Hơn 6 năm nay, anh Nguyễn Trung Tính (40 tuổi, tổ dân phố Đại Thành, thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) thuê lại mảnh đất rộng 7.000m2 ven bãi bồi sông La để trồng táo đại.
Vùng đất này vốn hoang hóa vì thường xuyên ngập úng vào mùa lũ, khô nóng vào mùa hạ, lại là đất pha cát nên khó sản xuất.
"Tôi từng làm lái xe nhiều năm nhưng về sau sức khỏe không đảm bảo nên xin nghỉ. Bản thân thích làm vườn nên tôi đánh liều thuê lại vùng đất này thử nghiệm trồng cây táo đại", anh Tính kể.
Anh Tính cho biết quá trình làm nghề lái xe, được đi nhiều nơi, tiếp cận nhiều mô hình kinh tế ở các tỉnh, thành, anh thích thú nhất khi thấy người dân ở Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh miền Bắc trồng cây táo đại cho hiệu quả kinh tế cao mà không phải bỏ nhiều vốn.
Năm 2017, anh Tính trồng thử nghiệm 150 gốc táo đầu tiên. Những năm đầu chưa có kinh nghiệm, ông chủ vườn đau đầu khi táo bị sâu hại, năng suất không cao, lãi thấp. Không bỏ cuộc, anh Tính tiếp tục dày công chăm sóc, đồng thời học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm.
Qua từng năm, anh Tính nắm khá vững các kỹ thuật đốn cây, phòng trừ dịch, tỉa cành để tạo tán, kích cây ra hoa, tạo quả. Từ đó, năng suất qua từng năm tăng dần đều. Đến nay, từ mảng đất hoang hóa, anh đã gây dựng hơn 300 gốc táo.
"Năm 2023, thời tiết thuận lợi nên năng suất dự kiến thu về khoảng 6-7 tấn, cao hơn năm trước 1,5 tấn", anh Tính chia sẻ.
Dịp gần Tết Nguyên đán 2024, anh Tính quyết định mở thêm dịch vụ du lịch trải nghiệm tại vườn, thu hút nhiều lượt khách tham quan.
Anh Tính sắm thêm bàn ghế, trang trí hoa, câu đối, các biển chỉ dẫn để phục vụ du khách. Những ngày cuối tuần, khách tìm đến vườn của anh Tính rất đông.
Sau khi mua vé 40.000 đồng/lượt, du khách sẽ được vào cổng tham quan, chụp ảnh check-in và thưởng thức táo ngay tại vườn.
Chị Mỹ Trang (35 tuổi, trú thị trấn Đức Thọ) đưa 2 con gái nhỏ đến vườn táo của anh Tính du lịch.
"Hôm nay, các cháu được nghỉ học nên 3 mẹ con tôi tới đây chơi. Lần đầu tiên ở địa phương có mô hình này. Tôi và các cháu đều rất hào hứng khi vừa được thưởng thức những trái táo ngon vừa được chụp hình tại khu vườn trĩu quả, tuyệt đẹp", chị Trang chia sẻ.
Bé Phương Diệp (6 tuổi) khen những trái táo có vị ngon, giòn, ngọt khi nếm quả tại vườn.
Anh Tính cho hay, vườn táo được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, không sử dụng phân, thuốc hóa học nên khách hàng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng.
Táo tại vườn được bán với giá 40.000-50.000 đồng/kg tùy loại. "Năm nay, tôi vừa bán táo vừa bán vé cho du khách trải nghiệm. Trừ các chi phí, tôi dự kiến thu về khoảng hơn 200 triệu đồng. Vườn cũng tạo việc làm cho 3 lao động thời vụ ở địa phương", anh Tính nói.
Theo lãnh đạo UBND thị trấn Đức Thọ, mô hình trồng táo đại của anh Nguyễn Trung Tính trên bãi bồi ven sông La không chỉ mang lại giá trị kinh tế, tận dụng được quỹ đất mà còn chống xói mòn, bảo đảm về môi trường.
Theo Dân Trí |