Bỏ làm công chức để đi khởi nghiệp, thành ông chủ quỹ đầu tư giám sát số vốn 86 tỉ yen - Ảnh 1.
Ông Tomotaka Goji, chủ tịch công ty đầu tư mạo hiểm UTEC - Ảnh: BLOOMBERG
Ở tuổi 50, ông Tomotaka Goji nắm trong tay UTEC - công ty đầu tư mạo hiểm chuyên biến những nghiên cứu học thuật tiềm năng thành mô hình khởi nghiệp hiệu quả.
Thành lập năm 2004, đến nay UTEC đã đầu tư vào 110 công ty khởi nghiệp, trong đó có 30 doanh nghiệp của Nhật. 25 khoản đầu tư của công ty đã thoái vốn. Trong đó, 13 đơn vị thoái vốn qua hình thức IPO với tổng giá trị thị trường cao nhất đạt 15 tỉ USD, theo báo Techcrunch.
Đặc biệt, UTEC 4 - quỹ đầu tư được công ty của ông Goji thành lập năm 2018 - có lợi nhuận hằng năm đạt 35%, tốt nhất trong số các quỹ đầu tư với quy mô trên 10 tỉ yen (75 triệu USD) ở Nhật, theo số liệu Hãng tin Bloomberg tổng hợp.
Hiện nay, UTEC đang giám sát nguồn vốn trị giá 86 tỉ yen (648 triệu USD).
Bỏ việc nhà nước để đi khởi nghiệp
Trước khi thành lập UTEC, ông Goji là cán bộ tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật (METI). Năm 1997, ông được giao soạn thảo dự luật đầu tiên của Nhật về các khoản đầu tư vốn mạo hiểm.
Được thông qua vào năm 1998, dự luật do ông Goji đề xuất đã lần đầu tiên giới hạn trách nhiệm pháp lý của nhà đầu tư trong các quỹ mạo hiểm. Tuy nhiên, câu chuyện khởi nghiệp vẫn bị người Nhật thờ ơ.
"Tôi rất thất vọng", ông Goji chia sẻ.
Năm 2001, ông Goji quyết tâm đến học tại Trường kinh tế Stanford để hiểu rõ hơn phép màu tại Thung lũng Silicon.
Ngay sau khi về nước vào năm 2003, ông Goji xin nghỉ ở METI và thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của mình. Quyết định này vấp phải sự chỉ trích nặng nề của cấp trên cũ và ông đã phải đền khoản học phí du học được đài thọ.
Bỏ làm công chức để đi khởi nghiệp, thành ông chủ quỹ đầu tư giám sát số vốn 86 tỉ yen - Ảnh 2.
Ông Tomotaka Goji cùng đội ngũ điều hành quỹ đầu tư UTEC 5. Với số vốn 30 tỉ yen (275 triệu USD), UTEC 5 là quỹ lớn nhất của UTEC đến nay - Ảnh: TECHCRUNCH
Đến năm 2004, ông Goji thành lập UTEC.
"Việc đầu tiên chúng tôi làm là gây quỹ dựa trên đạo luật do chính tôi biên soạn. Lúc đó, tôi chỉ là một cựu quan chức nhà nước mới chập chững bước vào giới đầu tư mạo hiểm. Chúng tôi gõ cửa từng nhà đầu tư tiềm năng, làm việc với tất cả các viện tài chính, công ty bất động sản, nhà sản xuất và cơ quan nhà nước có thể", ông Goji chia sẻ với trang tin YourStory.
Tuy nhiên, hành trình của ông Goji và UTEC không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có thời điểm, ông là người duy nhất còn bám trụ lại UTEC.
"Sau 9 năm, tôi mới có lãi từ quỹ đầu tư đầu tiên. Điều đó chứng minh đầu tư không phải chuyện đơn giản", ông Goji nhớ lại.
Khuôn mẫu cho thành công của đầu tư khởi nghiệp
Nhiều năm sau, thành công đột phá mới đến với ông Goji và UTEC với Công ty PeptiDream.
