Lạm dụng tín ngưỡng, rình rang lễ lạt
Dịp tháng Chạp, phố Hàng Mã (Hà Nội)-khu phố có nhiều mặt hàng kinh doanh đồ thờ cúng-trở nên nhộn nhịp. Tại đây, nhiều hàng quán bày bán đa dạng các chủng loại, “mặt hàng thời thượng” bằng giấy như: Điện thoại, xe máy, ô tô... để người dân mua về cúng lễ. Hiện tượng trên là một trong những biến tướng về phong tục thường gặp vào dịp cuối năm, khi không ít người dân quan niệm muốn có nhiều tài lộc thì phải bày biện, dâng mâm cao cỗ đầy, sắm nhiều đồ vàng mã.
Tục cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp theo phong tục truyền thống mang ý nghĩa cầu mong sự no đủ. Tuy nhiên, phong tục ấy đang bị hiểu sai và có ít nhiều biến tướng về tư duy văn hóa. Từ việc cúng tiễn Táo quân với mâm cỗ, trầu cau, hương hoa, nay nhiều người sắm thêm đủ các loại hàng mã: Quần, áo, nhà lầu, xe hơi... để Táo quân “báo cáo” với Ngọc Hoàng xin cho nhà mình có nhiều lộc. Khi cúng xong, người dân mang tro đốt hàng mã, mang cá ra sông, hồ để thả. Nhiều người thản nhiên vứt cả túi đựng cá làm không ít sông, hồ tràn ngập túi ni lông, giấy, rác làm ô nhiễm môi trường. Phong tục hái lộc đầu xuân vốn mang ý nghĩa cầu may cũng bị biến tướng thành hành vi chặt cây, bẻ cành ở nơi công cộng, gây mất mỹ quan và ý nghĩa văn hóa...
Khi cuộc sống của người dân được cải thiện, nhu cầu tìm về nguồn cội và nhu cầu tâm linh cũng được quan tâm, chú ý hơn. Ở cấp độ làng xã, nhiều hoạt động lễ hội diễn ra sôi động mỗi khi tết đến, xuân về. Hàng nghìn lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng được tổ chức ở khắp nơi. Tuy nhiên, không ít lễ hội truyền thống vào dịp đầu xuân bị biến thành cơ hội kinh doanh, làm cho yếu tố linh thiêng và giá trị văn hóa bị lu mờ. Việc lạm dụng tín ngưỡng khiến một số lễ hội được tổ chức để trục lợi, xuất hiện tại lễ hội những hành vi gây mất trật tự công cộng.
Cùng với đó là việc có quá đông du khách tham gia dẫn tới quá tải, ô nhiễm môi trường. Nhiều người tham gia lễ hội nhưng không hiểu rõ giá trị linh thiêng và ý nghĩa thật sự của các phong tục. Không ít đơn vị và cá nhân chịu ảnh hưởng bởi lợi nhuận, làm mất đi yếu tố văn hóa.
Chợ hoa ngày giáp Tết. Ảnh:Chinhphu.vn |
Ngày 11-12-2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về việc tổ chức Tết Ất Tỵ 2025, trong đó yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định. Chỉ thị còn nhấn mạnh tới việc bảo đảm các hoạt động vui xuân, kỷ niệm ngày truyền thống, tổng kết năm, gặp mặt đầu năm... thiết thực, an toàn, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức, lãng phí. Bởi thực tế có không ít cơ quan, đơn vị, địa phương thường có những cuộc lễ lạt rình rang vào dịp tổng kết năm, gặp mặt đầu xuân, kèm theo đó là sự lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức.
Thực tế cho thấy, thay vì chú trọng vào những việc làm tri ân thiết thực, không ít cơ quan, đơn vị vẫn nặng về phô trương, hình thức, cốt để "vui vẻ" mỗi dịp lễ, tết.
Mai một giá trị truyền thống
Năm nào cũng vậy, khi thời điểm tết cận kề thì câu chuyện biếu, tặng quà tết là chủ đề được nhiều người quan tâm, bàn luận. Về vấn đề này, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư ngày 11-12-2024 đã nhấn mạnh: “Tăng cường công tác phòng, chống lãng phí, tiêu cực; không tổ chức thăm, chúc tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc tết cấp ủy, chính quyền các địa phương; nghiêm cấm việc biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức...”.
Tặng quà là để thể hiện sự biết ơn, tình cảm quý mến của người tặng, song ý nghĩa truyền thống ấy đã dần bị mai một, thay vào đó là những món quà mang tính vụ lợi. Trong một cuộc trao đổi về chủ đề “Biến tướng quà tết”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, quà tết không chỉ là một hiện tượng mà đã trở thành một thói quen. Tuy nhiên, hiện nay quà tết bị biến tướng, nó đã chuyển từ những món quà đơn giản, gửi gắm tình cảm của người tặng sang những món quà đắt tiền mang tính thực dụng, ẩn chứa “thông điệp” nhờ vả.
Cách đây vài năm, tác giả bài viết có quen một người giữ chức vụ khá cao. Khi vừa nhậm chức vào dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, anh bảo: “Có lẽ tôi cần phải thay đổi quan niệm về chuyện nhận quà tết thôi ông ạ, bởi mình đâu có thiếu thốn mà cứ để hết người này tới người khác tới biếu quà...”. Nhưng rồi sau đó, quan niệm, ý tưởng có vẻ chân thành của anh không dễ thành hiện thực, bởi biếu quà tết là một thói quen khó thay đổi; việc biếu, nhận quà tết không phải là bối cảnh của hai người mà đã trở thành câu chuyện của cả xã hội. Nếu người cán bộ kia không nhận quà tết thì những người xung quanh anh sẽ phản ứng thế nào? Họ sẽ nhìn anh ra sao? Nhiều khi họ cũng không thích cái việc “từ chối quà tết để làm gương” của anh, bởi với nhiều người, cả năm họ chỉ trông vào mỗi “khoản” này, và tết chính là dịp mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho họ...
