Bí thư chi bộ tuổi 22 trên đỉnh Phìn Hồ

CTG - Hiện nay, lứa tuổi vào Đảng thường cũng trên dưới 30 tuổi. Nhưng, các đồng chí Biên phòng ở Điện Biên “chỉ điểm” cho chúng tôi rằng, trên địa bàn có một đảng viên, làm Bí thư Chi bộ ở tuổi 22. Người đó là Tráng A Dung, người Mông ở thôn Phìn Hồ, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên…

Mất ngủ vì được bầu làm Bí thư Chi bộ

Tám giờ tối, tôi lên xe khách từ Hà Nội đi theo Quốc lộ 6 gần 500km. Sáng hôm sau, tôi có mặt ở thành phố Điện Biên Phủ, rồi tiếp tục đón xe đi theo Tỉnh lộ 131 hơn 100km mới đến được UBND xã Phìn Hồ.

Vì đã hẹn trước, khi tôi đến, Thiếu tá Tô Hiến Quyên (cán bộ Biên phòng tăng cường xã, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ) đã chờ sẵn. Thiếu tá Quyên vào việc rất nhanh: “Bản Phìn Hồ là địa bàn xa nhất, cao nhất của xã, nằm chót vót trên đỉnh Phìn Hồ, ở độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển. Anh em mình phải quanh co vượt qua 10 quả núi mới tới nơi. Ta tranh thủ đi sớm, chứ không trời tối không kịp xuống núi”.

Bí thư chi bộ tuổi 22 trên đỉnh Phìn Hồ ảnh 1

Mô hình nuôi lợn bản địa của bí thư chi bộ Tráng A Dung

Vừa nói xong, chúng tôi lập tức lên đường. Đúng như Thiếu tá Quyên cảnh giới, anh em chúng tôi phải vượt qua nhiều quả đồi mây trắng bao phủ. Có những đoạn dốc cao, chiếc xe máy phải gầm lên, oằn mình mới vượt qua được.

Khi hoàn thành chặng đường núi hơn 10km, bản Phìn Hồ xuất hiện giữa thung lũng, hai bên là hai ngọn núi. Đang say sưa ngắm cảnh núi rừng thì Tráng A Dung từ trong bản ra đón chúng tôi. Dung có dáng người nhỏ như hầu hết những người bạn Mông mà tôi gặp. Nước da trắng của Dung là quà tặng của vùng núi cao, sương phủ quanh năm này.

Rảo bước trên con đường vào bản, Dung chia sẻ, sau khi tốt nghiệp lớp 9, do gia đình khó khăn, anh không tiếp tục theo học cấp 3 mà về tập trung chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Với sự năng động, sáng tạo, tích cực hoạt động Đoàn thanh niên, Dung được Chi bộ thôn, Đảng ủy xã Phìn Hồ bồi dưỡng, cho đi học lớp cảm tình Đảng. Sau một thời gian phấn đấu, năm 2019, Dung vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

“Ông nội tôi năm nay đã 90 tuổi, có 63 năm tuổi Đảng. Tôi được kết nạp vào Đảng, ông rất tự hào, dặn dò phải làm hết sức mình giúp bản, giúp dân phát triển”, Dung tâm sự. Không chỉ vào Đảng sớm, thuận lợi, Dung còn được giao luôn trọng trách lãnh đạo Chi bộ. Sau một năm dự bị, khi trở thành đảng viên chính thức, Đảng ủy xã tin tưởng, các đảng viên trong Chi bộ bản Phìn Hồ và bà con tín nhiệm bầu Dung làm Bí thư Chi bộ khi Dung mới 22 tuổi, trở thành Bí thư chi bộ trẻ nhất xã Phìn Hồ và là Bí thư Chi bộ vào diện trẻ nhất huyện.

Bí thư chi bộ tuổi 22 trên đỉnh Phìn Hồ ảnh 2

Tráng A Dung cùng ông nội 90 tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng

Dung biết, các đảng viên trong Chi bộ bầu một đảng viên trẻ măng như mình làm Bí thư là mong anh dùng sức trẻ để tạo ra sự thay đổi cho cả bản. Dung nói, Phìn Hồ theo tiếng đồng bào Mông là “con suối chảy qua vùng đất phẳng”; ý nói đây là vùng đất đẹp, là thung lũng nằm trên núi cao, thời tiết mát mẻ, đất đai phì nhiêu, dễ trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng thực tế lại rất đáng lo: Bản có 173 hộ, tỷ lệ hộ nghèo gần 100%.

