Buổi họp phụ huynh đặc biệt và những câu chuyện giáo dục thấm thía ở Singapore

(CTG) Buổi họp phụ huynh có con tham dự, cô giáo không nói nhiều về kết quả học tập mà nhận xét cách hành xử, những điều con nên thay đổi, nên phát huy… Xong cô hỏi: 'Cô nói nãy giờ có gì chưa đúng mà con cần nói thêm không?'.

Được động viên, quan tâm và tặng quà nên con gái của tác giả rất vui - Ảnh: NVCC

 Được động viên, quan tâm và tặng quà nên con gái của tác giả rất vui - Ảnh: NVCC

Là người Việt sinh sống ở Singapore và đi cùng các con trên chặng đường từ tiểu học lên trung học cơ sở của hệ thống giáo dục tại quốc đảo này, chúng tôi thấm thía nhiều câu chuyện nhỏ nhưng lại có ý nghĩa giáo dục lớn.

Bí kíp BTB - better than before

Hai con chúng tôi đều bắt đầu chương trình học từ những năm đầu tiên trong hệ thống giáo dục công lập ở Singapore. Với con trai lớn là bắt đầu lớp 1, trong khi con gái đi học mẫu giáo.

Trong tuần đầu tiên năm học lớp 1 của con trai, chúng tôi được khuyến khích tham gia một buổi chia sẻ kinh nghiệm cho các phụ huynh lần đầu tiên có con học lớp 1 ở trường công. Người trình bày là ông Nicholas, chuyên gia giáo dục do Bộ Giáo dục Singapore chọn và cử đến trường gặp phụ huynh.

Buổi nói chuyện khá nhiều chủ đề như đừng quá đặt áp lực cho các con, việc dạy học là của nhà trường..., nhưng tôi nhớ hoài một ý đó là người cần được "giáo dục", người cần phải thay đổi chính là phụ huynh chứ không phải là tụi nhỏ.

Nicholas chia sẻ câu chuyện của gia đình ông. Cậu con trai của ông học hành bết bát, đặc biệt là hai môn toán và tiếng Hoa. Anh chàng gần như lúc nào cũng chỉ muốn… ăn.

Một hôm, cậu thông báo sau này sẽ làm nghề… quét rác. Hoảng lắm nhưng ông cũng tìm hiểu và biết được rằng cậu ta nghe người lớn nói với nhau "học hành mà yếu kém sau này chỉ đi quét rác".

Ông nói với con trai rằng "dù con muốn chọn quét rác là công việc cũng không sao nhưng vẫn phải học tốt toán và tiếng Hoa".

"Này nhé quét rác buổi sáng sớm hoặc tối khuya thì con hay gặp các ông bà đi tập thể dục, mà mấy ông bà lớn tuổi sẽ chủ yếu nói tiếng Hoa, con không học tiếng Hoa sao giao tiếp với họ? Con đi lạc đường hay cần hỏi họ có rác không, chỗ nào có nhiều rác… con không biết tiếng Hoa thì sao?", ông chỉ ra những lợi ích của việc học tiếng Hoa.

"Con cũng phải tính toán để biết mình cần quét mấy nhát chổi, quét từ bên nào trước… để kết thúc buổi làm sớm còn về nhà nghỉ và ăn", ông giải thích về lợi ích của học toán. Thằng nhỏ cũng gật gù tỏ vẻ hiểu chuyện.

Rồi Nicholas động viên con trai bằng việc truyền lại cho con ba từ "BTB - better than before" (tốt hơn trước kia).

"Đây là bí kíp của gia đình chúng ta. Nó đã được truyền từ ông cố con, cứ áp dụng vào bất cứ chuyện gì cũng thành công. Chỉ cần hôm nay con tốt hơn ngày hôm qua, hôm qua tốt hơn hôm trước, con sẽ được thưởng, muốn ăn gì ở đâu cũng được" - ông nói với con trai.

Học kỳ kết thúc, cậu chàng vui mừng về khoe đã có điểm tiếng Hoa đúng theo bí kíp BTB: 18/100 điểm. "Trời ơi, người Singapore gốc Hoa mà con học tiếng Hoa có 18/100 là sao?" - ông Nicholas kể lại, nhưng đúng là BTB vì lần trước kiểm tra chàng chỉ có 14/100 điểm.

Hôm đó, ông Nicholas đưa con ra sân bay Changi cho ăn hết từ quầy hàng này sang quầy khác cho đến khi cậu chàng no nê, chán chê. Nicholas chia sẻ mỗi đứa trẻ một tính cách, một khả năng cảm nhận, tiếp thu khác nhau nên không thể áp đặt rồi kỳ vọng khả năng học hành của đứa trẻ này với đứa trẻ khác cho dù là anh/chị/em ruột.

Quang (giữa - con trai tác giả) cùng các bạn đọc lời nhắn của các anh lớp trên gửi lại cho đàn em - Ảnh: NVCC

Quang (giữa - con trai tác giả) cùng các bạn đọc lời nhắn của các anh lớp trên gửi lại cho đàn em - Ảnh: NVCC 

Cho con cùng họp phụ huynh

Sắp cuối năm học lớp 1 của con trai, chúng tôi nhận được email thông báo đăng ký thời gian họp phụ huynh lần đầu tiên với cô giáo chủ nhiệm. Có tổng cộng hai ngày để các phụ huynh chọn đăng ký 45 phút tiện lợi nhất. Một yêu cầu bắt buộc là con trai tôi phải cùng có mặt trong buổi họp này.

