'Biến' mít non thành... thịt

(CTG) Mong muốn nâng tầm giá trị nông sản, chị Cao Thị Cẩm Nhung (36 tuổi, TP.Ngã Bảy, Hậu Giang) tận dụng những phần tưởng chừng bỏ đi như mít non, xơ mít, hột mít, cùi mít để làm thành "thịt" thực vật và nhiều sản phẩm ăn vặt.

Thấy cơ trong nguy

Theo chị Nhung, Hậu Giang có diện tích mít lớn thứ 2 cả nước với hơn 7.000 ha, chỉ sau Tiền Giang. Trong dịch Covid-19, không chỉ vườn mít 10 ha của gia đình chị điêu đứng vì phụ thuộc vào thương lái mà nhiều nông dân khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

"Giá mít tươi không ổn định, tuy có lúc cao chạm đỉnh nhưng người nông dân thường phải chịu thiệt thòi trong việc giao dịch giá bán với thương lái. Đa phần chỉ có 30% mít trong vườn đạt loại 1, bán được giá. So với mít loại 1, giá mít loại 2, loại 3 thấp hơn đến 40%. Còn mít tự ra chợ càng rẻ hơn nữa", chị Nhung tâm sự.

Thanh niên nông thôn miền Tây đột phá khởi nghiệp: 'Biến' mít non thành... thịt - Ảnh 1.

Chị Nhung (thứ 2 từ trái qua) tìm hiểu vùng nguyên liệu mít tại xã Đại Thành, TP.Ngã Bảy, Hậu Giang.

Chị Nhung từng là giáo viên nhưng sau đó xin nghỉ việc vì niềm đam mê khởi nghiệp quá lớn. Chị có 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, nổi bật là những sản phẩm ăn vặt và các loại nước sốt, gia vị. Quá trình tiếp xúc thị trường giúp chị nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện nay là chú trọng chế độ ăn uống lành mạnh, bền vững, trong đó có các sản phẩm thay thế thịt động vật.

Trái mít cũng là loại nông sản có hàm lượng dinh dưỡng cao với nhiều vitamin A, vitamin C, can xi, sắt... tốt cho sức khỏe. Nhận thấy tiềm năng đó, chị Nhung quyết định "tìm cơ trong nguy" giữa dịch Covid-19. Chị bắt đầu tìm hiểu các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ "thịt" thực vật. Rồi từ trái mít, chị tạo ra những sản phẩm có hương vị, kết cấu gần giống thịt động vật.

Thanh niên nông thôn miền Tây đột phá khởi nghiệp: 'Biến' mít non thành... thịt - Ảnh 2.

Những sản phẩm từ mít của chị Nhung.

Tái sinh những phần kém giá trị của mít

Chị Nhung cho biết trong quá trình canh tác, nông dân cắt bỏ nhiều trái mít non để dưỡng cây. Những trái mít này được xem là loại bỏ đi, vì không thể bán ra thị trường.

"Người dân đã quen sử dụng mít dạng tươi hoặc sấy khô. Ít ai nghĩ rằng trái mít non còn có thể làm được việc gì khác. Trong khi đó, thịt mít non có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, không chứa cholesterol, rất thích hợp để làm thực phẩm giả thịt như pa tê, giúp người ăn chay có thêm sự phong phú trong mỗi bữa ăn thay vì lựa chọn quen thuộc như đậu nành, tàu hũ…", chị Nhung chia sẻ.

Mặc dù với kinh nghiệm 10 năm làm trong ngành thực phẩm, nhưng chị Nhung cũng phải trải qua nhiều gian nan trong quá trình biến ý tưởng thành sản phẩm. Những khó khăn bước đầu như xử lý mủ trái mít non để không ảnh hưởng đến mùi vị, tiếp cận máy móc, công nghệ chế biến hiện đại…

Đầu năm 2022, ba sản phẩm từ mít của thương hiệu Lemit Foods ra đời, gồm: pa tê, chả cá thát lát, bánh phồng. Đến nay bộ sưu tập sản phẩm đã phong phú hơn khi có thêm snack (vị phô mai và vị muối hồng), khô và mọc mít.

Chị Nhung đã tận dụng được nhiều thành phần của trái mít như mít non, xơ, hột và cùi mít (trừ phần vỏ mít - PV). Tùy vào mỗi loại sản phẩm mà cách sử dụng nguồn nguyên liệu sẽ khác nhau. Cũng như mỗi sản phẩm sẽ có những công đoạn xử lý và quy trình chế biến riêng.

"Trái mít từ lúc còn non cho đến 3 tháng, 6 tháng hay thu hoạch đều có thể tận dụng. Khi trái mít được sử dụng gần như triệt để các thành phần cũng đồng nghĩa với việc góp phần nâng cao giá trị trái mít cho người nông dân", chị Nhung vui vẻ nói.

Thanh niên nông thôn miền Tây đột phá khởi nghiệp: 'Biến' mít non thành... thịt - Ảnh 3.

Chị Nhung (trái) đưa các sản phẩm từ mít tham gia Phiên chợ Xanh tử tế. Thanh Duy

 Kỳ vọng phát triển thành hợp tác xã

Theo chị Nhung, sau 3 tháng tung các sản phẩm giả thịt ra thị trường, Lemit Foods đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh số gần 30%. Hiện pa tê mít trở thành sản phẩm chủ lực, được nhiều khách hàng trong nước tin dùng và lựa chọn. Ngoài thành lập công ty tại TP.Ngã Bảy (Hậu Giang), chị còn xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến trên website, mạng xã hội.

Hiện nay cơ sở của chị Nhung đang mở rộng quy mô sản xuất và quy hoạch thêm vùng nguyên liệu mít tại quê nhà, trồng theo hướng VietGap, LocalGap. "Kế hoạch của tôi là mở rộng danh mục sản phẩm gắn với giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam; đồng thời hỗ trợ nông dân địa phương tiêu thụ nông sản, góp phần vào sự phát triển kinh tế của vùng", chị Nhung bộc bạch.

Anh Bùi Hữu Lộc, Bí thư Tỉnh đoàn Hậu Giang, cho biết những sản phẩm từ quả mít của chị Nhung có tính tiên phong trong khởi nghiệp đổi mới - sáng tạo. Hầu như trước đây chưa có doanh nghiệp trẻ nào tại Hậu Giang nghĩ tới và thực hiện.

"Tỉnh đoàn Hậu Giang mong cách làm hiệu quả của chị Nhung ngày càng được nhân rộng, phát triển thành hợp tác xã, nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất, tiêu dùng. Điều này sẽ nâng cao giá trị cho loại cây trồng rất quen thuộc ở Hậu Giang, từ đó góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên lao động tại địa phương", anh Lộc nói.

Theo TN