Từ chuyện biến tướng trong việc biếu, nhận quà tết của người lớn, tục lì xì người già và con trẻ cũng có những lệch chuẩn.
Lì xì, mừng tuổi... vốn là một phong tục đẹp, khi mà trong mỗi bao lì xì có một chút tiền lẻ được biếu, tặng, mong người già có thêm sức khỏe, mong con trẻ ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Giờ đây, câu chuyện vật chất đã len vào những bao lì xì, khiến không ít gia đình phải dặn kỹ con em mình mỗi khi nhận lì xì thì đừng làm mất mặt người lớn, rằng nhận xong thì chớ có mở ra để... đếm tiền trước mặt khách. Rõ ràng, bao lì xì hiện không còn mang ý nghĩa tượng trưng mà đã mang nặng giá trị vật chất, ảnh hưởng không nhỏ tới quan niệm, hành vi ứng xử của con trẻ, làm mai một giá trị truyền thống.
Nói về giới trẻ hiện nay, nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng giới trẻ đang dần quay lưng với phong tục tết? Vào dịp cuối năm, thấy không ít bạn trẻ lên mạng xã hội ta thán: “Đang yên đang lành, tự dưng lại tết, nghỉ gần chục ngày chẳng biết đi đâu, làm gì”; “Ui, thế là lại tết, ước gì sau một ngày ngủ nướng, thức dậy đã là... mồng 6 tết”. Sở dĩ có hiện tượng trên là do ngày nay, một số người trẻ đã không còn dành thời gian cho các phong tục tết truyền thống như trước. Trên các diễn đàn dành cho dân du lịch, đi phượt..., nhiều bạn trẻ hào hứng bàn bạc, rủ nhau tết này đi du lịch ở đâu, dùng mấy ngày nghỉ tết vào việc gì... Có người rủ nhau xuất ngoại du lịch, có người tính chuyện khoác ba lô đi phượt xuyên Việt.
Trào lưu đi du lịch thay vì đón tết đang trở nên phổ biến không chỉ trong giới trẻ mà còn lan rộng tới các gia đình có điều kiện, dư dả về kinh tế. Nhiều người không còn coi tết là dịp sum vầy mà họ lựa chọn du lịch để tận hưởng kỳ nghỉ tết theo cách riêng. Điều này phản ánh sự thay đổi trong cách sống, quan niệm và nhu cầu giải trí của xã hội hiện đại. Một bộ phận người trẻ lựa chọn đi chơi xa như một hình thức "trốn" tết. Họ xem tết như một kỳ nghỉ để "xả stress" thay vì dành thời gian cho gia đình.
Lối sống, quan niệm ấy đã phần nào khiến ý nghĩa đoàn viên, sum vầy của ngày tết bị xem nhẹ, đồng thời giá trị gắn kết gia đình và xã hội của Tết Nguyên đán cũng đang dần bị mai một.
Tự giác, nêu gương để giữ gìn văn hóa tết
Để ngăn biến tướng và giữ gìn văn hóa tết, rất cần sự làm gương từ các gia đình, trong đó cha mẹ, ông bà phải là những người lan tỏa ý nghĩa văn hóa tết cho con cháu; chú trọng tổ chức tết đơn giản, tiết kiệm, tránh lãng phí, tập trung vào giá trị tinh thần của ngày tết như sự sum vầy, đoàn tụ gia đình và tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức các hoạt động lễ hội, trò chơi dân gian mang bản sắc truyền thống, không để diễn ra tình trạng nhiều lễ hội “không quản được thì cấm”, thiếu trách nhiệm với văn hóa truyền thống và nhu cầu chính đáng của nhân dân. Để hạn chế những biểu hiện mê tín dị đoan, trục lợi và các hình ảnh phản cảm trong lễ hội, ngành văn hóa-du lịch đã có nhiều nỗ lực thông qua các biện pháp quản lý, tuyên truyền và giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, để xây dựng môi trường lễ hội văn minh, giàu bản sắc văn hóa, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân.
Khắc phục những dấu hiệu lệch chuẩn trong văn hóa tết, cần đẩy mạnh giáo dục văn hóa trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, để họ hiểu và trân trọng ý nghĩa thực sự của các phong tục tết. Đồng hành trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong trong hành động, không tham gia hoặc khuyến khích các hoạt động mê tín dị đoan; không sử dụng ngân sách cho các hoạt động lễ lạt rình rang, gây lãng phí trong dịp tết; tránh tổ chức tiệc tùng, lễ nghi mang tính hình thức hoặc quá mức cần thiết.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong “Sửa đổi lối làm việc”: “Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong ta đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Vì vậy, đạo đức của cán bộ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa không chỉ là việc thực hiện trách nhiệm công vụ mà còn thể hiện qua lối sống, hành vi và thái độ gương mẫu. Tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người có chức, có quyền chính là lá chắn đầu tiên và quan trọng nhất để ngăn chặn biến tướng quà tết, bởi việc biếu, tặng quà tết với mục đích mưu cầu lợi ích không chỉ làm sai lệch ý nghĩa của việc tặng quà mà còn gây bức xúc trong xã hội.
Để làm được điều này, cán bộ, đảng viên phải thực sự nêu gương, tránh tình trạng gắn “mác” văn hóa trong diễn ngôn, nhắc nhiều đến văn hóa trong các lĩnh vực nhưng lại chưa thực tâm hành xử vì văn hóa.
Theo QĐND