“Giao thông đi lại quá khó khăn ư? Chưa có điện ư? Người dân ỉ lại chính sách Nhà nước không muốn vươn lên sao? Nếu giải được những câu hỏi này, chắc chắn đưa kinh tế của bản khá lên. Nghĩ là làm, đầu năm 2020, tôi tổ chức họp Chi bộ, cùng các đoàn thể làm đề nghị Đảng ủy, UBND xã xây dựng đường bê tông, kéo điện lên bản, tạo điều kiện cho người dân phát triển”, Dung cho hay.

Đầu năm 2021, tuyến bê tông lên bản hoàn thành rồi người dân hân hoan đón điện lưới quốc gia. Cuộc sống của người dân Phìn Hồ như sang trang mới. Nhiều hộ mua sắm tivi, có hộ mua sắm tủ lạnh, máy xay lúa… Đi cùng với việc được Nhà nước đầu tư hạ tầng, Dung đã tìm tòi, nghiên cứu các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ để nâng cao thu nhập.

“Nhiều đêm tôi không ngủ và trằn trọc. Đảng viên, người dân tin tưởng bầu mình lên, không làm được gì cho bà con, khiến mình áy náy. Thế rồi, tôi quyết tâm, tìm ra một mô hình chăn nuôi vừa dễ làm, vừa hợp với khí hậu nơi đây. Sau nhiều ngày nghiên cứu, tôi quyết định đầu tư làm chuồng, nuôi trâu nhốt vỗ béo, đây là hướng đi phát triển kinh tế nhanh. Trâu vỗ béo nuôi 3 tháng xuất chuồng, quay vòng lứa khác và mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng”, Dung chia sẻ.

Với miền xuôi, việc vỗ béo trâu bò không có gì lạ, nhưng với đồng bào Mông ở Phìn Hồ vẫn là việc rất mới, nhất là việc chuyển dần từ chăn thả sang nuôi nhốt. Với kỹ thuật nuôi đơn giản, phù hợp khí hậu, việc nuôi trâu đã đưa lại thành công ngay lập tức. Năm đầu tiên mang lại cho anh thu nhập 120 triệu đồng. Thị trường đang ưa thích gà đen và lợn đen bản địa, anh lại đầu tư chuồng trại, tiến hành nuôi theo hướng hàng hóa, mang lại lợi ích kinh tế rất cao. Nhờ vậy, chỉ trong 4 năm, anh đã có số vốn hơn 700 triệu đồng.

Giúp dân làm kinh tế, sống tốt đời đẹp đạo

Từ thành công của bản thân, Dung lại tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm theo. Anh hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cách xây dựng chuồng, phòng chống dịch, cung cấp con giống cho bà con phát triển sản xuất. Từ sự giúp đỡ của Chi bộ, trong năm 2021-2022, bản Phìn Hồ có 33 hộ thoát nghèo, 44 hộ từ hộ nghèo lên hộ cận nghèo.

Bí thư chi bộ tuổi 22 trên đỉnh Phìn Hồ ảnh 3

Một góc bản Phìn Hồ

Bí thư Dung cho biết, 100% người dân trong bản theo đạo Tin lành Việt Nam miền Bắc. Đảng viên là người theo đạo phải làm tốt câu: “Kính Chúa, yêu nước”. “Là Bí thư Chi bộ và tham gia Ủy viên Ban chấp sự điểm nhóm đạo Tin lành Việt Nam miền Bắc, tôi phải làm sao biến những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống, truyền cảm hứng cho dân bản cố gắng vươn lên trong cuộc sống, xóa bỏ hủ tục, chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình” - Dung chia sẻ.

Theo Dung, có một thực trạng đáng buồn là người dân ỉ lại chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, không muốn thoát nghèo. Qua những buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt tôn giáo, tôi tuyên truyền, lấy chính việc mình làm truyền “lửa” cho bà con phát triển kinh tế. Khó ở đâu, vướng ở đâu, anh trực tiếp đến tháo gỡ giúp bà con ở đó.

Học theo Bí thư Chi bộ Tráng A Dung, nhiều hộ dân trong bản tích cực lao động, sản xuất. Thào A Lù (25 tuổi) nói, anh Dung là người đầu tiên trong bản chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nay gia đình anh ấy có kinh tế vững nhất bản. Tôi cũng được anh Dung hướng dẫn, cho vay vốn chăn nuôi, nên kinh tế gia đình đến nay đã ổn định.

Chia tay chúng tôi Tráng A Dung vẫn có những trăn trở: Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của bản vẫn còn cao. Anh mong muốn xây dựng bản Phìn Hồ trở thành một bản nông thôn mới, là nơi đáng sống, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Theo TPO