Bình Thuận: Đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ và phát triển rừng

(CTG) Các chương trình 134, 135 của Chính phủ cùng nghị quyết 04 của tỉnh đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số Bình Thuận có một cuộc sống ổn định. Bên cạnh đó lợi ích từ những chương trình này mang lại ý nghĩa to lớn với việc đồng bào tham gia bảo vệ rừng, cuộc sống được đảm bảo, khối tài nguyên quốc gia cũng được bảo vệ an toàn.



Bình Thuận là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm trước đây do mưu sinh nên tình trạng bà con tự ý chặt phá rừng làm rẫy, làm nhà, làm vật dụng... đã dẫn đến rừng bị suy kiệt. Để ngăn chặn tình trạng suy giảm diện tích rừng, tỉnh đã triển khai việc giao đất - giao rừng cho bà con nhằm phát huy vai trò các dân tộc thiểu số vào việc bảo vệ và phát triển rừng. Đông thời cử cán bộ đến từng nhà để tuyên truyền cho bà con hiểu rõ chủ trương và lợi ích của chương trình này.

Nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc bảo vệ rừng, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn đăng ký tham gia nhận khoán quản lý rừng. Đến nay, toàn tỉnh đã giao khoán gần 90 ngàn ha rừng cho 2.447 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận quản lý, bảo vệ. Không những có nguồn thu từ các sản phẩm rừng mang lại, bình quân mỗi hộ còn nhận được tiền công giữ rừng khoảng 3,6 triệu đồng/hộ/năm. Với khoản thu nhập này, nhiều hộ dân đã đầu tư vào việc trồng cà phê, cao su…tăng nguồn thu cho gia đình và thoát nghèo bền vững.

Nhờ cuộc sống được cải thiện, nên tình trạng phá rừng đã giảm đáng kể. Tình hình quản lý bảo vệ rừng trong diện tích giao khoán được thực hiện nghiêm túc. Khi rừng được giao, bà con đã chia thành tổ, đội quản lý bảo vệ rừng và phân công lịch tuần tra bảo vệ chặt chẽ. Bên cạnh đó còn có sự phối hợp đồng bộ với lực lượng quản lý bảo vệ rừng của đơn vị chủ rừng nên diện tích rừng giao khoán hiện nay được bà con quản lý bảo vệ hiệu quả. Điển hình như xã Phan Dũng (huyện Tuy Phong), 16 năm nay khu rừng hơn 20.000 ha với nhiều loại gỗ quý vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong, rừng Phan Dũng rộng lớn, giáp tới cả rừng Ma Nới (Ninh Thuận) và rừng Tà Năng (Lâm Đồng), do đó Ban quản lý chỉ tuần tra được những điểm rừng giáp ranh, còn điểm rừng gần xã thì giao bà con quản lý. Cả xã Phan Dũng chưa tới 200 hộ dân thì có tới 100 hộ tham gia giữ rừng. Giống như cán bộ, bà con Rắc Lây cũng đi tuần trong vùng rừng gia đình được giao.

Kết quả sau những năm thực hiện dự án cho thấy chủ trương giao rừng ở tỉnh đã có triển vọng tốt. Từng cánh rừng trên địa bàn tỉnh đang xanh lại và ngút ngàn sức sống nhờ sự góp công rất lớn của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời chương trình này cũng đã tác động sâu sắc đến ý thức của người dân, giúp thay đổi tập quán sản xuất du canh du cư, giảm thiểu đáng kể tình trạng phá rừng làm rẫy tại địa phương./.



Theo TTXVN