“Đã nghĩ về tăng trưởng rồi”, nhà kinh tế đạt giải Nobel Robert Lucas nói, “thì chẳng nghĩ được gì khác.” Cứ theo lối nói của các nhà hoạch định chính sách trên thế giới thì có lẽ họ cũng chẳng nghĩ được về cái gì khác thật.
Thông cáo chung trong cuộc họp thượng định lãnh đạo G20 tại Toronto hồi tháng 6 chỉ có 9 trang nhưng nhắc tới chữ “tăng trưởng” 29 lần.
TT Obama nói chính sách kinh tế của mình đều hướng tới “đặt nền móng cho tăng trưởng dài hạn”. Thủ tướng Anh David Cameron dành bài phát biểu đầu tiên của mình trên cương vị mới để trình bày “chiến lược tăng trưởng kinh tế”. Chính phủ Nhật đã công bố “chiến lược tăng trưởng mới” cho 10 năm tới vào tháng 6.
Nhiệm vụ thật nặng nề. Quá trình phục hồi mới chớm nở tại các nước giàu đang chậm lại dần dù thất nghiệp vẫn cao một cách đáng lo ngại.
Hiện tượng này ở Mỹ là rõ ràng nhất, tăng trưởng GDP đã giảm xuống còn 1,6% vào quý II và có lẽ mùa hè này sẽ giữ nguyên ở mức ấy. Thị trường nhà đất lại đi xuống và tốc độ tạo việc làm vẫn quá chậm chạp.
Nhờ đầu tàu kinh tế Đức, tình hình ở Châu Âu nửa đầu năm nay tương đối sáng sủa hơn nhưng khi thương mại toàn cầu phục hồi chậm dần, nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu của Đức sẽ tăng trưởng yếu đi.
Các số liệu mới nhất của nước này cho thấy niềm tin nhà đầu tư u ám hơn so với hồi đầu năm. Kinh tế Nhật cũng đang yếu đi với lý do tương tự.
Dự báo hồi tháng 9 của OEC cho thấy tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm của nhóm G7 sẽ giảm xuống 1,5% trong nửa cuối năm nay, tức giảm 1% so với dự báo hồi tháng 5.
Các phân tích bi quan hơn còn lo ngại về một cuộc “suy thoái kép”. Ngay cả người lạc quan cũng chỉ dám hy vọng tăng trưởng năm tới không quá yếu ớt (xem đồ thị).

Viễn cảnh tới giữa thập kỷ này vẫn u tối vì nợ nần rồi dân số già đi phủ bóng đen lên tương lai các nước giàu.
Hậu quả của khủng hoảng tài chính sẽ tác động xấu tới tiêu dùng tư nhân trong vài năm tới khi tiến hành cải tổ hệ thống ngân hàng còn doanh nghiệp và hộ gia đình trả dần nợ. Người Mỹ dù có trả nợ nhanh nhất thế giới thì họ mới đi được nửa chặng đường.
Theo phân tích của Carmen và Vincent Reinhart trong báo cáo mới đây, trung bình tăng trưởng GDP/người hàng năm trong thập kỷ hậu khủng hoảng chậm hơn 1% so với trong thập kỷ tiền khủng hoảng.
Vì toàn bộ các nước giàu tăng trưởng trung bình 2,5%/năm trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính rồi lại sụt giảm 3% trong cuộc suy thoái sau đó nên có lẽ họ sẽ chỉ tăng trưởng 1,7%/năm trong những năm tới.
Các nền kinh tế phát triển tăng trưởng chậm hơn tức đầu tư tư nhân thấp hơn, thất nghiệp cao hơn, nợ công lớn hơn, tất cả những điều đó đều tác động xấu tới khả năng tăng trưởng trong dài hạn.
Cùng lúc đó tác động trái chiếu tới tăng trưởng của hiện tượng dân số già đi (với nhiều nước dân số còn sụt giảm) sẽ trở nên đáng chú ý hơn nhiều, đặc biệt là ở Châu Âu khi tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động tăng lên đã phần nào che khuất hạn chế về nhân khẩu học.