Trong cuộc họp giữa phụ huynh chúng tôi với hai cô giáo chủ nhiệm, cô giáo không nói gì nhiều về kết quả học tập của con trai tôi vì tất cả đều đã có trong báo cáo gửi về nhà trước buổi họp.

Hai cô chia sẻ nhận định về cách hành xử, những điều nên thay đổi, nên phát huy của con trai tôi trong suốt năm học qua… Khen cũng có, động viên cũng nhiều… nhưng điều mà chúng tôi ấn tượng chính là cách các cô hỏi nhẹ nhàng khéo léo khơi gợi để con trai tôi tự phản hồi về những điều mà cô đã nhận xét, chia sẻ.

Các cô giải thích việc bắt buộc học sinh phải có mặt trong buổi họp này chính là để các con có cơ hội "tự bào chữa", "tự phản biện" về những nhận xét của giáo viên về mình. Nói xong, cô quay qua hỏi luôn Quang (con trai chúng tôi): "Cô nói nãy giờ có gì chưa đúng mà con cần nói thêm không?".

Quan sát buổi họp phụ huynh, chúng tôi thấy đó thực sự là một buổi trao đổi của nhiều phía, trong đó chủ thể quan trọng nhất của buổi họp là con trai chúng tôi có cơ hội ngang bằng để trao đổi, "thông tin thêm" hay tự minh oan về sự kiện nào đó.

Chúng tôi là bên cuối cùng tham gia trao đổi ý kiến hoặc đề đạt điều gì thêm với cô giáo. Đó thực sự là một buổi gặp gỡ, trao đổi và làm cho mối quan hệ giữa các bên thoải mái vô cùng.

Đi bộ dài 16km

Lên trung học cơ sở, Quang có cơ hội vào học sec 1 (tương đương lớp 7) ở một trường toàn nam (boy school) ở Singapore. Tuần thứ hai, anh chàng và các bạn cùng khối đi cắm trại trong thời gian ba ngày hai đêm ở gần khu công viên quốc gia Labrado để học cách gắn kết, chia sẻ giữa các bạn cùng lớp.

Phụ huynh chúng tôi được nhà trường khuyến khích đến sắp xếp thời gian đến lớp để tham dự một sự kiện quan trọng "ghi nhận sự trưởng thành của con". Phụ huynh được mời vào lớp xem một video clip tóm tắt hoạt động của các con trong ba ngày qua.

Sau khi xem clip xong, thầy Alexis - một trong hai thầy cô chủ nhiệm lớp - thông báo trong buổi sáng nay các con đã cùng thầy cô giáo chủ nhiệm vừa kết thúc một chặng đi bộ dài 16km từ nơi cắm trại về đến trường. Toàn bộ đồ đạc được đưa lên xe buýt chở về trường trước, trong khi tụi nhỏ mang theo chai nước và cùng nhau đi bộ về trường mà không bỏ ai lại phía sau.

Tất cả các phụ huynh đều vỗ tay tán thưởng. Các con lúc này có đứa đã vào phòng ngồi gần phụ huynh, có đứa vẫn đứng bên ngoài hành lang cùng bạn nhưng nhìn lại thì vẻ mặt các chàng trai có vẻ hãnh diện lắm.

Kế đến thầy giáo gọi tên từng học sinh lên trước lớp rồi thầy mời phụ huynh lên để gắn cho con trai mình cái huy hiệu ghi nhận sự trưởng thành của con trai.

Quang kể lại sáng hôm đó cả trại dậy lúc 5h, dọn dẹp, ăn sáng và bắt đầu đi bộ về. Mấy km đầu nhiều bạn nhăn nhó, có bạn còn muốn khóc và thậm chí muốn bỏ cuộc vì nghĩ mình không thể nào hoàn tất một chặng đường dài như vậy.

Tuy nhiên với sự động viên, hỗ trợ của thầy cô, bốn anh học lớp lớn hơn đi cùng, cũng như sự đồng lòng của tất cả các bạn, các chàng trai đã hoàn tất chặng đường đi bộ dài nhất trong cuộc đời các bạn!

Nhìn chung, triết lý trồng người của Singapore rất đơn giản và được những nhà giáo dục ở quốc đảo này thấm nhuần: không áp đặt con trẻ, khuyến khích chúng tư duy phản biện và luôn khích lệ các em vượt qua những thử thách.

Phong bì tràn đầy yêu thương

Tháng 9-2021, con gái tôi đang học lớp 1 thì nhận được yêu cầu phải cách ly vì có tiếp xúc với bạn mắc COVID-19. Ngày cách ly thứ hai, hai bố con được mẹ gửi vào trong phòng một phong bì màu cam to đùng bên ngoài ghi tên người nhận là con gái tôi với dòng chữ "Dear Minh" (tạm dịch là Minh thân mến), người gửi là hiệu trưởng, hiệu phó và các thầy cô của trường.

Bên trong là một hộp bút chì màu, hộp đất sét nặn, một cái tai nghe, một chai nước rửa tay diệt khuẩn, một hộp đồ chơi lắp ráp, một sợi dây nhựa để nhảy dây tại chỗ và một tờ giấy in biểu tượng nhiều người cùng nắm tay nhau thành một vòng khép kín với dòng chữ "You are not alone. Stay strong! We’ll get through this together" - tạm dịch: "Con không hề cô đơn. Hãy mạnh mẽ lên! Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua điều này (cách ly)".

 

Theo Tuổi Trẻ