Bỏ làm công chức để đi khởi nghiệp, thành ông chủ quỹ đầu tư giám sát số vốn 86 tỉ yen - Ảnh 3.
Nhân viên tại PeptiDream đang làm việc trong phòng thí nghiệm công ty - Ảnh: BLOOMBERG
Dựa trên nghiên cứu tân tiến về peptide (các chuỗi amino acid ngắn) của giáo sư hóa học Hiroaki Suga, sản phẩm của PeptiDream giúp tăng cường hiệu quả của nhiều loại thuốc mới.
UTEC đã kết nối giáo sư Suga với doanh nhân Kiichi Kubota, người sau này trở thành giám đốc điều hành của công ty và góp phần thương mại hóa thành công nghiên cứu này.
Năm 2013, PeptiDream ký thỏa thuận hợp tác với hai nhà sản xuất thuốc đến từ Mỹ là Eli Lilly & Co. và Merck & Co.
Đến nay, giá trị của PeptiDream trên sàn chứng khoán Tokyo đã đạt 2 tỉ USD.
PeptiDream trở thành khuôn mẫu đầu tư kinh điển của ông Goji: thương mại hóa các nghiên cứu khoa học tầm cỡ thế giới của Nhật.
Chìa khóa thành công là tiến ra thế giới
Lời khuyên của ông Goji cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Nhật là phải tham vọng. Với ông Goji, điểm mấu chốt của thành công thương mại nằm ở việc vươn tầm quốc tế. Ông tin rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Nhật nên bán công ty của mình, thay vì chỉ quẩn quanh trong nước để giữ quyền kiểm soát.
Bỏ làm công chức để đi khởi nghiệp, thành ông chủ quỹ đầu tư giám sát số vốn 86 tỉ yen - Ảnh 4.
Biểu đồ các doanh nghiệp nhận đầu tư của UTEC. Hơn một nửa trong đó đến từ các cơ sở nghiên cứu - Ảnh: TECHCRUNCH
Niềm tin của ông Goji ứng nghiệm với công ty công nghệ gene OriCiro và tập đoàn trang thiết bị 908.
Đầu năm 2023, tập đoàn dược Moderna của Mỹ đã chi 85 triệu USD để mua lại OriCiro, đơn vị sở hữu công nghệ giúp đẩy nhanh quá trình điều chế mRNA được dùng trong sản xuất nhiều loại vắc xin, trong đó có vắc xin COVID-19.
Trong khi đó, Tập đoàn 908, với sản phẩm là thiết bị y tế cầm tay chuyên phát hiện và định danh nguy cơ hóa học, đã lên sàn Nasdaq (sàn chứng khoán lớn thứ 2 thế giới) vào năm 2020.
"Khi chúng tôi còn là công ty nhỏ và bị mọi người ngờ vực, UTEC đã cho chúng tôi các mối quan hệ và giới thiệu chúng tôi với nhiều khách hàng lớn. Lúc đó, số quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào công nghệ chuyên sâu rất ít. Họ đã đề ra cho mình sứ mệnh tập trung vào lĩnh vực này", ông Iwao Yoshino, giám đốc điều hành Công ty Hóa học Microwave, chia sẻ.
Những nỗ lực dần được đền đáp
25 năm sau nỗ lực đầu tiên ủng hộ phong trào khởi nghiệp ở Nhật, tâm huyết của ông Goji dần nhận được trợ giúp từ thượng tầng chính phủ.
Tháng 11-2022, chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida đã công bố kế hoạch trị giá 10.000 tỉ yen (75 tỉ USD) hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp Nhật thông qua đầu tư trực tiếp hoặc ưu đãi thuế. Mục tiêu của kế hoạch này là tăng số doanh nghiệp "kỳ lân" ở nước này lên gấp 10 lần hiện tại vào năm 2027.
"Không phải làm nhà nước mới là phục vụ cộng đồng. Kinh doanh có thể là nước đi hiệu quả hơn", ông Goji chiêm nghiệm.
Bỏ làm công chức để đi khởi nghiệp, thành ông chủ quỹ đầu tư giám sát số vốn 86 tỉ yen - Ảnh 5.
Theo tuoitre