Tổng hợp tác động của nhiều yếu tố khác nhau có lẽ sẽ khá lớn. Dự báo bi quan nhất về hậu quả của vấn đề nhân khẩu học, nợ công tăng và giảm đầu tư tư nhân cho thấy tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của các nền kinh tế phát triển nói chung có thể giảm một nửa từ trên 2% thời tiền khủng hoảng xuống khoảng 1% trong những năm tới.
Đáng lưu ý là Chủ tịch NHTW Châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet, một người thường chẳng có thói lộng ngôn, lo ngại rằng 10 năm tới có thể sẽ là một “thập kỷ mất mát”.
Các chiến lược tăng trưởng hiện nay có đủ để chứng minh rằng ông Chủ tịch đã sai? Có 3 lý do chính để nghi ngờ điều này.
Thứ nhất, nói chung tăng trưởng tại các nước giàu đang dựa quá nhiều vào sức cầu ngoại quốc.
Thứ hai, có nguy cơ họ vừa nhìn nhận vấn đề thâm hụt ngân sách ngắn hạn quá nghiêm trọng, vừa khắc phục nó bằng những biện pháp sai lầm.
Thứ ba, đại bộ phận các nước đều chú ý quá ít tới cải cách cơ cấu kinh tế, thứ sẽ giúp tăng tốc quá trình giảm nợ, khiến thất nghiệp cao không trở thành dai dẳng và thúc đẩy tăng trưởng năng suất.
Hãy bắt đầu với viễn tượng về sức cầu ngoại quốc. Ở hội nghị kinh tế quốc tế nào người ta cũng bàn về tầm quan trọng của việc “tái cân đối” cơ cấu sức cầu thế giới.
Kinh tế thế giới phải ít dựa nhiều hơn vào chi tiêu của người tiêu dùng Anh-Mỹ đang ngập trong nợ nần và moi được nhiều tiền hơn từ túi người Đức, người Nhật cũng như công ty và hộ gia đình ở các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh, điển hình là Trung Quốc. Dù vậy chẳng có dấu hiệu gì cho thấy những nỗ lực ấy đã có tác dụng gì tốt đẹp.
Các nước giàu chịu thâm hụt lớn như Mỹ và Anh chắc chắn muốn đẩy mạnh xuất khẩu để đối phó với cầu tiêu dùng yếu.
Chính quyền Obama từng nói họ muốn tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ trong 5 năm tới. Chính phủ mới ở Anh coi hỗ trợ xuất khẩu là trung tâm trong chính sách đối ngoại của mình.
Nhưng các quốc gia có thặng dư như Đức và Nhật cũng quyết tâm xuất khẩu không kém. Nhật gần đây can thiệp vào thị trường ngoại hối lần đầu tiên trong 6 năm qua để ngăn đồng Yên tăng giá.
Tuy vậy vẫn chẳng mấy dấu hiệu nào của quá trình tái cân đối hướng tới các nước mới nổi.
Trách nhiệm chính thuộc về Trung Quốc. Thặng dư tài khoản vãng lai của nước này giảm mạnh trong hai năm 2008 và 2009 nhưng năm nay đã tăng trở lại. Mặc dù chính phủ nước này hồi tháng 6 sẽ để tỷ giá linh hoạt hơn nhưng từ bấy đến nay đồng NDT chẳng tăng giá là bao.
Quan trọng hơn là phải mất hàng năm trời để dỡ bỏ các rào cản ngăn tiêu dùng nội địa không tăng thêm, từ việc chính phủ độc quyền trong nhiều ngành dịch vụ tới thuế, trợ cấp và quy định quản trị doanh nghiệp nhấn mạnh tới lợi nhuận thay vì lương bổng.
Lại cũng chẳng có dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế mới nổi sẵn sàng chịu thâm hụt lớn. Trong dài hạn, sức cầu của các nước nghèo tăng trưởng nhanh hơn sẽ là điều tốt cho các nền kinh tế phát triển, nhưng đó là chuyện của dài hạn.