuôn mẫu. Nhưng Gen Z không nói như vậy mà thích sự gần gũi, linh hoạt, không thể thiếu sự hài hước. Có thể vẫn giữ nguyên tính chuẩn mực trong các bài viết chính thống, nhưng khi đăng tải trên nền tảng dành cho Gen Z, lại đổi sang phong cách bắt trend không ngại meme. Từ đó, báo chí sẽ không còn là người lớn khô khan mà có thể trở thành người bạn cùng tần số với Gen Z.
Nên tăng cường triển khai các hình thức nội dung tương tác hai chiều như mở khảo sát, Q&A, story vote, livestream thảo luận, comment mở... Hoặc có thể xây dựng các chiến dịch “đồng sáng tạo” cùng Gen Z – cho phép họ gửi bài, chia sẻ góc nhìn, thậm chí tham gia sản xuất nội dung, khi Gen Z thấy mình là một phần của báo chí, họ sẽ không quay lưng lại.
Bên cạnh đó, có thể xây dựng thêm đội ngũ phóng viên trẻ, KOLs, cộng tác viên đến từ chính những Gen Z để làm cầu nối. Họ hiểu thế hệ của mình đang quan tâm gì, sử dụng ngôn ngữ nào hay xu hướng nào đang hot, từ đó có thể giúp đưa ra các ý tưởng nội dung đúng trend, trúng nhu cầu. Có thể nói, đây không chỉ là chiến lược nội dung mà còn là cách xây dựng lại niềm tin và sự gần gũi giữa báo chí và những độc giả trẻ.
Những điều các bạn trẻ cần không chỉ là tin tức, mà là quan điểm, sự kết nối, tương tác, là cảm giác được lắng nghe và đối thoại – nơi họ được thể hiện tiếng nói và giá trị cá nhân. Báo chí chỉ có thể chạm tới họ khi biết lắng nghe, giao tiếp và cùng họ nhìn nhận thế giới bằng một góc nhìn mới, gần gũi, chân thực và Gen Z hơn.
Theo TP