Bộ GD-ĐT đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế thông tư hiện hành, trong đó dự kiến quy định thi 3 môn vào lớp 10. Để hoàn thiện dự thảo này, Bộ GD-ĐT mới có công văn đề nghị các sở GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến từ các cơ sở giáo dục phổ thông đối với một số nội dung của quy chế, bao gồm: dự thảo về số môn thi, đề thi vào lớp 10...
Môn thi thứ 3 công bố trước ngày 31.3
Theo đó, về phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT, Bộ GD-ĐT đưa ra 2 phương thức là xét tuyển và thi tuyển.
Với phương thức xét tuyển: căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Về thi tuyển, dự thảo quy định cụ thể: số lượng môn thi là 3 môn, gồm: toán, ngữ văn và một môn thi do sở GD-ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Dự thảo còn quy định chi tiết về cách thức bốc thăm môn thi thứ 3 với thành phần tổ chức bốc thăm gồm: lãnh đạo sở GD-ĐT, đại diện lãnh đạo các phòng trực thuộc sở GD-ĐT, thanh tra sở GD-ĐT và các thành phần có liên quan khác do sở GD-ĐT mời; biên bản bốc thăm phải có chữ ký của các thành viên tham gia. Môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31.3 hằng năm.
Đối với việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên, mỗi môn chuyên có thêm 1 môn thi chuyên.
Dự thảo cũng quy định rõ về thời lượng dành cho các môn thi: môn ngữ văn 120 phút, môn toán 90 phút, môn thi còn lại không quá 90 phút, môn thi chuyên 150 phút.
Ra đề, chấm thi thế nào?
Dự thảo nêu: "Nội dung đề thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9. Mỗi môn thi chuyên được thi bằng một đề thi riêng theo chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS; đề thi bảo đảm lựa chọn được những học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.
Giám đốc sở GD-ĐT, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học quyết định thành lập các hội đồng ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi theo phạm vi quản lý.
Dự thảo của Bộ GD-ĐT còn quy định về việc ra đề thi với từng thành phần hội đồng ra đề thi, đồng thời nhấn mạnh: "Công tác ra đề thi phải bảo đảm an toàn, bảo mật ở tất cả các khâu: ra đề, in sao đề thi, vận chuyển, bàn giao và bảo quản đề thi. Đề thi bảo đảm chính xác, khoa học và tính sư phạm; có đề thi chính thức và đề thi dự bị; mỗi đề thi có đáp án kèm theo, riêng đề thi tự luận có thêm hướng dẫn chấm thi".
Thành phần hội đồng chấm thi cũng được quy định cụ thể trong dự thảo, trong đó có nêu: "Cán bộ chấm thi là giáo viên am hiểu chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS".
Với bài thi tự luận, Bộ GD-ĐT yêu cầu phải tổ chức cho cán bộ chấm thi nghiên cứu, thảo luận vận dụng đáp án và hướng dẫn chấm; tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài thi; tổ chức chấm hai vòng độc lập.
Với bài thi trắc nghiệm, phải tổ chức tập huấn cho cán bộ chấm thi về sử dụng phần mềm chấm thi. Phần mềm chấm thi phải bảo đảm chính xác, khoa học; được nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng chấm thi.
Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT cũng dự kiến yêu cầu: "Việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi" thay vì các địa phương công bố điểm thi rồi một thời gian mới công bố điểm chuẩn như hiện nay.
Theo TN