Minh Khang có tên ở nhà là Bean, là một bạn học sinh nhanh nhẹn, thích tìm tòi và làm những cái mới; đặc biệt, thay vì “chơi” game, Minh Khang lại mày mò “làm” game. Bạn Bean thường lên mạng mày mò, học hỏi từ những video hướng dẫn trên Youtube, sau đó tự thiết kế một số trò chơi. Những trò chơi có đồ hoạ bắt mắt, màu sắc và đặc biệt rất dễ tham gia đã được Bean “thiết kế” từ chiếc laptop của mẹ, tại góc học tập nhỏ xíu.
Game có giao diện vô cùng đơn giản để các bạn nhỏ đều dễ dàng tham gia. Ở trò chơi thứ nhất, người chơi chiến thắng trò chơi bằng cách luôn giữ khoảng cách 2m với những “con virus” Sar-Cov2 liên tục tiến đến gần; “nhặt” những vật phẩm hiện lên ngẫu nhiên trên màn hình như khẩu trang, nước rửa tay để cung cấp “năng lượng”. Nếu “chạm” phải virus quá 5 lần, người chơi sẽ phải bắt đầu trò chơi lại từ đầu; nếu đạt được trên 100 điểm, người chơi sẽ chiến thắng và được trở về nhà. Nhạc beat của ca khúc “Ghen Cô-vy” (Min, Erik, Khắc Hưng) được Minh Khang sử dụng làm nhạc nền của trò chơi; để người tham gia có thể vừa chơi vừa “nhẩm” theo lời của ca khúc với những thông điệp phòng chống dịch ý nghĩa. (Link trò chơi của Minh Khang: https://scratch.mit.edu/projects/379703001)
Được biết, trò chơi thứ hai đang được Minh Khang phát triển thách thức người chơi vượt qua chặng đường có rất nhiều chướng ngại vật là những “con virus” Sar-Cov2 để chiến thắng với lá chắn ngôi nhà yêu thương. Hiện tại, Minh Khang đã hoàn thành bản demo chơi trên máy tính và đang tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện để có thể chơi ở phiên bản điện thoại.
Trò chơi được Minh Khang thiết kế với mong muốn truyền tải thông điệp hãy luôn đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn tay hằng ngày để bảo vệ chính bản thân mình. Để các bạn nhỏ khác cùng chơi được, Minh Khang đã nhờ mẹ quay một clip mình tự giới thiệu và hướng dẫn cách chơi; sau đó gửi cho bạn bè cùng tham gia. (https://scratch.mit.edu/projects/382110391)
Chị Lê Thị Thu Trang - mẹ của Minh Khang chia sẻ: “Bạn Minh Khang đã thích và đam mê “làm” game từ hai năm nay. Do công việc khá bận nên bố mẹ không có thời gian hỗ trợ con học. Vì thế, vào mỗi cuối tuần, Minh Khang thường tự mày mò và ấp ủ ý tưởng để thiết kế ra những trò chơi dựa trên những video clip hướng dẫn trên mạng. Mình rất vui khi con dùng quỹ thời gian rảnh để phát triển tư duy”.
Theo ĐTN